Từ lâu, ngành cà phê Việt Nam phổ biến vấn nạn khi thu hái tuốt sạch, vặt trụi quả chín lẫn quả non khiến phẩm cấp bị đánh tụt.
Ngoài ra những bắt chẹt, thiệt thòi về giá khiến người trồng cà phê Việt Nam ngậm ngùi chịu thiệt. Nay có một tổ chức chuyên đi dạy người trồng cà phê cách nhặt “vàng rơi” trên chính nương rẫy của mình. Đó là tổ chức UTZ CERTIFIED với cách làm cà phê UTZ mà người trồng cà phê nói lái đi là “cà phê…em út“.
UTZ CERTIFIED là một trong những chương trình lớn nhất thế giới chứng nhận cà phê, cô ca và chè sản xuất theo phương thức bền vững. Trong số lượng cà phê bền vững được sản xuất trên thế giới có đến 31% được chứng nhận bởi chương trình này. Những thương hiệu nổi tiếng đứng đầu thị trường như Lee, Heinz, MARS và IKEA cũng có cam kết kinh doanh sản phẩm bền vững…
Tham gia chương trình, người nông dân được đào tạo kỹ thuật canh tác và khả năng kinh doanh, quản lý sản xuất qua đó tạo ra những sản phẩm tốt hơn, năng suất cao, giá bán cao đi đôi với hạ giá thành sản xuất. UTZ CERTIFIED cũng đồng thời nâng cao chất lượng sản xuất theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội thông qua những bộ tiêu chuẩn cao, những quy định chặt chẽ, hệ thống truy nguyên minh bạch và suốt chuỗi cung ứng. Tất cả được giám sát, “tuýt còi” bởi kiểm toán chứng nhận độc lập.
Tại Việt Nam, UTZ cùng Solidaridad (tổ chức phi chính phủ của Hà Lan) đã triển khai nhiều hoạt động như thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, người sản xuất và người mua. Được đánh giá là tiên phong và mô hình thành công trên diện rộng, mở ra một hướng mới cho nền nông nghiệp bền vững, tới nay đã có trên 29.000 ha cà phê được chứng nhận UTZ với sản lượng 93.600 tấn. Lượng bán cà phê UTZ đạt khoảng 30-40% tổng sản lượng chứng nhận.
Qua đó nông dân được hưởng lợi bởi hỗ trợ kỹ thuật, bởi tiết kiệm chi phí, giá thu mua tốt (giá thưởng), môi trường tốt, đầu ra ổn định hơn còn doanh nghiệp chế biến cũng có nguồn cung hàng hóa chất lượng, giảm khâu trung gian, thâm nhập sâu vào những thị trường kỹ tính.
Đăk Lăk những ngày bắt đầu vào vụ này, trong nắng gió cao nguyên luôn lẩn quất, nồng nàn vị thơm thơm, chua chua, ngai ngái của những sân phơi cà phê bạt ngàn, tít tắp. Ông Phạm Ngọc Tuấn – Phó giám đốc Cty Cà phê Phước An tỏ ra phấn chấn hơn ai hết “khoe” rằng 100% diện tích 1.400 ha của Cty đều được áp dụng theo UTZ: “Về quy trình đầu tư chăm sóc, cách làm của công nhân trước rất tự do. Họ muốn phun thuốc sâu khi nào thì phun. Muốn làm cỏ, bón phân, thu hái thế nào tùy thích. Nhà máy không biết được, không kiểm soát nổi”.
Theo ông Tuấn, nay áp dụng UTZ tất cả đầu tư chăm sóc phải theo hướng bền vững. Trước tưới nước ba đợt với tổng 21 giờ, nay chỉ 18 giờ. Trước phun thuốc BVTV 2 lần trong năm nay không lần nào. Trước bón phân hóa học vô tội vạ nay bón giảm thiểu trong khi lượng phân hữu cơ lại tăng. Điều khiến UTZ đặc biệt hấp dẫn là cà phê UTZ bán được giá cao hơn sản phẩm không được chứng nhận từ 25-50 USD/tấn khiến lợi nhuận của Cty Cà phê Phước An hàng năm tăng thêm khoảng 1,2 tỷ đồng.
