Tin buồn

Sắn dây… Nam tiến!

Ý tưởng đưa cây sắn dây ở miền Bắc vào trồng xen kẽ ở những cánh đồng cà phê, tiêu, điều… rộng lớn Tây Nguyên, từ đó phát triển ngành hàng xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiến hành thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng.

Người đưa ra ý tưởng này là ông Mai Trọng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lá Xanh và đồng tác giả Bùi Thế Viên.

Củ sắn dây
Củ sắn dây

“Cánh đồng triệu ha trên cao”

“Sắn dây đã được người nông dân miền Bắc trồng từ hàng trăm năm nay nên không có gì mới lạ. Chỉ có điều ở phía Bắc trồng sắn dây nhỏ lẻ, nhà nào biết nhà nấy. Tôi chỉ là người đề xuất đưa sắn dây trồng ở những cao nguyên màu mỡ ở Tây Nguyên, từ đó phát triển thành một ngành công nghiệp chế biến góp phần xuất khẩu. Nếu biết cách làm, có sự đồng thuận của chính quyền, doanh nghiệp chắc chắn sẽ thành công”, ông Tuấn hào hứng khi nói về đề xuất của mình.

Ông Mai Trọng Tuấn cho biết một gốc sắn đem lại 60-80 kg. Nếu đúng như vậy, lợi nhuận từ việc trồng sắn dây rất cao bởi 1 kg có giá 15.000 đồng/kg, cao gấp 10 lần củ mì. Đây thực sự là một đề án tốt, khả thi và doanh nghiệp rất ủng hộ. Tuy nhiên, nếu trồng đại trà, cần có chính sách theo dõi sản lượng phù hợp với công xuất chế biến của nhà máy và khả năng xuất khẩu để tránh dư thừa. (Bà Nguyễn Thị Mừng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thành Vũ)
Ông Tuấn từng là phi công kỳ cựu của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau giải phóng, hầu như ngày nào ông Tuấn cũng phải lái máy bay như con thoi từ Bắc vào Nam.

Ông bảo ngồi trên cao mới thấy thiên nhiên, bầu trời của nước mình đẹp lắm, bên núi bên biển, say đắm lòng người. Đặc biệt, khi bay qua miền Trung, nhìn xuống thấy vùng đất Tây Nguyên như một “cánh đồng triệu ha ở trên cao”. Rừng Tây Nguyên mọc lên từ đất “bazan” được coi là “hoàng hậu” của các loại đất.

Tuy nhiên, khi đó những “cánh đồng triệu ha” ở Tây Nguyên chỉ đọng lại trong tâm trí người phi công trẻ như một sự hùng vĩ, tráng lệ và tốt tươi. Phải đến năm 2009, ý nghĩ phải làm sao biến cái sự tươi tốt, màu mỡ của đất bazan Tây Nguyên trở thành hiệu quả kinh tế càng thôi thúc. Từ đó đề án đưa “sắn dây Nam tiến” của ông Tuấn và ông Viên dần được định hình.

Cẩn thận hơn, hai ông đã đưa ý tưởng này đăng ký ở Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Lợi kinh tế, giữ được rừng

Được sự giúp đỡ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, ông Tuấn đã lên kế hoạch và cử người lên mượn 4 ha đất của một lâm trường tại Buôn Gia Vằm (Đắk Lắk).

Ban đầu việc mượn đất gây ra sự nghi ngại. Một số người trong lâm trường còn to nhỏ: “Không biết mấy ông dưới thành phố lên mượn đất làm cái gì? Hay lại viện cớ mượn đất để tìm cách phá rừng?”. Ông Tuấn khoát tay đĩnh đạc: “Chúng tôi mượn đất để làm thiệt. Không tin các anh cứ đếm cây. Mất cây nào, hư cây nào tôi bồi thường cây đó, đầy đủ”.

Một lán trại nhỏ được dựng ngay khu đất mượn. Người và lương thực được đưa lên; giống sắn dây từ miền Bắc được đem vào trồng thử ở nhiều vị trí, thời điểm khác nhau để nhóm rút kinh nghiệm. Kết quả đạt được rất khả quan. Trong vòng 12 tháng, mỗi gốc sắn đã cho ra nhiều củ có độ dài to gấp nhiều lần sắn trồng ở ngoài Bắc. Ước tính một ha trồng thử nghiệm đem lại sản lượng 30- 50 tấn sắn dây. Một sản lượng mà trước khi thực hiện, nhiều người trong nhóm không dám tin.

