(04-06-2015) Tại sao giá cà phê robusta yếu?

Giá cà phê trên sàn robusta IE đóng cửa tại mức không đổi so với hôm qua 1723 USD/tấn sau khi chòng chành 20 USD bên cao bên thấp. Trong khi đó, trên sàn arabica, có lúc xuống chỉ còn 130.60 cts/lb. Cứ tưởng tuột mất luôn nhưng cuối cùng đóng cửa trụ lại được 134.30 cts/lb, tăng 1.60 cts/lb.

Thái độ lừng khừng của sàn robusta cũng dễ hiểu vì không chịu áp lực mua bù khống như sàn arabica.

Một vài nhà phân tích trên sàn cho rằng giá robusta đang “hết hơi” do mấy hôm trước tăng khá mạnh.

Như vậy, đợt vượt cạn từ 1575 USD/tấn nay lên 1723 USD/tấn, tăng gần 150 USD/tấn đã giúp nhiều người “lai tỉnh” vì giá thấp phải đối mặt với thua lỗ vì giá robusta trong nước có lúc xuống 34 triệu đồng/tấn, còn người bán hàng vào kho, giá trị hàng bấy giờ chỉ chừng 31-32 triệu đồng/tấn.

Thị trường “khó biết đâu mà lần”, nhiều người thường bảo thế khi giá dao động mạnh. Chắc cũng cần điểm lại giá robusta xuống do ai và vì sao.

Thường chúng ta trách các quỹ đầu cơ lũng đoạn trên các sàn kỳ hạn. Không sai! Đợt giá xuống dốc tuần trước cũng do đầu cơ bán khống quá đà trên sàn kỳ hạn Arabica đưa giá cà phê hai sàn đã thấp nay thấp hơn.

Song, các nước sản xuất cũng nên xem lại mình, “tiên trách kỷ hậu trách nhân” vì chính đôi khi ta tạo điều kiện cho đầu cơ thao túng mà không biết.

Từ mấy tháng nay, giá cà phê trên 2 sàn liên tục giảm. Vì sao? Xuất phát từ Brazil, tin sản lượng nước này lớn, thị trường từ lo sốt vó chuyện thiếu hàng do Brazil hạn hán mất mùa thì nay giật mình tự bảo “chắc không phải thế”. Đã đành người mua bao giờ cũng muốn nói “được mùa” để mua cho được giá rẻ, không ai đi buôn mà muốn sử dụng vốn lớn cả. Nhưng không có lửa làm sao có khói khi mà một mặt nói mất mùa mặt kia chạy bán hàng ra rầm rộ. Tính đến hết tháng 5-2015, Brazil đã xuất khẩu được 36,8 triệu bao, là con số cao nhất lịch sử xuất khẩu cà phê của nước này. Khi con số này kết hợp với các ước đoán sản lượng năm tới của các hãng kinh doanh, người ngoài đường còn phải tin huống chi đến giới kinh doanh chuyên nghiệp. Vấn đề bây giờ là tồn kho gối vụcủa Brazil là bao nhiêu, nếu ít, khả năng có thể có nước khác bù đắp, v.v và v.v…

Vẫn chưa hết, đồng Real Brazil (BRL) làm sinh chuyện thêm vì chính dao động thất thường của đồng BRL làm đau đầu “chiến hữu” trồng cà phê trên thế giới hơn gì cả. Một điều đáng ngại nữa là khuynh hướng phá giá đồng bản tệ này làm giá nông sản và đặc biệt mặt hàng cà phê không chỉ của Brazil mà của các nước khác, trong đó có nước ta. Đến hôm qua, tỉ giá đồng BRL vẫn rẻ so với USD, 1 USD ăn 3,19 BRL!

Nói vậy để có cái mà giải thích và chủ yếu để cảnh tỉnh cho mình.

Nhưng vẫn còn cả núi lý do cho thị trường cà phê còn lắm rủi ro nhìn từ phía cung ứng. Tình trạng trái đất ấm dần lên là một đe dọa thực sự cho sản lượng cà phê thế giới nay mai. Ngay như tại các vùng cao như xứ Đà Lạt sương mù của nước ta trong mấy ngày qua còn phải hứng chịu những trận mưa lớn và lũ quét do thời tiết thay đổi thất thường, các vùng lạnh phù hợp cho cây cà phê thì nay nóng hơn, dịch bệnh lây lan cho cây vừa khó kiểm soát vừa làm giảm sản lượng. Không còn nghi ngờ gì năm ngoái Brazil có một trận hạn hán gay gắt nhưng lại mùa bội thu kỷ lục. Nhưng nếu như năm nay Brazil thêm một trận hạn hán như thế nữa, chắc chắn tình hình cung ứng sẽ khác đi. Đến nay thị trường thấy sản lượng arabica tại Brazil khá ổn nhưng lượng robusta ít hơn do đợt khô hạn ở vùng thấp hơn. Nên khả năng rủi ro do biến đổi khí hậu hoàn toàn là dấu hỏi lớn, còn để mở và có thể tạo cơ hội cho giá cà phê bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, thiên tai là yếu tố bất ngờ dù thời nay tần suất xuất hiện dày hơn. Đồng BRL mất giá, nếu robusta được giá, không ai cấm nước này xuất khẩu mạnh (như họ đã từng làm năm trước).

