Thành tích tuần qua là thị trường bật tăng trở lại sau khi đã rơi tự do khá sâu.
Do những mối lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá cà phê tăng mạnh trở lại trong tuần qua, sau khi đã rớt rất sâu vào 2 ngày đầu tuần. Tuy mức tăng hiện nay vẫn chưa lấp hết khoảng trống do sự sụt giảm để lại nhưng giá cà phê Robusta đóng cửa phiên cuối tuần, đã trở lại với mức cao tâm lý là trên 5116$/tấn tính theo giá tháng 3.
Giá cà phê Arabica trên thị trường New York tính theo tháng 3 cũng tăng rất mạnh gần với mốc cao cũ đã thiết lập vào ngày 29/11 để đóng cửa ở mức 330,25 cent/pound.
Tổng cục Thống kê Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 11 của Việt Nam giảm 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.000.000 bao, lượng xuất khẩu 2 tháng đầu tiên của vụ mới là tháng 10 và tháng 11 năm 2024 cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 36,61%, khi mà 2 tháng này xuất khẩu chỉ đạt mức 1.733.333 bao. Con số trên đã phản ánh khá rõ nét hiện trạng vụ mùa cà phê của Việt nam trong bối cảnh giá tăng và người Nông dân hiểu rõ hơn ai hết tình hình mùa vụ của mình.
Nhìn qua Brazil tình hình thời tiết cũng không sáng sủa gì hơn khi cơ quan khí tượng Somar đưa tin hôm thứ Hai đầu tuần rằng lượng mưa tại vùng trồng cà phê arabica lớn nhất của Brazil là Minas Gerais tuần trước đó chỉ đạt 17,8 mm, tức là bằng 31% so với mức trung bình lịch sử.
Nguyên nhân được cho đã khiến cho giá cà phê rớt đậm bất ngờ vào thứ Ba trong bối cảnh thị trường thiếu hụt, là khi thị trường đã làm giá trước thông tin Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam nâng ước tính sản lượng cà phê Việt Nam năm 2024/25 lên 28 triệu bao từ mức ước tính trước đó là 27 triệu bao hồi tháng 10.
Cũng cần nhắc lại rằng giá cà phê cũng được hỗ trợ từ ngày 22 tháng 11 khi Cục Phụ trách các vấn đề Nông nghiệp Nước ngoài thường được gọi tắt là FAS trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra dự báo sản lượng cà phê 2024/25 của Brazil là 66,4 triệu bao, thay cho mức trước đó cũng của chính họ là 69,9 triệu bao. Vào tháng 6 FAS cũng cho biết lượng cà phê tồn kho của Brazil là 1,2 triệu bao vào cuối mùa vụ 2024/25, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những số liệu rất quan trọng giúp cho giá cà phê tiếp tục giữ ở mức cao.
Một bình luận từ tin tức của tờ EURONEWS ở Châu Âu cho biết hôm 06/12/2024
Có rất nhiều mối lo ngại về vụ mùa ở Brazil và Việt Nam, những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
Giá cà phê đã đạt mức cao nhất trong 47 năm.
Mức giá này cao hơn 70% so với đầu năm và là mức giá chưa từng thấy kể từ năm 1977.
Giá cả tăng cao do lo ngại về tác động của thời tiết khắc nghiệt và hạn hán nghiêm trọng ở các nước sản xuất cà phê hàng đầu như Brazil và Việt Nam.
“Một mùa vụ đầy thách thức tại Việt Nam, quốc gia sản xuất hạt cà phê Robusta hàng đầu, hiện đã chuyển sang Brazil, nơi thời tiết bất lợi đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về vụ mùa cà phê Arabica năm 2025“, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank Ole Hansen viết trong bài phân tích về thị trường hàng hóa gần đây rằng:
Brazil, quốc gia sản xuất hạt cà phê Arabica chính, đang phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trước khi mưa cuối cùng cũng đến vào tháng 10. Mặc dù vậy, độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp, làm gia tăng lo ngại vụ mùa sẽ không đạt được kỳ vọng, do đó đẩy giá của Sàn giao dịch lên cao.
Trong số hai loại cà phê được giao dịch trên thị trường hàng hóa, giá cà phê Arabica đã tăng gần 70% tính đến thời điểm hiện tại, trong khi giá cà phê Robusta tăng hơn 60%.
Cà phê là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên thế giới và nhu cầu đang tăng lên, được thúc đẩy bởi mức tiêu thụ ngày càng tăng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ có một số ít quốc gia sản xuất đáp ứng được nhu cầu này. Các quốc gia sản xuất chính bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Ethiopia, tất cả đều là các quốc gia nhiệt đới chịu ảnh hưởng rất lớn của sự biến đổi khí hậu.
Người tiêu dùng có thể đã cảm nhận được tác động của việc tăng giá thị trường, vì nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, Nestle SA, đã tuyên bố hai tuần trước rằng họ sẽ tiếp tục tăng giá cà phê.
