Trước khi đi vào bản tin hôm nay, chúng tôi xin thông báo, kể từ hôm nay bản tin sẽ đề cập đến bản giá tháng 5/2025 bởi hiện nay giá tháng 3 đã hết giá trị tham khảo mua bán.
Kết thúc tuần 6 vừa qua, giá cà phê Arabica kỳ hạn đã tăng vọt so với tuần trước, đạt mức 396,70 cent/pound so với đóng cửa của tuần trước là 371,35 cent, đặc biệt khối lượng giao dịch trong tuần cũng tăng rất mạnh, đạt tới 22.149 lot so với tuần trước chỉ là 15.980 lot, khối lượng giao dịch cao đột biến trong bối cảnh giá tăng này hứa hẹn giá cà phê Arabica có thể sẽ vẫn còn đường tăng, mặc dù hiện nay giá loại cà phê này đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp.
Nói về giá cà phê Robusta, đã có sự tạm dừng bước tăng ở tuần thứ tư sau khi đã có 3 tuần tăng liên tục rất đáng kể trước đó, đóng cửa tuần, giá Robusta tháng 5 nằm ở mức 5564$/tấn so với tuần trước là 5694$, tuy bị giảm giá đến 130$/tấn nhưng giá nội địa của Việt nam vẫn giữ mức mua cao hơn tuần trước, hiện nay vẫn trong khoảng 129,5-130K/kg sau khi người dân nghỉ lễ tết Nguyên đán nay đã quay lại với thị trường.
Nỗi lo ngại về nguồn cung cà phê toàn cầu vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho giá cả. Thứ Ba tuần trước, Conab, cơ quan dự báo mùa màng thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil, đã dự báo rằng vụ mùa cà phê 2025/26 của Brazil sẽ giảm khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm trước xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 51,81 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng được cho là giảm sau khi Tổ chức cà phê thế giới – ICO báo cáo hôm thứ Năm rằng xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 12/2024 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 10,73 triệu bao và xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 3 tháng 10 đến 12 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 32,25 triệu bao.
Tuy nhiên thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm thứ Năm về xuất khẩu Robusta của Việt nam tháng 1/2025 tăng 6,3% so với tháng trước lên 134.000 tấn đã có phần khiến hạ nhiệt giá của loại cà phê này.
Bên cạnh đó, báo cáo có sự gia tăng lượng tồn kho cà phê robusta do ICE giám sát, tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng qua vào hôm thứ Sáu tuần trước, nằm ở mức 4.603 lô. Lượng tồn kho cà phê arabica cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi là 993.562 bao vào ngày 6 tháng 1 nhưng không giữ được lâu, khi mà sau đó lượng tồn này đã bị giảm trở lại xuống mức thấp nhất trong 3 tháng là 847.805 bao.
Báo cáo từ ICO xác nhận sự sụt giảm trong xuất khẩu từ Châu Á khi Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia cộng lại ghi nhận mức giảm khoảng 31,20% trong xuất khẩu, khi so sánh với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do xuất khẩu giảm 39,50% từ Việt Nam trong tháng 12. Trong báo cáo của ICO cũng cho biết xuất khẩu từ Châu Phi tăng 8,00% so với cùng kỳ năm trước, nước đóng góp chính cho mức tăng trong tháng 12 là Ethiopia với mức xuất khẩu tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của ICO cũng bao gồm trong tổng xuất khẩu toàn cầu, số liệu xuất khẩu từ Mexico và khối arabica chế biến ướt truyền thống của Trung Mỹ; Costa Rica, Guatemala, Honduras, Nicaragua và El Salvador, báo cáo trong tháng 12 rằng xuất khẩu cao hơn 0,90% so với cùng kỳ năm trước.
Theo tin tức từ Brazil – 2 vấn đề là khí hậu và lượng tiêu thụ tăng sẽ khiến giá cà phê còn tăng nữa – Thông tin được đánh đi từ São Paulo
Hiệp hội ngành cà phê Brazil đưa tin giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới, ít nhất là cho đến vụ thu hoạch năm nay, bắt đầu vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5. Nguyên nhân chính đằng sau đợt tăng giá này là các sự kiện khí hậu, tác động đến vụ thu hoạch. Mức tiêu thụ cao hơn trên toàn thế giới và sự xuất hiện của một thị trường tiêu dùng mới là Trung Quốc sẽ đóng một vai trò đáng kể.
Tác động này đối với giá cả được cho là sẽ tiếp tục trong hai hoặc ba tháng nữa. Sau đó, giá có thể sẽ chậm lại trong một thời gian, với một mức ổn định nhất định. Tuy nhiên, hiệp hội ước tính giá sẽ chỉ có thể giảm vào vụ thu hoạch năm sau.
Giá cà phê tăng đã được quan sát thấy kể từ tháng 11 năm ngoái. Đây không chỉ là hiện tượng nhìn thấy được ở Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, chiếm gần 40%, tiếp theo là Việt Nam khoảng 17% và tiếp đến là Colombia.
Mùa thu hoạch của Brazil đã phá vỡ kỷ lục vào năm 2020, nhưng những năm sau đó lại không thuận lợi và trở nên thất bát do chịu ảnh hưởng của thời tiết. Vào năm 2021, một đợt sương giá đã xóa sổ gần một phần tư vụ mùa arabica. Vào năm 2022, không có sự phục hồi nào. Hiệp hội lập luận rằng thông thường phải mất hai năm để cây trồng phục hồi sau một sự kiện sương giá.
Qua năm 2023, cây trồng lại chịu ảnh hưởng bởi El Niño, với một thời gian dài hạn hán và nhiệt độ cao. Cuối cùng, năm ngoái đã bị La Niña tấn công, với lượng mưa kéo dài.
“Điều này thực sự là tồi tệ đối với cây trồng“, Chủ tịch Abic Pavel Cardoso tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng vụ thu hoạch năm nay sẽ nhỏ hơn một chút so với năm ngoái.
“Sự tích tụ của bốn năm với các vấn đề về khí hậu và sự gia tăng nhu cầu toàn cầu giải thích cho sự gia tăng đột biến này của giá cà phê”, ông nhận xét.
Với tất cả những vấn đề trên, các nhà sản xuất buộc phải tăng chi phí sản xuất. Kết quả là, chi phí cho nguyên liệu đầu vào tăng lên. Hiệp hội cho biết ngành công nghiệp cà phê đã chịu đựng mức tăng chi phí hơn 200% và họ phải chuyển một phần trong số này – ước tính chỉ khoảng 38% – sang cho người tiêu dùng.
Trong bốn năm qua, giá nguyên liệu đã tăng 224% và giá cà phê bán lẻ tăng 110%. Năm ngoái, biến động giá tiêu dùng đối với cà phê rang và xay là 37,4%.
Tại Ấn Độ – Khi thị trường cà phê kỳ hạn tiếp tục tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới tại New York và London, giá tại trang trại ở Ấn Độ, cũng phản ánh xu hướng toàn cầu, đã tăng lên mức cao mới. Tuần trước, giá tại trang trại, đối với loại cà phê thóc arabica cao cấp đã vượt ngưỡng 25.000 rupee, cho một bao 50 kg (tức là khoảng 144.000 đồng/kg cà phê Arabica thóc) và giá cà phê thóc robusta đã vượt ngưỡng 22.000 rupee (khoảng 126.850 đồng/kg cafe thóc Ro).
Kinh Vu (giacaphe.com)
Rất mong a Kinh Vu đưa thông tin nhiều hơn