Không phải không có những bỡ ngỡ, thậm chí vướng mắc ban đầu khi “se duyên” cùng UTZ. Chị Vũ Thị Minh Tâm – cán bộ kỹ thuật của Cty kể về những ngộ nhận của nông dân như càng cho cây ăn nhiều phân càng ra quả nhiều, càng phun thuốc sâu lắm càng tốt bởi vì không diệt được sâu nọ cũng chết sâu kia mà không biết rằng sức khỏe của chính bản thân cũng như cộng đồng đang ngày càng bị bòn rút. Những thói quen như gốc rễ, như nấm độc bám thâm căn cố đế vào tâm thức của họ, rất khó thay đổi.
Chị cười: “Lúc đầu tham gia chương trình UTZ công nhân ai cũng thấy lạ lẫm. Lạ lẫm ngay từ cái tên tây khó kêu quá, phát âm đau lưỡi quá nên đành gọi luôn là chương trình cà phê… em út. Chúng tôi phải giải thích đủ thứ như làm sao để có được giá bán thưởng, thế nào là bón phân cân đối, ở tình trạng ra sao mới phun thuốc, khi phun phải lập biển cảnh báo thời gian cách ly, phải ghi chép sổ tay theo dõi cách nào… Chẳng biết tự bao giờ công nhân của chúng tôi ai cũng ham làm cà phê… em út hết”.
Công nhân Đặng Văn Thêm cho biết: “Trước hơi một tí là người trồng cà phê phun thuốc. Một cây bệnh là phun cả vườn. Nay làm UTZ, cây nào có sâu bệnh phải báo cáo cán bộ kỹ thuật kiểm tra. Nặng thì khoanh vùng phun thuốc cây đó, nhẹ thì thôi. Trước cứ thấy lá xấu xấu, vàng vàng là tống phân hóa học xuống, giờ biết ủ phân vi sinh bón, đất không bị chai mà thêm tơi xốp. Trước thu hái cà phê kiểu tùm lum tà la, xanh chín lẫn lộn, nay phải 95% quả chín, 5% quả vàng, không có quả non. Trước vườn cà phê thường chỉ có cà phê nên khi gió nhiều, mặt đất khô nhanh, năm được năm mất. Giờ áp dụng cách trồng mỗi ha thêm 121 cây chắn gió, tạo bóng mát như sầu riêng, vừa tốt cho cà phê lại thu thêm trái”.
Theo anh Thêm cái lợi nhất khi áp dụng chương trình này là giá cả cao, năng suất khá hơn. Cụ thể trước đây anh nộp sản rồi 1 ha chỉ thu được 1-1,5 tấn giờ được 2-3 tấn, chưa kể cả lợi nhuận từ việc giảm phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu.
Sang Cty Cà phê Tháng 10 – đơn vị có sản lượng 1.500 tấn nhân/năm, chúng tôi được anh Trần Ngọc Phước – Phó Giám đốc khẳng định giá mua tươi cà phê có chứng nhận cao hơn 1.120đ/kg so với cà phê thường nên công nhân rất mê. Cái sự mê ấy lan sang cả loại cây trồng khác là ca cao khi họ đồng loạt đăng ký từ tháng 7 năm nay. Chưa có sản phẩm UTZ ca cao nhưng đơn vị đã được Cty Cargill cùng nhiều đầu mối nhập hàng khác đánh tiếng, bao tiêu sản phẩm với giá tăng hơn 100 USD/tấn so với ca cao thông thường.
Bộ NN-PTNT từng đưa ra một nhận định đau đớn rằng chỉ riêng nạn thu hái non cà phê của người dân đã làm giảm gần 30% sản lượng, đồng nghĩa mất đi hàng trăm triệu USD.
