HTX cà phê Minh An: thông tin bán thương hiệu là không chính xác

HTX Minh An đề nghị nhượng miễn phí một phần nhãn “Coffee Đức Lập Dakmil” và thương hiệu “Coffee Minh An Đức Lập” cho tỉnh Đăk Nông để được vay vốn kinh doanh. Đơn vị này cũng bác thông tin bán 2 thương hiệu cho Trung Quốc.

Bài liên quan:

Ngày 18/4, giới kinh doanh cà phê trong nước đứng ngồi không yên khi có thông tin HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh An (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) tính chuyện bán 2 thương hiệu cà phê “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” cho Trung Quốc vì thua lỗ. Cái giá được đưa ra là 18 tỷ đồng. Đây là 2 thương hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm HTX Minh An khẳng định, thông tin bán thương hiệu là không chính xác. “Khi HTX thua lỗ, có một doanh nghiệp Trung Quốc đặt vấn đề hợp tác đầu tư nhưng chúng tôi từ chối, không có chuyện Minh An bán thương hiệu cà phê cho Trung Quốc”, ông Toàn giải thích.

Theo ông Toàn, HTX nhất định không bán thương hiệu cho Trung Quốc mà chỉ nhượng lại cho tỉnh không lấy một chi phí nào. Đổi lại, HTX xin tỉnh cho vay vốn 5 tỷ đồng tái đầu tư bằng cách thế chấp nhà máy.

Hợp tác xã cà phê Minh An
HTX Minh An bác thông tin bán thương hiệu cà phê cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Ngày 7/3, HTX Minh An đã gửi kiến nghị lên tỉnh và các Sở xin hỗ trợ vay vốn 5 tỷ đồng để bù đắp vốn đầu tư và xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm cà phê trong những năm qua. Để được vay vốn, HTX Minh An gợi ý có thể chuyển giao một phần nhãn hiệu “Coffee Đức Lập Dakmil” (là chữ Đức Lập) và thương hiệu “Coffee Minh An Đức Lập” để tỉnh Đăk Nông xây dựng nhãn hiệu tập thể của tỉnh.

Việc chuyển giao thương hiệu cho tỉnh, Minh An sẽ không nhận lại một chi phí nào. Song, đơn kiến nghị ghi rõ “nếu HTX tiếp tục gặp trở ngại trong việc tiếp cận vốn thì phải chuyển nhượng nhãn hiệu và thanh lý tài sản để thu hồi vốn tái đầu tư”. Song HTX Minh An cho rằng trong trường hợp buộc phải chuyển nhượng nhãn hiệu và thanh lý tài sản thì có rất nhiều khó khăn, như việc thanh lý thì bất cập, còn chuyển nhượng thương hiệu ra ngoài tỉnh để mất chữ Đức Lập là một tổn thất lớn.

“Hợp tác xã đã tạo dựng được nhiều lợi thế và giải pháp cho thị trường để phát triển sản xuất cà phê bền vững. Trước khó khăn, HTX rất cần có được sự quan tâm hỗ trợ của cơ quan chức năng”, bản kiến nghị của đơn vị này nhấn mạnh.

Trước những kiến nghị của HTX Minh An, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Nông đã có văn bản trả lời, đề nghị Minh An không được chuyển nhượng thương hiệu cho nước ngoài để tránh làm lũng đoạn thị trường cà phê trong nước.

Đồng thời Minh An cũng được yêu cầu chuyển giao chữ Đức Lập trong thương hiệu của mình cho địa phương nhằm xây dựng thương hiệu cà phê chung cho tỉnh Đăk Nông. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho HTX được trả lãi trong hạn, giảm lãi quá hạn của nợ vay, vay thêm tiền mới để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Trước mâu thuẫn trên, ông chủ nhiệm HTX lý giải: “Nếu HTX định bán thương hiệu thì còn gửi kiến nghị đến tỉnh làm gì, vì bán để lấy vốn khôi phục sẽ có nhiều tiền hơn mà không phải trả nợ vay. Tuy nhiên chúng tôi tặng thương hiệu và xin tỉnh cho vay là đã đặt lợi ích của địa phương lớn hơn lợi ích của HTX”.

HTX Minh An Là một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động như một doanh nghiệp, chuyên cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp, thu mua chế biến tiêu thụ nông sản cà phê xuất khẩu. Năm 2004, HTX xây dựng nhà máy chế biến có công suất 3.000 tấn sản phẩm một năm.

Năm 2009, HTX được Ngân hàng phát triển khu vực Đăk Lăk – Đăk Nông bảo lãnh cho vay vốn. Đây cũng là năm thị trường cà phê gặp nhiều khó khăn. Giá mua vào từ 25.000 đến 26.000 đồng một kg, bán ra chỉ còn 23.000 đến 24.000 đồng một kg.

Năm 2010, sau khi thanh toán nguồn vốn kinh doanh, HTX nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Mil 1,5 tỷ đồng.

Các bài khác về “cà phê Đức Lập

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thuận Hoà

    Một khi thương hiệu đã mất uy tín làm ăn liên tục thua lỗ thì cũng nên giải thể chứ càng nuôi thì danh tiếng thương hiệu đó cũng chẳng thể mạnh được trên thương trường thời @ được. Bán hết toàn bộ cơ sở hạ tầng cho một công ty nước ngoài hay trong nước cũng tốt miễn sao lấy được tiền về cho ngân sách khỏi bị thâm hụt. Có giữ cũng chẳng làm ăn được bỡi đã mang tiếng thua lỗ thì cũng khó có bạn hàng và nguồn hàng thu về.

  2. Cà phê Đắng

    Doanh nghiệp Trung Quốc có bị khùng không mà mua cái thương hiệu nợ te tua như thế nhỉ ? Thương hiệu thì nhiều, nhưng thương hiệu có uy tín mới có giá chứ. Có thiếu gì thương hiệu cà phê đã đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ đó, nhưng hàng năm cũng không co tiền để đóng phí vì kinh doanh thua lỗ. Các bác cứ yên tâm, cà phê Việt Nam xưa nay vẫn bán bình thường mà người mua không cần quan tâm tới cái thương hiệu nào đâu…?

  3. Bo

    Theo tôi, UBND tỉnh Đăk Nông nên để cho HTX Minh An bán, 18 tỷ là cái giá chấp nhận được. Đây cũng là cơ hội để 1 thương hiệu Việt được đi xa hơn trong khi chúng ta chưa có điều kiện để quảng bá. Ta để công sức, tiền bạc đầu tư cho việc khác, xây dựng những cái khác bằng thực lực, không nên níu kéo để đầu tư cho DN đã làm ăn thua lỗ mà còn muốn kéo dài cái chết làm gì…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83