Trừ phi hàng robusta của nước ta mất mùa thực sự, còn nếu như có tin nói trữ hàng chờ giá tăng để bán, hay do một sức ép tài chính nào đó mà phải bán đồng loạt, thì đấy thực sự là mối đe dọa cho giá trên sàn kỳ hạn robusta và giá nội địa.

Đồng USD khi tăng khi giảm, chủ yếu theo hướng tăng do nền kinh tế Mỹ đã ít nhiều phục hồi, lại không ủng hộ giá lên cho hàng nông sản. Thêm nữa, giá cách biệt giữa arabica và robusta, mức cách biệt giữa hai sàn hiện nay vừa đủ để các hãng rang xay chọn mua hàng arabica phẩm cấp thấp…Sáng nay, mức cách biệt này là 55,65 cts/lb tương đương với 1226 USD/tấn. Đó là những lo ngại nên được mỗ xẻ để tìm một phương cách có lợi nhất cho mua bán cà phê trong tình hình mới.

Dự kiến giá mở cửa sàn robusta IE chiều nay 4/6/2015 từ không đổi đến tăng nhẹ.

 Khuynh hướng chung: Trung tính

Nguyễn Quang Bình     

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Vịnh

    Theo tôi nhận định, phiên IE vừa qua chưa có giá chứ không phải là giá không thay đổi. Cuối phiên có giá Last (giá giao dịch sau cùng) và chốt phiên là giá Close (đóng cửa). Hết phiên giao dịch, giá đóng cửa được tính gộp bình quân giữa giá last trên sàn và giao dịch cạnh sàn. Qua theo dõi, sau khi hết giờ khoảng 2-3 phút là đã có giá đóng cửa, nhưng cũng có phiên chậm nhất lên tới 14 phút mới có giá đóng cửa.
    Riêng phiên vừa qua IE kết thúc (last) T7 âm 8$, T9 âm 7$. Nhưng không hiểu sao bảng điện tử cũng đóng luôn, trong khi NY vẫn giao dịch bình thường. Vì sao chưa có giá thì có nhiều suy đoán chủ quan nên cũng không tiện nói thêm…

    1. Nguyễn Quang Bình

      Có giá đóng cửa rồi đấy chứ anh N. Vịnh, mức 1723 USD/tấn cơ sở 7-2015. Trước đó 1 phút, tức 23:29h giờ VN, giá là 1715 được gọi là giá LAST, tức giao dịch cuối cùng. Còn giá đóng cửa SETTLEMENT là giá đã được chỉnh để cân đối sổ sách và vốn giao dịch trong ngày của chủ sàn, có khi theo yêu cầu của người tạo thị trường (market makers) vì lý do vốn hay yếu tố kỹ thuật. Nếu kinh doanh sàn tài chính mà không khẳng định giá đóng cửa, sẽ không có cơ sở để tính toán lời lỗ hàng ngày cho nhà đầu tư, từ đó họ lại cân đối danh mục đầu tư cho mình.
      Chắc chắn phải có giá đóng cửa, vấn đề là người đưa thông tin giá đóng cửa đúng hay sai mà thôi. Vậy nhé ông bạn già N. Vịnh.

      1. Nguyễn Vịnh

        Vậy à, cám ơn anh Bình nha.
        Sao cái bảng giá Reuters của mình nó tắc câm từ lúc vừa hết giao dịch cho tới giờ chẳng thấy gì cả? Hay lại bị cá mập gặm nữa rồi sao?
        Agrimoney.com cũng chẳng có thông tin gì về cà Rô phiên vừa qua luôn ? Lạ thật!

  2. ĐăkHà

    Doanh nghiẹp nước ngoài đã đi khảo sát sản lương cà phê vụ 2015 chắc rằng họ biết ĐăkLắc, ĐăcNông mất mùa nặng nên trong giai đoạn này họ sẽ phải trả đúng với giá trị thực của sản phẩm cà phê cho người trồng nếu như họ muốn có hàng. Đối với bà con nên xuất hàng đúng lúc tôi tin rằng giới đầu cơ sẽ không ép giá được nữa đâu. Chúc bà con đoàn kết , thành công.

  3. ĐUC KON TUM

    Theo mình đây là chiến thuật của các nhà đầu cơ.Nếu cứ tăng mãi thì cũng khó mua được hàng của bà con ,mà phải tạo sóng gió đã.Làm tâm lý hoang mang bà con mới chịu bung hàng.

  4. Phan Thảo

    Vậy là những dự báo của tôi hồi tháng 4 và ngày 7/5 đã đúng : Tháng 5 giá giảm và tháng 6 bình bình . tháng 5 tôi đã đúng còn tháng 6 phải chờ ! Nhưng tôi hy vọng mình sai để mọi người được nhờ !
    Sự lên giá trong những ngày qua phản ánh sự tham lam ,vơ bèo vạt tép của giới đầu cơ !Nó không hề là xu hướng của gia trong thời gian tới !

  5. Phan Thảo

    Không nhưng bạn đức nghĩ mà là : Nếu thấp quá sẽ khó dao dịch bởi vậy cần nâng vùng dao dịch , để sau họ có mua cũng ở giá không quá thấp , thuận lợi cho việc mua hàng mà vẫn đám bảo lời nhuận !

  6. Huynhthao

    @Phan Thảo : theo bạn thì giá đang lên là do đầu cơ đang trục lợi vậy giá bây giờ đã nên bán chưa ? cho mình xin ý kiến riêng của bạn

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84