Ở nơi gặp nhau của hai dòng sông

Bất ngờ lạc vào giữa một vùng nước mênh mông, ẩn khuất những cù lao, rạch nước, cánh đồng, giữa đất trời Cao nguyên, con thuyền như đi trên miền sông nước Tây Nam Bộ. Nơi đây là sự “kết duyên” của 2 dòng sông huyền thoại, giàu chất sử thi, sâu lắng và con người đang khai phá những tiềm năng để làm giàu cho gia đình, xã hội.

Theo tiếng Êđê, sông Krông Ana có nghĩa là sông mẹ, còn sông Krông Nô là sông cha. Trước khi hòa chung để tạo nên dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ, hai dòng sông “cha-mẹ” được những bãi bồi chia thành 6 nhánh tạo ra những bàu nước rộng dài giữa những cánh đồng, vườn cây trái trù phú ven bờ của hai địa phương là xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) và thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk).

Rẽ sóng qua miền cổ tích

Từ bãi đất cao trên bờ sông Krông Nô, tôi phóng tầm mắt bao quát khắp ngã ba sông huyền thoại. Cách đây hơn 5 năm, tôi đã có lần cùng với già làng Y Zin Khan đứng tại nơi đây để đón đám rước dâu của người cháu trai của ông. Thi thoảng ở đây, trai gái hai bên dòng sông vẫn bơi thuyền độc mộc qua lại để tìm hiểu nhau và kết quả là ngày càng có thêm nhiều chiếc thuyền hoa qua sông, nối hai bờ ngày một gần nhau hơn.

Bây giờ trở lại, dòng sông vẫn thế, vẫn xanh mướt những khóm lau sậy với những bông trắng phất phơ ven bờ, chấp chới những cánh cò trắng, rít ran chim sáo nước… bay về. Xa xa, những chiếc thuyền bập bềnh của người dân chài thả lưới, giăng câu.

Thay đổi chăng là những chiếc thuyền máy chở người, chở hàng nối đuôi nhau xé nước chạy qua nhiều hơn, làm mặt sông xao động mạnh hơn. Khi thưa vắng người qua, sông lại đắm trong êm ả, phẳng lặng, trôi về phía chân trời. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh đôi bạn trẻ trên thuyền hoa thuở ấy. Trong không gian tràn ngập ánh nắng, mọi người đều reo lên khi phía mũi đất hình chữ V rậm lau sậy nhô ra giữa hai con sông, một con thuyền gỗ chậm rãi rẽ nước tiến về phía bờ tây. Những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước bằng lặng phản chiếu ánh sáng lấp lánh như kim tuyến dát đầy quanh chiếc thuyền hoa.

Con thuyền rước dâu cắt dòng chảy của hai dòng sông “cha-mẹ” tiến về trong sự hân hoan đang dâng tràn trên ánh mắt của mọi người. Gương mặt đôn hậu của già làng Y Zin Khan lúc ấy cũng nở nụ cười trầm lặng và ông đưa cánh tay gầy guộc như một nhánh cây già cỗi chìa ra sông để vẫy chào đôi bạn trẻ. Trong ánh mắt xa xăm mờ ẩn dấu thời gian của ông, bất chợt tôi có một cảm giác mơ hồ, ánh mắt ấy chứa đựng một điều gì đó rất sâu thẳm, vượt ra lẽ thường tình của niềm vui sướng khi đón nhận một điều thiêng liêng chợt ào đến.

Bởi ông là hiện thân của lớp người đang sở hữu những kho báu tinh thần mà dòng tộc truyền lại. Nó thấm vào máu thịt ông và trong giây phút đã chảy rạt rào, gợi nhắc cho ông nhớ lại những cổ tục mà tiền nhân mắc phải. Đến nay, con cháu đã vượt qua.

Con thuyền vẫn băng băng lướt đi trên mặt nước, đưa họ rẽ sóng qua miền cổ tích để về bên nhau xây dựng cuộc sống thủy chung, son sắt. Và hạnh phúc của họ còn được vun đắp, nở hoa, kết trái tạo nên nguồn sống mới bởi dòng phù sa ngọt ngào từ thượng nguồn đổ về hội tụ nơi ngã ba của dòng sông huyền thoại. Đêm về, dòng sông trở nên huyền bí và hấp dẫn lạ thường.

Tôi càng bị hấp dẫn hơn bởi câu chuyện truyền thuyết lẫn đời thực của già Y Zin Khan kể bên ché rượu cần nồng men rừng về nàng A Tây và chàng A Yong. Tình yêu của họ bị cách trở do nhà cô gái quá nghèo, không có chiêng ché, trâu bò để “bắt” chàng trai về làm chồng. Đau khổ, tuyệt vọng, hai người đã gieo mình xuống sông để quyên sinh. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana, chàng trai hóa thành dòng Krông Nô. Còn dòng sông Sêrêpốk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của mối tình thủy chung, son sắt.

Bên ché rượu cần tôi còn được nghe về huyền tích của bộ đàn đá Ndut Lieng Krak đầu tiên của loài người do nhà dân tộc học người Pháp Condominas phát hiện năm 1949 và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học Pháp (Musée de l’Hommo Paris). Đây không chỉ là bộ đàn đá lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới mà qua xác định niên đại thì nó còn là bộ đàn đá cổ xưa nhất của loài người. Tôi cố nài già nhớ lại xem bộ đàn đá chính xác tìm thấy ở địa điểm nào? Già làng Y Zin Khan bảo: “Mình không nhớ đâu, hình như là ở xã Đắk R’măng hay Đắk Plao thì phải.