Anh Dương Minh Sâm với 20 năm kinh nghiệm trồng cà phê trong đó 5 năm áp dụng UTZ cho hay anh không chỉ áp dụng UTZ trên 1 ha nhận khoán của Cty mà còn trên cả 0,5 ha của riêng mình. Nhẩm tính, sau khi nộp sản anh còn thu thêm 3 tấn. Với giá thưởng 1.120đ/kg sẽ được thêm cỡ 4 triệu đồng chưa kể chi phí mỗi ha bớt được 8 triệu, tăng thêm được 7 tạ năng suất so với cách làm thông thường…
Cục phó Cục Trồng trọt, ông Phan Huy Thông nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao bộ tiêu chuẩn cũng như cách làm của UTZ Việt Nam ở chỗ, nếu chỉ khuyến cáo suông về sản xuất bền vững nông dân sẽ không theo. UTZ không chỉ hướng dẫn nông dân, cấp chứng chỉ cho sản phẩm của họ mà quan trọng nhất còn liên hệ, quảng bá chúng trên thị trường thế giới để tiêu thụ sản phẩm UTZ với giá cao hơn. Thông thường trong chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ bao giờ người sản xuất trực tiếp cũng ít lợi nhất nay UTZ đồng thời liên kết, gắn với các tổ chức chế biến, thương mại nên có được sự chia sẻ lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân. Ngoài cà phê, sắp tới ca cao, chè ở Việt Nam cũng sẽ được áp dụng UTZ”.
lúc giá cả thấp thì chẳng thấy nói gì cả giờ thì bày vẽ đi dạy mọi người
Tôi không tin về tính hiệu qủa như trong bài viết. Năm nay, để thu hái (60% trái chín, cà 3tấn/ha) và phơi khô tôi tính hết 5000đ/kg, tức khoảng gần 20% giá trị. Làm như bài viết lấy gì mà ăn? Quan điểm của tôi là “Tốt Chợ Hơn Tốt Lợn”.
Việc sản xuất cà phê theo UTZ là hay đó, nhưng UTZ cũng như bản nhạc thôi. Vì nhạc hay mà chơi hoặc mở cho châu nghe thì châu cũng chửi như ông bạn Duc thì ai tranh luận làm gì.
Bản nhạc UTZ rất hay nhưng người thưởng thức xẽ khác nhau và trình độ chơi để thể hiện bản nhạc đó cũng khác nữa, phải không các bác ? Suy ra mấy ông doanh nghiệp kinh doanh cà phê cũng thế thôi; Có ông không biết nghe và cũng không biết chơi – Có ông nghe thì khoái nhưng chơi thì khán giả ôm bụm cười….Cũng có ông DN tham gia cà phê UTZ để đánh bóng thương hiệu, để thực dụng thì sẽ bị trả giá , Nhưng nếu ông DN nào tham gia UTZ với ý thức trách nhiệm chơi để thể hiện và cống hiến thì sẽ tạo ra chuỗi giá trị và mọi người cùng thắng, khi đó bản nhạc “cà phê…em út “sẽ trên cả tuyệt vời !!!
Dear anh Dương Đình Tường,
Về cơ bản, chương trình phát triển cà phê có chứng nhận là tốt và hữu ích cho ngành cà phê. Nhưng thực tế khi phát triển chương trình này ở Việt Nam không biết có mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân một nắng hai sương chưa?
Thử nghĩ mà xem, đây mới chỉ là một chương trình khuyến khích người dân làm trồng và thu hái cà phê có khoa học hơn,và người làm tổ chức chứng nhận hỗ trợ người dân nhiều lắm cũng là kỹ thuật chứ có ai dám bỏ tiền ra đầu tư cho người dân rồi bao tiêu sản phẩm cho họ? Khi giá cao thì họ còn hăng hái chăm sóc cà phê, chứ khi giá xuống như hồi còn 4.000đồng/kg thì ai mà đoái hoài đến vườn cây của mình nữa không?
Khi người dân tham gia chương trình UTZ này. Mang tiếng là cộng thêm tiền( Premium) cho giá bán, nhưng nếu các doanh nghiệp khi mua hàng của họ với giá cơ bản( chưa có premium) thấp hơn giá thị trường, sau đó cộng thêm premium thì mới bằng giá thị trường thì làm sao mang lại lợi ích cho người dân?
Trân trọng kính chào.