Triển vọng xấu cho giá cà phê Robusta khi nhà chế biến tăng sử dụng Arabica

Tiêu thụ tăng, giá cà phê robusta tăng mạnh buộc nhiều hãng rang xay phải điều chỉnh công thức để tạo ra những sản phẩm mới có tỷ lệ arabica cao hơn.

Người tiêu dùng cà phê hòa tan có thể sắp được thưởng thức những sản phẩm ngon hơn từ trước tới nay mà không phải trả thêm tiền bởi các nhà rang xay cà phê đang xem xét tăng tỷ lệ cà phê arabica chất lượng cao trong sản xuất cà phê hòa tan.

Nhu cầu tăng đối với cà phê hòa tan tại các thị trường đang nổi đã đẩy tăng mạnh nhu cầu robusta – có vị chua và hàm lượng caffein cao, thường được sử dụng trong sản xuất cà phê hòa tan – vượt lên nhu cầu arabica – vốn thống trị trên thị trường của những người sành uống. Kết quả là giá cà phê robusta – thường rẻ và có chất lượng thấp – lên gần ngang bằng với một số loại arabica.

Khi giá một số loại arabica về gần sát với robusta, một số hãng sản xuất cà phê hòa tan đã thay đổi tỷ lệ pha trộn, theo đó tăng mạnh lượng arabica vào công thức pha trộn đầy bí ẩn của họ.

Động thái này có thể làm thay đổi thị trường cà phê thế giới, và khiến hầu hết các hãng sản xuất cà phê từ trước tới nay vẫn sử dụng chủ yếu là loại robusta trong các sản phẩm của họ chuyển sang tăng sử dụng arabica – một sự thay đổi có thể ngăn chặn xu hướng tăng nhu cầu robusta, chỉ 2 năm sau khi thị trường robusta nóng lên.

“Từ đầu năm tới nay, chúng tôi nhận thấy các nhà rang xay thay thế một tỷ lệ lớn robusta bằng các loại arabica chất lượng thấp để sản xuất cà phê hòa tan”, giám đốc kinh doanh của hãng Nedcoffee ở Amsterdam, Freddie Schol, cho biết.

Nhu cầu cà phê hòa tan ở châu Á đang tăng rất nhanh. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua trên 40.000 tấn cà phê hòa tan trong năm 2012, tăng 9% so với năm 2011 và tăng 43% so với năm 2008, theo số liệu thống kê của Euromonitor International.

Con số đó tương đương khoảng 59 triệu tách mỗi ngày, nhiều gấp hơn 2 lần lượng tiêu thụ cà phê hòa tan ở Hoa Kỳ – nơi nhu cầu gần như không thay đổi.

Tiêu thụ robusta cũng tăng sau khi giá arabica tăng mạnh trong năm 2011 buộc nhiều hãng rang xay phải điều chỉnh công thức để tạo ra những sản phẩm mới có tỷ lệ robusta cao hơn.

Nedcoffee, một công ty kinh doanh cà phê lớn có trụ ở sở Amsterdam, hàng năm mua 150.000 tấn (2,5 triệu bao loại 60 kg) cà phê, trong đó 99% là robusta – khối lượng tương đương khoảng 10% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam. Họ có các nhà máy thu mua và chế biến tại Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

nhiều hãng rang xay phải điều chỉnh công thức để tạo ra những sản phẩm mới có tỷ lệ arabica cao hơn.

Một số loại arabica giá rẻ hơn robusta

Trên thị trường physical (hàng thực), giá một số loại arabica chất lượng thấp đã giảm xuống thấp hơn robusta chất lượng cao.

Các nhà nhập khẩu Mỹ cho biết, cà phê drugar của Uganda – loại cà phê chưa rửa và có chất lượng thấp, được lưu ở các kho chứa tại Hoa Kỳ – gần đây có giá chỉ khoảng 1,15 USD/lb, trong khi cà phê robusta chuẩn của Uganda giá khoảng 1,18 USD/lb.

Các nhà chế biến cà phê hòa tan không phải là những người duy nhất tăng arabica trong tỷ lệ pha trộn. “Các nhà rang xay cũng đang nghiên cứu điều này, và thực tế là một số hãng đã làm điều đó, nhưng nhìn chung thì xu hướng chuyển đổi trong lĩnh vực này không ồ ạt”, Ernesto Alvarez, giám đốc điều hành của COEX Coffee Group ở Miami cho biết.

Chưa có số liệu công bố về xu hướng này, nhưng ông Alvarez cho biết hãng của ông đã bắt đầu bán một số cà phê arabica giá rẻ cho một công ty trước đây đã từng tăng tỷ lệ sử dụng robusta trong công thức pha trộn với lý do arabica tăng giá quá mạnh.

Giá arabica kỳ hạn tại Sở giao dịch hàng hóa New York (ICE) đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 11 tháng lên mức trên 3 USD/lb vào tháng 5-2011 khi các nhà đầu cơ mua mạnh. Kết quả là năm 2011, arabica đắt hơn gần 1,9 USD/lb so với robusta, vượt xa mức chỉ khoảng 35-85 US cent năm 2009 và 2010.

Nhưng đến tháng 3 vừa qua mức chênh lệch đó giảm xuống chỉ còn khoảng 35 US cent, thấp nhất trong vòng 4 năm, và là mức thông lệ trong lịch sử. Và khi mức chênh lệch thu hẹp lại, dĩ nhiên các nhà rang xay và chế biến sẽ bắt đầu chuyển về sử dụng arabica.

Và lúc này, trong khi một số thương gia dự báo mức chênh lệch sẽ còn giảm hơn nữa, về chỉ 20 US cent, thì một số khác lại dự báo nó sẽ tăng lên.

