Đạo luật về chống phá rừng của EU có thể là đòn bẩy thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
EU chiếm 38% tổng lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho biết, Liên minh châu Âu là thị trường cà phê lớn, chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam có đến 5 nước thuộc EU.
EU cũng đang là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, khoảng 33-35% thị phần toàn cầu. Quy mô tiêu thụ cà phê của thị trường này trong năm 2024 dự kiến lên tới gần 48 tỷ USD và sẽ tăng lên trên 58 tỷ USD vào năm 2029.
Những tháng vừa qua, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung mua cà phê Việt khi mốc thời gian thực hiện quy định chống phá rừng đến gần. Qua đó, đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới. Hiện giá cà phê tăng lên ngưỡng 111.800 – 112.200 đồng/kg tại nội địa.
Luật chống phá rừng của EU đòi hỏi những mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu chủ chốt (cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu nành, gia súc, cao su và gỗ) không được sản xuất trên đất rừng bị phá đã được hoãn áp dụng thêm một năm.
Như vậy, các nước có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai. Tại các tỉnh Tây Nguyên, ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cà phê đã và đang có những bước đi để đáp ứng mọi quy định khắt khe, đặc biệt là vấn đề sản xuất có trách nhiệm với môi trường.
Doanh nghiệp triển khai trồng cà phê thích ứng tiêu chuẩn châu Âu
Đây là vườn cà phê chất lượng cao, được chăm sóc, thu hái và trải qua các công đoạn chế biến, bảo quản khắt khe để phục vụ xuất sang châu Âu. Để đạt những chứng nhận như UTZ, Rain forest, người sản xuất phải chứng minh sản phẩm của mình trên google earth là không liên quan đến phá rừng. Tiêu chí này được tổ chức Rainforest Alliance kiểm tra định kỳ, thường xuyên.
Ông Lê Đình Tư – Giám đốc Công ty Minudo Farm – Care, Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi luôn luôn ý thức những gì mình làm. Trước tiên là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Sau đó mình làm những sản phẩm nâng tầm lên, có giá trị cao hơn để phục vụ cộng đồng và mình sẽ có thu nhập tốt hơn”.
EU là thị trường tiêu thụ hơn 40% sản lượng cà phê của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta, quy định sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào thị trường này bắt buộc không được trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng đang tạo thách thức nhưng cũng là động lực mới cho chiến lược phát triển ngành hàng cà phê một cách bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm cả hệ thống định vị và ranh giới giữa các vườn cây. Chúng tôi phối hợp với các tổ chức quốc tế để thực hiện các chương trình cảnh quan bền vững; bên cạnh đó chúng tôi luôn luôn phối hợp với UBND các huyện, xã, thị trấn thu thập các thông tin nông hộ để đảm bảo các yêu cầu của EUDR”.
Người tiêu dùng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Chính vì vậy, đạo luật về chống phá rừng của EU có thể là đòn bẩy thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Nâng cao nhận thức cho người sản xuất cà phê
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều nơi, nông dân có kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lạm dụng phân bón hóa học làm suy thoái hệ sinh thái và xâm canh cà phê trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra. Do vậy, quy định khắt khe của EU vừa là thách thức và cũng là cơ hội để chúng ta càng nỗ lực hơn trong việc minh bạch từ sản xuất đến tiêu thụ, mà mấu chốt đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho người nông dân từ khâu sản xuất.
Hàng trăm hộ dân với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số đang được tập huấn nhiều kiến thức về sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện năng suất, chất lượng hạt cà phê, cũng như áp dụng các thực hành canh tác bền vững, cải thiện chất lượng đất và bảo vệ sức khỏe chính người sản xuất.
Tỉnh Đắk Nông – địa phương có diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ ba cả nước hiện có khoảng 142.000 ha cà phê. Tuy có khoảng 100.000 ha cà phê đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chỉ có khoảng 23.500 ha sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện như 4C, Rainforest.
Ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông nhận định: “Trước các quy định cụ thể của Liên minh châu Âu, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực, thứ nhất chúng tôi đã đặt hàng, xây dựng bản đồ phân vùng cho cấp độ rủi ro cho ngành hàng cà phê. Thứ hai, chúng tôi phối hợp với các tổ chức xây dựng bộ tài liệu truyền thông cũng như khung hành động cho chương trình này. Thứ ba là tích cực kêu gọi một số doanh nghiệp để đồng hành với bà con nông dân địa phương tổ chức sản xuất giảm phát thải và hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc”.
Ông Bạch Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đưa ra ý kiến: “Cần phải tăng cường vai trò truyền thông để cộng đồng hiểu và ý thức được không những chúng ta sản xuất, tạo giá trị để đáp ứng cuộc sống hàng ngày mà chúng ta còn phải có trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ uy tín, thương hiệu quốc gia cũng như trách nhiệm phát triển lâu dài”.
Các dự án thực hành canh tác cà phê bền vững, đáp ứng quy định chống phá rừng của EU đang được triển khai sâu rộng tại các tỉnh Tây Nguyên, nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững và vị thế của ngành hàng cà phê Việt Nam khi xuất khẩu vào châu Âu và trên thị trường toàn cầu.