Lối đi nào cho nông sản Việt

Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, thậm chí có mặt hàng còn xếp vào “top” nhất, nhì trên thế giới. Gần dây Nông sản Việt Nam còn được biết đến với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên…Ngoài ra, nhiều sản phẩm đầy tiềm năng khác cũng lần lượt xuất hiện.

Lối đi nào cho nông sản Việt
Lối đi nào cho nông sản Việt

Tuy vậy, nhiều thương hiệu nông sản Việt cho đến nay vẫn đang bị thả nổi theo kiểu ai cũng “xài” được. Chuyện đáng lẽ trở thành niềm tự hào chung của địa phương thì buồn thay, lại chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức khiến những mặt hàng nông sản sáng giá chỉ được xuất đi dưới dạng “nguyên liệu thô” mà thôi.

Vào lúc này, có tới 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu phải mang thương hiệu nước khác vì doanh nghiệp trong nước chủ yếu chỉ xuất sản phẩm thô. Cà phê tươi của Việt Nam bán cho doanh nghiệp nước ngoài với giá 15.000 – 20.000 đồng/kg và sau khi qua chế biến của các nước khác có thể bán với giá cao hơn gấp…100 lần.

Như thế khác nào chúng ta đang tự đánh mất mình. Chuyên gia kinh tế- TS Nguyễn Minh Phong phân tích: “Các nhà phân phối nước ngoài có thương hiệu, họ mua, họ chế biến, đóng gói và bán với giá gấp 10 lần. Và như vậy các doanh nghiệp Việt Nam vất vả làm tất cả các khâu nhưng chỉ được 10%”.

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu tập thể đều do địa phương cân nhắc. Đối với người sản xuất, đăng ký cái nào cũng có lợi. Nhiều trường hợp địa phương đăng ký trước nhãn hiệu tập thể, rồi từ từ đăng ký chỉ dẫn địa lý sau. Đó là chưa kể như theo lời anh Nguyễn Đức Anh- Trưởng phòng Kinh doanh Trang trại Rau mầm Việt Phước ở Hóc Môn thì còn nhiều khó khăn khác: “Cần chú trọng hơn về chất lượng, thứ hai là hình thức bao bì. Bước ban đầu có những khó khăn, như bây giờ thì khó khăn về đầu ra”.

Khảo sát cập nhật trong năm 2012 của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, Việt Nam có tới 933 sản phẩm, dịch vụ đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước, trong đó có 800 sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ có 136 sản phẩm có đăng ký bảo hộ.

Xung quanh vấn đề thương hiệu nông sản, bà Võ Thị Cúc- chủ cơ sở Thủy Tiên làm bột bần lên men từ trái bần ở Trà Vinh đề xuất: “Tôi nghĩ các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để cùng quảng bá sản phẩm của mình. Cải cách như các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đi với nhau chẳng hạn, dùng logo chung hàng Việt Nam chất lượng cao đã có uy tín và cùng nhau đi thì đó cũng là cải cách.

Khoảng 5 năm trở lại đây, ĐBSCL từng có thời điểm “rộn ràng” chuyện trồng cây ăn trái theo Global Gap và xây dựng thương hiệu, nhưng sau đó nhanh chóng tan rã khi không còn bầu sữa “bao cấp” từ chính quyền. Đây là trường hợp tiêu biểu của việc chạy theo chỉ tiêu nên được nuôi dưỡng quá mức, mà chưa xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất kinh doanh cũng như nhận thức, khả năng tiếp nhận của bà con nông dân.

Theo các chuyên gia, sự “chậm chạp” trong xây dựng thương hiệu nông sản là do người dân, kể cả các cơ quan chức năng quản lý nông nghiệp chưa có được nhận thức đầy đủ. Có thể thấy, bà con vẫn tư duy theo lối cũ, làm theo lối cũ, việc xây dựng thương hiệu có cơ sở khoa học vẫn là những khái niệm xa vời. Còn đối với chính quyền địa phương thì thường lại làm không đến nơi đến chốn. Ông Lương Văn Tự- Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Vicofa kêu gọi: “Các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đăng ký thương hiệu thì mới giữ được. Thứ hai là sau khi đăng ký xong thì phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của mình ra thế giới và giữ được tín nhiệm của mình đối với khách hàng trên thế giới”.

Trong bối cảnh hiện nay, các mặt hàng nông sản là lợi thế của Việt Nam nhưng giá xuất khẩu đang theo chiều hướng giảm, giá trị gia tăng của nhóm hàng này đang ngày một thấp. Do vậy, Bộ Công Thương nhìn nhận, việc cần thiết hiện nay là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu. Nếu không có thương hiệu, hàng nông sản Việt sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi chen chân vào thị trường xuất khẩu. Ông Trần Hoàng- Chủ tịch Hội Marketing TP.HCM đưa ra một gợi ý rất đáng để tham khảo: “Chúng ta đã và đang trả giá trong nhiều năm cho việc xuất khẩu thô. Chúng ta quyết tâm có một sức bật mới và để tạo sự khác biệt đó phải là những thế hệ doanh nhân nông nghiệp. Tôi không nghĩ rằng chờ nhà nước mà phải cần những thế hệ đó”.

Có thể thấy lối đi vào thị trường của nông sản Việt Nam chính là việc phát triển những nông sản có chất lượng cao, đồng đều, bền vững, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Tức là những sản phẩm có thương hiệu mạnh, luôn được người tiêu dùng tín nhiệm. PGS. TS Nguyễn Văn Tuất- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam- Bộ NN-PTNT khẳng định: “Nếu được chúng ta có thể đầu tư cũng như huy động các nguồn vốn tổng lực để phát triển các sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia và có thương hiệu Việt. Các nước gắn rất chặt nông sản với thương hiệu. Trong chiến lược làm sao có quảng bá và xây dựng thương hiệu Việt lâu dài để xây dựng những ngành hàng có đặc thù, lợi thế của Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện thị trường quốc tế biết nhiều đến các sản phẩm này”.

Như vậy việc xây dựng và quảng bá thương hiệu là vô cùng cần thiết và quan trọng. Đó là mồ hôi công sức, là danh dự và niềm tự hào của người sản xuất. Nhưng bên cạnh đó, nhà nước và các địa phương cũng cần có những chính sách thích hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân dễ dàng, thuận tiện đăng ký xây dưng các thương hiệu như giảm thủ tục phiền hà, giảm những chi phí đóng góp còn quá lớn hiện nay. Hoặc cũng có thể xây dựng các hội đồng “giám định” thương hiệu ở cấp quốc gia, cấp vùng kết hợp với các lễ hội tôn vinh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, bình chọn và tôn vinh những sản phẩm chất lượng cao theo những tiêu chí cụ thể, có cơ sở pháp lý nghiêm túc, minh bạch trong sản xuất và tiêu dùng ở cấp vùng hay cấp quốc gia…

Bằng việc khẳng định các thương hiệu nông sản mạnh chúng ta sẽ khai phá, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam và nông nghiệp VN có vị thế xứng đang trên thương trường quốc tế.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79