Lập luận trong đề án của mình, ông Tuấn và ông Viên cho biết, việc trồng sắn dây không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp giữ và chống cháy rừng ở Tây Nguyên. Theo quy luật tự nhiên, hằng năm cứ vào mùa khô, thời điểm cuối thu, đầu đông, hàng triệu ha rừng Tây Nguyên rụng lá. Từ đó rừng biến thành một màu vàng úa, lá rụng, cây cối trơ cành. Không được giữ ẩm, đất đỏ bazan màu mỡ chuyển thành khô hạn, nứt nẻ.

Chưa kể vào thời điểm cây rừng đồng loạt thay lá hằng năm thì lá khô lại là một trong những nguyên nhân chính gây cháy rừng. Để khắc phục nhược điểm này, phương án đưa ra là giữa các gốc cây rừng sẽ tiến hành đào hố tròn, đường kính khoảng 80cm, độ sâu 60cm, sau đó gom lá cây rừng bỏ xuống hố rồi lấy đất vừa đào lên lấp lại. Vào đầu mùa mưa, sẽ đưa giống sắn dây đã chuẩn bị trước xuống trồng. Trong mùa mưa, cây sắn dây sẽ phát triển mạnh, leo trùm kín cành cây rừng khi rừng vừa bước vào mùa thay lá. Trong suốt mùa khô, lá sắn dây phát triển xanh tốt sẽ tạo độ che phủ cho rừng, giữ độ ẩm cho đất. Sang đến đầu mùa mưa năm sau, khi lá rừng bắt đầu nảy trở lại là đến thời kỳ thu hoạch sắn dây.

Cần “bà đỡ”

Tuy nhiên, ấp ủ lớn nhất của những người thực hiện trong đề xuất trồng sắn dây quy mô lớn ở Tây Nguyên là giao hòa giữa nền nông nghiệp nhỏ lẻ miền Bắc với nền công nghiệp chế biến của miền Nam. Theo đó, phần lớn sản lượng sắn dây thu hoạch được sẽ dành cho doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu. Ngoài ra, các nông trường, “cánh đồng sắn dây” sẽ góp phần thu hút lực lượng lao động là những người lầm lỡ và mới mãn hạn tù, góp phần cải thiện đời sống xã hội.

Ông Tuấn cho biết, hằng năm cả nước, nhất là TP.HCM có nhiều người được mãn hạn tù. Sau khi ra trại, những người này đều muốn tìm kiếm việc làm và xây dựng cuộc sống mới. Nhưng do còn nặng tâm lý mặc cảm, tự ti nên phần lớn những người mới ra tù rất khó hòa nhập với xã hội. Do đó việc trồng sắn dây theo mô hình công nghiệp sẽ tạo rất nhiều công ăn việc làm, mở ra cơ hội làm lại cuộc đời cho những người lầm lỡ.

“Chỉ cần một năm là cây sắn dây có thể cho thu hoạch. Cho nên chính quyền chỉ cần hỗ trợ họ trong năm đầu tiên. Sau khi sắn dây được thu hoạch, những người này sẽ tự nuôi sống mình”, ông Tuấn chia sẻ. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiều mục tiêu đó, không ai khác, phải có sự giúp đỡ, đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp. Bởi để dự án thành công thì không ai khác, chính quyền sẽ là nơi liên kết, tổ chức sản xuất có quy mô lớn, còn doanh nghiệp chính là nơi bảo đảm đầu ra của sản phẩm.

Sau khi việc trồng thí nghiệm đem lại kế hoạch tốt, ông Tuấn đã tìm cách kết nối với lãnh đạo TP.HCM. Bởi theo ông, sẽ không nơi nào thực hiện tốt hơn TP.HCM bởi thành phố này hội tụ đầy đủ những tiềm lực để đề án đi đến thành công.

Cuối tháng 9.2011, UBND TP.HCM đã triệu tập các lãnh đạo sở, ngành và một số doanh nghiệp, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, để nhóm thực hiện bảo vệ ý tưởng của mình.

Chỉ mất chừng 20 phút, đề án của ông Tuấn và ông Viên đã thuyết phục và tạo được sự chú ý của cơ quan chức năng, doanh nghiệp. Thậm chí tại cuộc họp, có doanh nghiệp đặt hàng trước và phát biểu: “Không lo đầu ra mà chỉ sợ không đủ nguyên liệu để xuất khẩu”.

