Thái Lan và Việt Nam nhanh chóng triển khai các biện pháp mạnh tay để rà soát chất lượng toàn bộ lô hàng xuất khẩu, trong khi Malaysia vẫn chưa có động thái phản ứng rõ ràng.
Từ đầu tháng 1/2025, Trung Quốc bắt buộc tất cả lô sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam phải có giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O (Auramine O) và cadmium, sau khi phát hiện dư lượng chất vàng O trong một số lô sầu riêng từ Thái Lan vào cuối năm 2024. Đây là chất nhuộm công nghiệp bị cấm trong thực phẩm do nguy cơ gây ung thư.
Việc siết chặt kiểm tra khiến nhiều lô hàng từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam – 3 quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Trung Quốc – bị ách tắc hoặc trả về, buộc các nước xuất khẩu phải nhanh chóng tìm giải pháp ứng phó.
Thái Lan đối diện “ác mộng”
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan lập tức tạm dừng xuất khẩu tại 26 cơ sở đóng gói sầu riêng sau khi Trung Quốc trả lại hơn 64 tấn sầu riêng nhiễm chất vàng O.
Lô hàng trị giá 12 triệu baht (540.000 USD) này đã bị tiêu hủy vào ngày 7/2 dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và báo chí, theo Thai News.
Hàng trăm container sầu riêng của Thái Lan cũng bị ùn tắc tại cửa khẩu buộc chính quyền nước này khẩn cấp cử phái đoàn sang Bắc Kinh, trực tiếp đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) nhằm tháo gỡ rào cản, khơi thông xuất khẩu và bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp nước này.
Thực tế, hải quan Trung Quốc đã hoàn trả khoảng 100 container sầu riêng nhập trước ngày 10/1 cho Thái Lan. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 500 triệu baht (15 triệu USD).
Trước áp lực từ thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Narumon Pinyosinwat cho biết Thái Lan đã triển khai các đội kiểm tra đến các nhà đóng gói trái cây để kiểm soát chất lượng, đặc biệt tại 2 tỉnh Chumphon và Nakhon Si Thammarat – những vùng trồng sầu riêng trọng điểm.
Đồng thời, Cục Nông nghiệp cũng yêu cầu toàn bộ lô hàng phải trải qua quy trình xét nghiệm 2 lần trong phòng thí nghiệm trước khi xuất khẩu.
Hiện, 6 phòng xét nghiệm đã được chỉ định kiểm tra chất vàng O, nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kiểm định mới từ Trung Quốc. Theo đó, việc kiểm tra dư lượng vàng O được tiến hành trên cả phần vỏ và cơm sầu riêng.
Đáng chú ý, Cục Nông nghiệp Thái Lan cũng mạnh tay thực hiện chính sách “4 không” đối với trái sầu riêng, trong đó quyết liệt nói không với xuất khẩu sầu riêng non, bị nhiễm sâu bệnh cũng như có các hóa chất cấm.
Sau những nỗ lực “chạy nước rút”, chính phủ Thái Lan thông báo sầu riêng nước này đã chính thức thông quan trở lại sang Trung Quốc.
Từ ngày 20-21/1, khoảng 96 tấn sầu riêng, trị giá 7,8 triệu baht (230.000 USD) đã qua cửa khẩu Nakhon Phanom. Ngoài ra, còn khoảng 45 tấn sầu riêng nữa đang chờ hoàn tất thủ tục để xuất khẩu từ sân bay Suvarnabhumi.
Như vậy, tính từ khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt với sầu riêng, Thái Lan cần khoảng 10 ngày để khắc phục sự cố.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Itthi tiết lộ 4 phòng thí nghiệm mới sẽ đi vào hoạt động trong tuần tới, giúp nâng công suất xét nghiệm lên 1.300 mẫu mỗi ngày. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ lượng sầu riêng nghịch vụ – chủ yếu được trồng tại các tỉnh miền Đông và Nam Thái Lan.
Dù nhanh chóng tháo gỡ “bê bối”, ngành sầu riêng Thái Lan vẫn đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm 13%, từ 990.000 tấn năm 2023 xuống còn 860.000 tấn, kéo theo giá trị xuất khẩu tụt từ 4,12 tỷ USD xuống 3,75 tỷ USD. Với các quy trình kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt, tốc độ xuất khẩu có nguy cơ chậm lại, đe dọa vị thế thống lĩnh của Thái Lan trên thị trường tỷ dân.
Không chỉ vậy, sự cố lần này còn khiến uy tín của sầu riêng Thái Lan bị lung lay, trong bối cảnh Việt Nam và Malaysia đang gia tăng sản lượng xuất khẩu vào Trung Quốc.
Sầu riêng Malaysia, Việt Nam bị vạ lây
Trong khi đó, Malaysia, dù chưa công bố biện pháp ứng phó cụ thể, đã có kinh nghiệm kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Vào tháng 8/2024, Malaysia xuất khẩu lô sầu riêng tươi đầu tiên sang Trung Quốc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiếp cận thị trường này.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Datuk Arthur Joseph Kurup, nước này đã vận chuyển 40 tấn sầu riêng tươi theo 3 giai đoạn để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Hiện, Malaysia chưa có lô hàng nào bị trả về.
Còn tại Việt Nam, ngay khi Trung Quốc áp dụng quy định mới, cơ quan quản lý đã nhanh chóng phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, công nhận 7 trung tâm xét nghiệm đạt chuẩn và thống nhất quy trình kiểm định
Tuy nhiên, do Trung Quốc chỉ chính thức phê duyệt vào ngày 17/1, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đã bị gián đoạn gần 1 tuần, khiến nhiều container phải quay đầu tiêu thụ nội địa, gây tổn thất hàng tỷ đồng. Điều này cũng kéo giá sầu riêng trong nước giảm kỷ lục.
Nhờ hệ thống xét nghiệm đạt chuẩn với công suất khoảng 100 mẫu/ngày mỗi trung tâm, quá trình kiểm định đã diễn ra nhanh chóng, giúp các lô hàng sớm thông quan.
Tính đến ngày 26/1, đã có 9 phòng kiểm nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Cà Mau được Trung Quốc chấp thuận. Song, con số này vẫn quá ít so với nhu cầu kiểm định thực tế, khiến tiến độ xuất khẩu chưa đạt kỳ vọng.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến giữa tháng 2, Việt Nam chỉ xuất khẩu 3.500 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, từ đầu tháng 2, chỉ 25 xe sầu riêng được thông quan, bằng 5-10% so với năm 2024. Tại cửa khẩu Tân Thanh, con số này còn thấp hơn, với chỉ 17 xe được xuất khẩu.
Xuất khẩu đình trệ khiến nguồn cung trong nước dư thừa, kéo giá sầu riêng giảm kỷ lục. Dù đang nghịch vụ, giá thu mua sầu riêng Ri6 chỉ dao động từ 45.000-65.000 đồng/kg, giảm tới 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.