Cho đến nay, xu hướng chuyển dịch sang tăng cường sử dụng arbica vẫn trong một giới hạn nhất định. Việc thay đổi tỷ lệ pha trộn với các nhà sản xuất cà phê hòa tan hoặc các nhà rang xay nhỏ dễ dàng hơn so với các nhà rang xay lớn.

Các nhà phân tích cho biết mức cộng arabica cần phải giảm về 35 US cent trong vòng nhiều tháng mới đủ thuyết phục các nhà rang xay lớn điều chỉnh tỷ lệ pha trộn, bởi họ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hương vị sản phẩm của họ không thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi này đang ngày càng rõ nét.

Người Mỹ sử dụng ngày càng nhiều robusta

Tiêu thụ cà phê hòa tan ở Mỹ nhiều năm nay hầu như không thay đổi, nhưng người Mỹ đang uống ngày càng nhiều hơn các sản phẩm làm từ cà phê robusta, làm gia tăng áp lực lên nguồn cung toàn cầu.

Tổng tiêu thụ robusta ở Mỹ đã tăng 7% trong năm 2012, sau khi tăng 3,9% trong năm 2011 và 3,6% năm 2010, theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường StudyLogic. Trong khi đó, nhu cầu các sản phẩm từ arabica chỉ tăng 1,9% trong năm 2012, sau khi tăng 4,1% năm 2011 và 5,4% năm 2010.

Một số nhà nhập khẩu Mỹ cho biết họ lo ngại về khả năng đảm bảo nguồn cung robusta vào cuối năm nay, và cho rằng sẽ có khó khăn vào đầu tháng 8 nếu nhu cầu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay.

Xuất khẩu robusta toàn cầu đã tăng 24% lên 46,6 triệu bao loại 60 kg trong năm 2012 so với năm trước đó, trong khi xuất khẩu arabica giảm 0,8% xuống 66,5 triệu bao, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tân Hưng

    Xin hỏi, đoạn này viết: “…,cà phê drugar của Uganda – loại cà phê chưa rửa và có chất lượng thấp, được lưu ở các kho chứa tại Hoa Kỳ – gần đây có giá chỉ khoảng 1,15 USD/lb, trong khi cà phê robusta chuẩn của Uganda giá khoảng 1,18 USD/lb”.
    Giữa loại chưa rửa và có chất lượng thấp với loại robusta chuẩn chỉ chênh lệch 3 cent/lb thì đâu phải là vấn đề. Biên tập không chính xác hay viết để hù dọa những nhà sản xuất cà phê Robusta ?

    1. Nguyễn Vịnh

      Chào bạn. Bài viết dựa theo Reuters, với số liệu như trên là đúng với bài gốc của Reuters.
      Trong thực tế của VN, bạn cũng thấy những vùng trồng cà phê Arabica không qua chế biến ướt như ở Ea H’leo, Krông Năng, sông Hinh… thì giá bán nhân xô cũng chỉ ngang với Robusta, còn giá quả tươi thì thấp hơn nữa. Trong khi cà phê Robusta chế biến ướt được ưa chuộng và thuộc loại hàng hiếm trên thế giới, có khi bán với mức giá cộng lên tới 600-800 USD/tấn theo giá London.
      Còn chuyện hù dọa hay không thì tùy vào sự nhận định của bạn.

  2. nguyen van duc

    Triển vọng xấu cho giá cà phê robusta khi nhà chế biến tăng sử dụng Arabica. xin cho hỏi mấy nhà báo có biết dùng 2 từ “Triển vọng “.Triển vọng ở đây là có tiềm năng phát triển về lâu dài .còn ở đây thông tin xấu cho R mà mấy ông lại dùng từ Triển vọng xấu không đúng với ngữ pháp việt nam .

  3. Cafe con

    Bạn này chỉ biết phê bình người khác. Tôi thử hỏi bạn, ngay cả từ Việt Nam bạn không viết hoa thì đúng với cái gì? Lần sau xin bạn hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
    Cháu đề nghị chú Vịnh cho mấy phản hồi này vào ngay sọt rác, đừng làm xấu diễn đàn của nông dân cà phê ! Cháu cám ơn.

    1. Nông Cà

      “Triển vọng” là một danh từ, có nghĩa là : Khả năng phát triển trong tương lai (thường là tốt đẹp)
      ví dụ : Triển vọng của nền kinh tế. Một thị trường đầy triển vọng…chẳng có triển vọng gì đâu!
      Báo chí hiện nay thường mắc phải nhiều lỗi không đáng có. Chính họ được đào tạo bài bản để làm nghề viết lách, nên những lỗi sơ đẳng không nên có như ví dụ “triển vọng” trong bài báo trên.
      Nguyen Van Duc góp ý đúng đấy!
      không thể so với cánh ‘nông dân đầu tắt mặt tối’ được!

  4. Thanh Sơn

    Bạn @Nông Cà nói đúng nhưng thường không có nghĩa là luôn luôn. Trong trường hợp này nó chỉ về tương lai và người viết đã xác định rõ nghĩa hơn khi thêm vào tính từ xấu.
    @nguyen van duc cho là tiềm năng phát triển lâu dài nhưng cũng chưa rõ, trong khi tác giả bài viết đã khẳng định phát triển theo hướng xấu.
    Tóm lại, tốt xấu không ở danh từ mà ở tính từ đi kèm. Triển vọng có ý tích cực nhưng không hoàn toàn nên tính từ đi kèm để bổ nghĩa rõ ràng hơn.
    Hôm nay diễn đàn nông dân vui thật !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85