Giao Sở NN&PTNT theo dõi kết quả thực hiện thí điểm trồng sắn dây tại các cơ quan được giao, trên từng loại đất cụ thể để tổng hợp đánh giá. Nếu qua thí điểm có hiệu quả cao, có thị trường tiêu thụ ổn định sẽ xây dựng đề án khoa học về dự án trồng sắn dây, báo cáo Bộ NN&PTNT, triển khai nhân rộng mô hình này cho nông dân và địa phương có điều kiện thực hiện. (Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận gửi các Sở, ngành sau buổi làm việc với ông Mai Trọng Tuấn)

Tác giả của “đường bay vàng”

Ông Mai Trọng Tuấn không phải quá xa lạ vì từ năm 1980, ông là người khởi thảo Dự án Việt Nam liên hiệp xuất khẩu, du lịch và sân bay – hàng không (gọi tắt là VUETA). VUETA đề xuất mở cánh cửa hàng không để thu hút khách du lịch quốc tế và Việt kiều trở về thăm đất nước. Giản đơn thủ tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại, vui chơi giải trí, tham quan, mua sắm… Ông Tuấn cũng là người cách đây hai năm đề xuất “đường bay vàng” thu hút được sự quan tâm của dư luận cũng nằm trong dự án này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phạm Hùng Sơn

    Đây là một câu chuyện hay cho bà con nông dân đây. Hiện tại bột sắn dây trên thị trường rất đắt nhưng người muốn mua thường ngại ngần vì dễ mua phải đồ giả. Chẳng cần xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa cũng cần một lượng hàng hóa lớn lắm rồi. Loại cây trồng này chỉ cần cắm xuống đất, sống là được, chằng cần chăm bón gì nhiều, cứ kệ nó, mình đi chơi nó vẫn tốt! Một cái hay của loại này nữa là việc chế biến từ củ thành bột hết sức đơn giản, ai cũng làm được (Tương tự như làm bột mì nhất).
    Tôi còn nhớ những năm 80 của thế kỉ trước, mấy người bạn của tôi dạy học ở Huế có trồng sắn dây, mỗi nhà chỉ vài gốc, mỗi gốc thu được cả tạ củ, vậy mà đủ gạo ăn đấy.
    Chắc chắn tôi sẽ kiếm giống trồng quanh vườn để tăng thu nhập. Xin các anh ở BQT tìm hiểu thêm thông tin (về nguồn giống, thời vụ, kĩ thuật trồng và chăm bón …) giúp bà con.

    1. Cafe Việt

      Bạn có biết để đào một bụi sắn dây này bọn mình mất biết bao nhiêu công không? Vì đất Tây nguyên quá tốt và tầng đất thịt quá dày (tùy vùng) nên củ sắn dây rất to và cắm rất sâu, mỗi lần thu hoạch vô cùng mệt mõi. Củ 20-30kg là thường. Dài lắm, như cái đòn gánh, không giống củ sắn dây trong hình đâu. Về sau không trồng nữa vì phải tốn công đào hầm mới moi được nó lên
      Vậy là ông M.T.Tuấn đưa cây sắn dây lên Tây nguyên là sau bọn tôi gần …30 năm đấy!
      Mà đầu đuôi để làm gì nhỉ?

  2. cafenghot

    Sắn dây ở Bảo Lộc cách đây hơn 20 năm bố tôi đem giống từ Hà Tây vào trồng, phát triển tốt nhưng hàm lượng tinh bột rất thấp, bây giờ nếu mà trồng ko biết có được hay ko.

  3. trung hieu

    Đây là một mô hình hay của ông MTT. Cần phân biệt giữa việc đưa sắn dây vào Tây nguyên trồng lẻ tẻ với tham vọng trồng theo mô hình công nghiệp với sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân. Tôi tin nếu làm tốt sẽ thành công!

  4. Bùi Lợi

    Chào bác Tuấn. Cháu ở A Lưới, Thừa Thiên Huế. Dự án này cũng rất cần đâu tư trên địa bàn vùng núi như quê cháu. Không biết cách thức trồng, cây giống và sản phẩm đâu ra tiêu thụ thế nào? Chi phí cho một sào trung bộ khoảng bao nhiêu?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83