Nhưng dù sao đi nữa thì người M’nông, người Ê đê, người Mạ… nơi thượng nguồn Krông Nô, đều có quyền tự hào mình chính là chủ nhân của bộ đàn đá Ndut Lieng Krak cổ nhất của loài người!”.

Dọc theo đôi bờ của hai dòng sông sông Cha, sông Mẹ từ thượng nguồn đổ về, đến những vùng đất ven sông Sêrêpốk vạm vỡ chảy xuôi theo dấu chân mặt trời còn có biết bao nhiêu huyền sử sáng chói đã hiện hữu và đang còn trầm tích. Từ tên gọi của dòng sông đã cho thấy sự bao dung vô bờ bến, sông đã nuôi dưỡng và tạo nên một nền văn hóa không trùng lặp với bất kỳ đâu. Nên chi, khi có một di chỉ phát lộ là làm mê hoặc cả nhân loại.

Vị ngọt của phù sa

Tôi rời ngã ba sông trở về trung tâm huyện trong tiết trời se lạnh và lay lắt mưa phùn của buổi chiều cuối đông. Những hộ dân sinh sống trên dãy đất bồi nơi ngã ba sông giờ đã khấm khá hơn rất nhiều. Trước đây, để đi vào được thôn 5 và 6, xã Buôn Choáh để nghe bà con kể chuyện tình A Yong, A Tây, tôi phải sang tận Buôn Trấp chờ chực từ sáng đến trưa mới có một chuyến đò ngang qua sông.

Còn bây giờ, tuy đường sá đổ cấp phối, mưa nắng bào mòn, đi lại có vất vả, nhưng phương tiện giao thông có thể đi vào tận nơi và rút ngắn được đoạn đường gần 70 km. Còn đối với sản xuất nông nghiệp thì để có được hạt lúa, hạt ngô, bà con nông dân phải gồng mình thu hoạch chạy với lũ. Vụ đông xuân thì mạnh ai nấy làm, dầm nắng phơi sương, trầy trật tát nước, bơm tưới để chống hạn cho cây.

Đến nay, quang cảnh đồng ruộng đã đổi khác rất nhiều, bởi nối liền bờ sông với làng xóm đã có những con đường nội đồng thẳng tắp, xe năm bảy tấn có thể chạy bon bon để vận chuyển nông sản. Còn về thủy lợi, huyện đã đặt 4 trạm bơm điện dọc theo dòng sông, với công suất đủ cung cấp nước cho trên 87% diện tích lúa nước trong những tháng cao điểm của hạn hán. Theo anh Dương Văn Lực, Chủ tịch UBND xã thì đối với Buôn Choáh, Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh 2 khâu quan trọng là tưới tiêu và giao thông là đáp ứng được 70% nhu cầu cơ sở hạ tầng sản xuất của người dân.

Còn lại các khâu giống má, phân tro, máy móc thu hoạch, làm đất… người dân tự chủ được hết. Chị Phan Thị Thanh ở thôn 6 cho hay: “Người dân ở đây quanh năm chủ yếu trồng lúa nước, nhưng thu nhập xem ra cao hơn hẳn trồng cà phê. Gia đình tôi có 4 ha ruộng, mỗi năm trừ chi phí khoảng 80 triệu đồng, còn lại là lãi ròng từ bán lúa cũng trên 200 triệu đồng. Ngần ấy diện tích, nhưng chỉ cần từ 2-3 công lao động là đủ, vì các khâu sản xuất đã cơ giới hóa hết toàn bộ mà”.

Huyện Krông Nô với rất nhiều vùng đất bãi bồi trù phú, phân bố đều khắp ở tất cả các xã, nhưng chỉ có duy nhất xã Buôn Choáh là cây lúa, cây ngô vững chãi, hạt nhiều, mùi thơm của bát cơm, bắp ngô luộc chín cũng đậm đà hơn. Đó là nhờ dòng nước của 2 con sông hòa trọn từ hương đất, hương rừng ở hai vùng đất khác nhau đã tạo nên vị ngọt hàm chứa trong dòng phù sa nuôi dưỡng cho hạt gạo, hạt ngô nơi đây để lại ấn tượng cho không ít người.

Nếu nơi hợp lưu của 2 dòng sông là điểm minh chứng cho lòng chung thủy, sắt son, đức hy sinh của A Yong và A Tây vượt thời gian và hóa thành dòng sông để nuôi dưỡng vùng đất này thì Buôn Choáh là hiện thân của một nguồn sống mới đang vươn lên từng ngày.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: “Buôn Choáh từ vài năm nay đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Nhiều sáng kiến, cách làm hay trong sản xuất, hoạt động xã hội và xây dựng đời sống văn hóa đã được phát huy”.

Nội sinh của kết quả ấy là sức trẻ và kinh nghiệm của người đi trước. Cũng giống như mảnh đất của họ, truyền thuyết và đời thực, quá khứ và hiện tại luôn gắn kết, bổ sung cho nhau tạo nên hình ảnh của cuộc sống hạnh phúc, thương yêu, che chở trong mỗi gia đình.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86