Bên cạnh đó tờ Reuters xuất bản thông tin ngày 05 tháng 12 năm 2024 cũng cho biết từ London: Giá cà phê toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm do thời tiết xấu ở Brazil và Việt Nam, buộc các nhà rang xay như Nestle phải tăng giá và người tiêu dùng phải săn lùng các loại cà phê rẻ hơn trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay.
Giá tăng đột biến sẽ có lợi cho người nông dân trong vụ mùa năm nay, nhưng lại gây khó khăn cho các thương nhân phải đối mặt với chi phí phòng ngừa rủi ro cao trên các sàn giao dịch và phải tranh giành để nhận được số hạt cà phê mà họ đã đặt mua.
NHỮNG GÌ ĐẨY GIÁ?
Các vấn đề về sản xuất liên quan đến thời tiết xấu ở Brazil và Việt Nam đã khiến nguồn cung toàn cầu chậm hơn nhu cầu trong ba năm. Điều đó đã khiến mã hàng cà phê KC cạn kiệt và đẩy giá chuẩn trên thị trường ICE lên mức đỉnh là 336 cent/pound. Lần cuối cùng cà phê được giao dịch ở mức cao như vậy là vào năm 1977 khi sương giá phá hủy nhiều cánh đồng trồng cà phê ở Brazil. Tuy nhiên, cú sốc đối với người tiêu dùng khi đó lớn hơn nhiều.
Nếu tính theo mức lạm phát, 336 cent vào năm 1977 thì phải tương đương với 1700,68 cent vào ngày nay.
Trong khi đó, các chuyên gia đang dự đoán một năm nữa sản lượng cà phê sẽ còn ảm đạm hơn. Brazil, nơi sản xuất gần một nửa lượng cà phê arabica của thế giới – loại hạt cao cấp chủ yếu được sử dụng để rang và xay – đã trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận trong năm nay.
Mặc dù mưa cuối cùng đã đến vào tháng 10, nhưng độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp và các chuyên gia cho biết cây đang tạo ra quá nhiều lá và quá ít hoa để cho ra quả. Tại Việt Nam, nơi sản xuất khoảng 40% lượng hạt cà phê robusta thường được sử dụng để làm cà phê hòa tan, cũng gặp một đợt hạn hán nghiêm trọng vào đầu năm nay đã tiếp nối bằng lượng mưa dư thừa kể từ tháng 10 nhưng lại khiến cho cản trở thu hoạch.
TẠI SAO CÁC NHÀ THƯƠNG MẠI LO LẮNG?
Các nhà giao dịch có trụ sở tại Brazil là Atlantica và Cafebras đang tìm kiếm sự tái cấu trúc nợ do tòa án giám sát, do giá cà phê tăng vọt, chi phí phòng ngừa rủi ro tăng cao làm tê liệt và gây ra chậm trễ trong giao hàng. Việc tái cấu trúc nợ do tòa án giám sát sẽ dẫn đến phá sản nếu đàm phán không thành công.
Các nhà giao dịch mua hạt cà phê từ Atlantica và Cafebras thường nắm giữ các vị thế bán khống trên thị trường kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro thị trường thực tế của họ. Hiện đang lo sợ rằng họ có thể không còn mua được cà phê thực từ Atlantica và Cafebras nữa, nhiều nhà giao dịch đang đóng các vị thế bán khống kỳ hạn đang thua lỗ.
Đóng các vị thế bán khống tức là liên quan đến việc mua lại hợp đồng kỳ hạn trên sàn, điều này sẽ khiến đẩy giá thị trường giao dịch lên cao hơn nữa.
Giá hợp đồng kỳ hạn cao hơn sẽ đẩy các mức ký quỹ hoặc khoản thanh toán trước mà các nhà giao dịch phải trả tăng cao hơn để bảo vệ khỏi các khoản lỗ giao dịch, do đó càng tạo ra nhiều căng thẳng hơn trong ngành.
TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC NHÀ RANG XAY VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG
Giá cà phê tăng vọt là một vấn đề đối với các nhà rang xay.
Sếp của Nestle, công ty cà phê lớn nhất thế giới, đã bị sa thải vào đầu năm nay sau khi hội đồng quản trị không hài lòng về doanh số bán hàng yếu kém và mất thị phần do giá tăng, khiến người tiêu dùng chuyển sang các thương hiệu rẻ hơn.
Các nhà rang xay có xu hướng mua cà phê trước nhiều tháng, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng có thể sẽ thấy giá tăng đột biến trong sáu đến 12 tháng. Người tiêu dùng uống cà phê bên ngoài sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá tăng hiện nay.
Cả người nông dân và thương nhân đều thận trọng với động thái của họ vào lúc này. Tại thủ phủ cà phê Đắk Lắk, nhiều nông dân được phỏng vấn đã cho biết ước lượng sản lượng năm nay của họ bị giảm đến 50% do đợt nắng nóng kéo dài vào đầu năm.
Kinh Vu (giacaphe.com)
Nếu đúng vậy thì còn lên nữa