Chàng trai Pa Cô và giấc mơ cà phê

Hồ Văn Đảo xã Nhâm (A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế) trông già dặn hơn so với tuổi 20 của mình. Khuôn mặt rắn chắc, làn da đen sạm vì nắng gió. Từ nhiều năm nay, Đảo đã là một trong những điển hình người Pa Cô làm giàu từ cây cà phê trên đất Trường Sơn…

Hồ Văn Đảo thu hoạch cà phê.
Hồ Văn Đảo thu hoạch cà phê.

Chúng tôi có mặt tại những khu vườn cà phê xanh ngát tại thôn A Bung đúng mùa thu hoạch nên mùi những trái cà phê chín theo gió tỏa đi khắp nơi. Từ xa, nhìn theo hướng chỉ tay của người cán bộ có thể thấy một ngôi nhà khá khang trang, được lát gạch men hẳn hoi, khác xa những ngôi nhà lụp xụp xung quanh.

“Nhà của Đảo đấy. Tất cả đều từ hạt cà phê mà ra”, Đảo vội khoe khi vừa gặp chúng tôi ở cổng nhà. Nghe anh kể mới biết rằng để có một cơ ngơi như hôm nay không phải là điều đơn giản nơi rừng núi còn nghèo đói.

Chăm chỉ mà nên

Đảo sinh ra trong một gia đình Pa Cô đông anh em nghèo khó. Học hết lớp 9 vì gia cảnh khó khăn anh đành gác lại giấc mơ tiếp tục đến cái chữ. Để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, Đảo khăn gói ra thị trấn học đủ nghề như: thợ hàn, mộc, tiện… nhưng do thiếu vốn nên công việc nào cũng dang dở.

Năm 2001 là thời điểm Nông trường cà phê đường 9 (Quảng Trị) tổ chức thu mua cà phê hạt ở địa bàn huyện A Lưới. Đặc biệt nông trường còn thuê nhân công chăm sóc và thu hoạch cà phê. Biết đây là thời cơ tốt, Đảo vội đăng ký nhận 2 sào để làm thử.

Với thổ nhưỡng và chế độ dinh dưỡng – phòng bệnh tốt, chẳng lâu sau cà phê mọc tốt tươi, trái chín đều, đảm bảo chất lượng tuyệt vời nhất cho thu hoạch.

“Giá nhà máy thu mua là 6.000đồng/kg. Sau khi trừ tiền phân bón, thuốc trừ sâu… mình lãi gần 4 triệu đồng. Vậy xem như thành công!”, Đảo chia sẻ.

Tuy nhiên về lâu dài đây không phải là giải pháp tốt. Người trồng không thể tự xoay xở về phân bón, vật tư. Trong khi đó giá cả thu mua từ các đại lý cũng không ổn định, gây mất cân bằng đầu ra. Nghĩ là làm. Năm 2006, Đảo quyết định trồng cây cà phê ngay chính sau vườn nhà mình với diện tích 1,5 ha. Đồng thời anh vận động toàn bộ người thân trong gia đình vào quá trình trồng – thu hoạch và vận chuyển cà phê.

Ban đầu anh vừa trồng vừa rút kinh nghiệm sau mỗi vụ. Đợt nào sâu, dịch bệnh, thiên tai gây mất mùa, rụng lá, héo cây anh đều theo dõi rồi ghi chép lại vào sổ tay. Về sau thấy có lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cây cà phê ở Huế, Quảng Trị là Đảo đều theo học cho bằng được. Vì vậy trong những vụ mùa tiếp theo cây cho năng suất cao hơn, chi phí bù lỗ vì thế cũng giảm dần…

“Cà phê trồng ở vườn nhà mình bán cho đại lý với giá 7.500 đồng/kg. Ước tính sau mỗi vụ mình thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng”. Đảo hồ hởi. Tuy số tiền không phải là lớn nhưng đối với nhiều thanh niên Pa Cô đây đã là khoản tiền mơ ước…

Ngoài trồng cà phê, Đảo còn trồng chuối, hoa màu xen canh và nuôi lợn. Bà con trong vùng lấy anh làm tấm gương để răn dạy con cháu quyết tâm làm ăn, thoát nghèo bền vững.

Không riêng gì Đảo mà nhiều thanh niên ở xã Nhâm cũng đã bắt đầu khởi nghiệp với cây cà phê. Nhiều vườn cà phê xanh mướt đã mọc lên khắp núi đồi. Nhưng theo Đảo để thực sự sống được với loại cây vốn được cho là dễ tính này vẫn còn lắm những gian nan…

“Hiện tại năng suất cây cà phê nơi đây vẫn thấp. Sự biến động liên tục của thị trường khiến giá cà phê không ổn định. Tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ về phân bón và thuốc trừ sâu. Đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn về cách phòng trừ sâu bệnh. Có như thế anh em mới yên tâm tập trung làm ăn hiệu quả”, Đảo nói.

Hồ Văn Đảo là người mở đường, vượt khó giúp mình và những thanh niên Pa Cô nơi đây làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng