Tin buồn

Tổng hợp thị trường cà phê tuần từ 5/9 – 10/9/2011

Trong tuần, giá cà phê thế giới trên cả 2 thị trường liên tục thay nhau đảo chiều và có những phiên tăng trưởng đan xen những phiên sụt giảm rất mạnh.

Theo đà lao dốc cuối tuần trước, giá cà phê robusta tại thị trường London có tiếp thêm 2 phiên sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 11 mất 103 USD, chiếm 4,74 %, xuống đứng ở 2.172 USD/tấn.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cũng mất 1.600 đồng, xuống đứng ở 47.100-47.200 đồng/kg.

Tiếp sau phiên nghỉ lễ đầu tuần, giá cà phê arabica tại thị trường New York kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 6,15 cent xuống ở 281,9 cent/lb.

Những tác động chính làm giá cà phê sụt giảm là sự bật tăng mạnh mẽ của đồng USD từ nỗi lo mới về khủng hoảng nợ công châu Âu và quan điểm bất đồng về gói cứu trợ thứ 2 dành cho Hy Lạp. Bên cạnh là nhiều thông tin cho rằng vụ mùa mới ở Việt Nam bắt đầu thu hoạch sớm vào tháng 10 và sẽ cho sản lượng cao kỷ lục cũng làm giảm áp lực nguồn cung.

Tuy nhiên, người trồng cà phê Việt Nam cho rằng năm nay vụ mùa chính không thể đến trong tháng 10 mà chỉ có rải rác ở một số vùng cao trồng cà phê arabica. Ngược lại, với hơn 90 % diện tích trồng cà phê robusta, vụ mới chỉ bắt đầu vào khoảng tháng 11.

Thậm chí còn có khả năng vụ mùa của Việt Nam sẽ thu hoạch muộn hơn vì lượng mưa nhiều bất thường ở những vùng trồng trọng điểm trong giai đoạn quả cà phê làm nhân sẽ khiến thời gian quả chín chậm hơn nữa.

Giữa tuần, thị trường London có 2 phiên tăng trưởng dương, trong đó có phiên hồi phục mạnh mẽ, chặn đứng đà lao dốc của giá cà phê robusta. Kỳ hạn tháng 11 tăng 47 USD, tức tăng 2,16 %, lên mức 2.219 USD/tấn.

Trong khi thị trường New York cũng có phiên chặn đứng đà lao dốc, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 3,55 cent, tức tăng 1,25 %, lên mức 284,5 cent/lb.

Giá cà phê nhân xô trong nước cũng tăng 800 đồng, lên ở 47.900-48.000 đồng/kg.

Thị trường có niềm tin vào nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ mạnh tay trong việc giải cứu các nước sử dụng Đồng tiền chung đang lâm vào khủng hoảng nợ công. Điều này đã giúp đồng Euro mạnh lên và hàng hóa giao dịch bằng đồng USD, ngoại trừ vàng, đồng loạt tăng giá.

Cuối tuần, giá cà phê lại lao dốc chung với thị trường hàng hóa bởi xu hướng bán tháo đồng loạt sau khi tổng thống Obama đã công bố kế hoạch 447 tỷ USD để tạo việc làm cho người Mỹ và lập trường cứng rắn của thủ tướng Đức trong việc giải cứu Hy Lạp.

Tại thị trường London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 mất 48 USD, chiếm 2,21 %, về ở 2.171 USD/tấn, tức đánh mất hết cả 2 phiên tăng trưởng liền trước đó.

Tại thị trường New York, giá cà phê arabica kết thúc tuần bằng 2 phiên sụt giảm liên tiếp. Kỳ hạn tháng 12 giảm tổng cộng 14,5cent, tức giảm 5,37 %, về đứng ở mức 270 cent/lb.

Giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên xuống lại mức 47.100-47.200 đồng/kg.

Cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, ( FOB ), có giá 2.220 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 của London với mức cộng còn 50 USD. So với cuối tuần trước giá cà phê xuất khẩu giảm hơn 100 USD/tấn.

Mẫu cà phê nhân xô robusta do Kinh Vu gửi về từ Indonesia

Có nhiều nguồn thông tin từ bên ngoài phản ánh, đã có doanh nghiệp Việt Nam chào bán hàng vụ mới với mức giá trừ lùi lên đến 100 USD/tấn.

Thông tin còn cho biết, vì người trồng cà phê và thương nhân của Indonesia không chịu bán hàng ra nên giá cà phê robusta loại 80 lỗi của nước này đang có mức cộng 350 USD/tấn. Tuy nhiên, các thương nhân của Indonesia cũng cho biết, họ sẽ không chịu bán nếu giá cộng dưới 450 USD/tấn vì nhu cầu của các nhà rang xay trong nước rất mạnh.

Vì thế, người đưa tin đã nhận định: Chất lượng cà phê của Indonesia không hơn nhiều so với cà phê của Việt Nam, nhưng khoảng cách giá lên tới 450 USD/tấn là một nghịch lý rõ ràng. Các doanh nghiệp trong nước cần phải xem xét lại trước khi chào bán hoặc ký hợp đồng với khách hàng để có lợi không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho người trồng cà phê và ngành cà phê Việt Nam nói chung.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Dân cafe

    Có ai giải thích giùm, căn cứ vào đâu mà “đã có doanh nghiệp Việt Nam chào bán hàng vụ mới với mức giá trừ lùi lên đến 100 USD/tấn”?
    Theo tôi hiểu như vậy là DNVN sẽ quyết định giá cafe vụ tới?
    Còn người sản xuất thì sao?

  2. hanla

    Thiết tưởng nên nhắc lại đoạn này trong bài viết tổng hợp của tác giả Anh Văn (giacaphe.com): “Các doanh nghiệp trong nước cần phải xem xét lại trước khi chào bán hoặc ký hợp đồng với khách hàng để có lợi không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho người trồng cà phê và ngành cà phê Việt Nam nói chung.” Cám ơn.

  3. ChuotCong

    Gia các sản phẩm nông nghiệp đều tăng tử 50-100% rồi > riêng cà phê còn tăng ít ! Thái Lan chỉ tuyên bố nâng giá mua gạo cho Nông dân > giá gạo tăng cao ! Còn VN có tuyên bố nâng giá mua cà phê ?

  4. Nghenhin

    Cafe niên vụ 2011/2012 chắc chắn sẽ tăng giá cao vì hiện tại các vùng cafe Việt Nam đang bị ảnh hưởng thời tiết mưa, sâu dịch bênh phát triển, hiện tượng rụng trái vẫn tiếp tục tuy nhiều bà con đã có phun thuốc BVTV nhưng không hề giảm. Trái cafe hiện đang mới bắt đầu tượng hạt nhân nên phải trên hai tháng nữa mới bắt đầu có cafe chín để thu hoạch. Các hợp đồng giao xa vào kỳ hạn tháng 11/2011 này chắc sẽ còn nhiều doanh nghiệp công ty trong và ngoài nước khó hoàn thành. Chưa kể bắt đầu tháng 01/2012 khi chính thức gia nhập WTO các công ty rang xay cần hàng nhảy vào thị trường cùng với lệnh tạm trữ của Hiệp hội cafe ca cao Việt Nam thì thị trường sẽ càng khó đoán khôn lường. Hiện tượng hạt cafe giống như tình trạng hạt tiêu chắc chắn sẽ xảy ra. Cạnh tranh mua bán bằng được hàng sẽ đẩy giá cafe lên cao hơn thời điểm hiện tại- Các doanh nghiệp TQ nhảy vào kết hợp các công ty khác sẽ có phiên bản cafe tiêu tiếp tục. Bà con ta cố gắng chờ đợi nhé.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81