Cuộc chiến cà phê tại Trung Quốc đã ngã ngũ

Thị trường cà phê Trung Quốc đã có những cái nhìn rõ ràng hơn về bối cảnh phát triển sau báo cáo thu nhập hàng quý mới đây nhất từ hai “ông lớn” Starbucks và Luckin Coffee…

Đà tăng trưởng nhanh chóng của Luckin Coffee một lần nữa cho thấy sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc, khi người dân ưu tiên tiết kiệm và lựa chọn các thương hiệu nội địa thay vì những tên tuổi quốc tế như Starbucks.

Cả hai công ty đều đã công bố kết quả thu nhập của mình vào ngày 30/4, mang đến những so sánh chân thực nhất về hiệu suất hoạt động và chiến lược thị trường của họ tại quốc gia tỷ dân.

ca phe trung quoc
Cuộc chiến cà phê tại Trung Quốc đã ngã ngũ

LUCKIN THẮNG THẾ, STARBUCKS KHỦNG HOẢNG

Luckin Coffee đã tăng gấp đôi số cửa hàng vào năm ngoái lên 18.590 địa điểm bao gồm 30 cửa hàng ở Singapore – thị trường quốc tế duy nhất của hãng. Việc mở rộng nhanh chóng này tuy có ảnh hưởng đến lợi nhuận và doanh số tại cùng một cửa hàng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nó cũng giúp tăng gấp đôi lượng khách hàng của Luckin Coffee lên trung bình 60 triệu người mỗi tháng và thúc đẩy doanh thu lên gần 6,28 tỷ nhân dân tệ (~870 triệu USD) trong quý 1/2024, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, chỉ trong một năm, Luckin Coffee đã mở nhiều cửa hàng tại Trung Quốc hơn Starbucks trong 25 năm và hiện có số lượng địa điểm nhiều hơn gấp đôi so với 7.093 cửa hàng của Starbucks.

Thành công của Luckin Coffee được thúc đẩy bởi việc sử dụng thành thạo phương tiện truyền thông xã hội và cách thức tiếp thị có ảnh hưởng, đặc biệt thu hút nhóm khách hàng trẻ tuổi thích uống cà phê. Những dự án quảng bá với ngôi sao nổi tiếng như Jackson Yee và quan hệ đối tác với thương hiệu lớn như Kweichow Moutai cũng đã nâng cao độ hiện diện và sức hấp dẫn của thương hiệu Luckin.

Đà tăng trưởng nhanh chóng của Luckin Coffee không chỉ làm lu mờ đi hoạt động của Starbucks tại Trung Quốc mà còn phản ánh sự thay đổi trong sở thích tiêu dùng và động lực thị trường.

Starbucks báo cáo doanh thu tại thị trường Trung Quốc giảm 8% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 706 triệu USD. Ngoài ra, doanh số bán hàng tại cùng cửa hàng cũng giảm 11%, giao dịch giảm 4% và chi tiêu cho mỗi giao dịch giảm 8%. Kết quả này đã khiến Starbucks phải cắt dự báo doanh thu cả năm.

Ngoài việc vướng vào vô số lùm xùm quốc tế, Starbucks còn rơi vào cuộc chiến cạnh tranh giá cả với các đối thủ địa phương có khả năng phát triển nhanh và chi phí thấp. Thậm chí, chuỗi thương hiệu quốc này còn phải triển khai các chương trình tặng phiếu giảm giá 30%, mua 2 tặng 1 để thu hút khách hàng.

Trong báo cáo hàng quý gần đây nhất của mình, Starbucks đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc dù cho doanh số bán hàng tại đây đang gặp khó khăn. Trong số các cửa hàng của hãng trên toàn thế giới, riêng ở Mỹ và Trung Quốc đã chiếm tới 61%, với 16.600 địa điểm ở Mỹ và 7.093 địa điểm ở Trung Quốc.

Sự nổi lên của các chuỗi cà phê địa phương cũng là minh chứng cho xu hướng chủ nghĩa dân tộc tiêu dùng ngày càng gia tăng ở Trung Quốc khi người tiêu dùng nước này tỏ rõ sự ủng hộ đối với các thương hiệu nội địa phù hợp với bản sắc văn hóa và thị hiếu địa phương.

Thị trường cà phê của Trung Quốc được đánh giá là một mô hình thu nhỏ của những chuyển đổi kinh tế và xã hội rộng lớn hơn. Đà tăng trưởng nhanh chóng của các thương hiệu địa phương nhấn mạnh tính chất năng động của thị trường và những cơ hội mà nó mang lại cho các doanh nghiệp có thể vượt qua thách thức và biết cách tận dụng tiềm năng.

Khi thị trường tiếp tục phát triển, được thúc đẩy bởi cả mức độ tiêu thụ và hành vi tiêu dùng, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Theo MỸ HÂN (Tạp chí Thương Gia)

Tin mới nhất