Bất ổn từ thị trường tiêu thụ sầu riêng

Tăng về diện tích, nhưng sản xuất lại chưa có sự liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến thị trường, lo ngại nhất là chất lượng sầu riêng giảm sút.

Bất ổn từ thị trường tiêu thụ sầu riêng

Sầu riêng Việt Nam tiếp tục phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu. Đến hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã đạt 1,82 tỷ USD, tăng đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự báo cho rằng, cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD. Nhìn những con số như vậy, ai cũng nghĩ rằng, thị trường tiêu thụ sầu riêng khá suôn sẻ. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn nhiều điều bất ổn, đòi hỏi phải có sự thay đổi từ vùng sản xuất đến các khâu cung ứng ra thị trường. Chẳng hạn, tại thời điểm cuối vụ sầu riêng hiện nay ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, giá sầu riêng tụt dốc ở mức đáng lo ngại.

Tại miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa- nơi đang có 1.700 ha sầu riêng đang trong giai đoạn kinh doanh, sản lượng khoảng 17.000 tấn. Theo nhiều nông dân, việc đưa sầu riêng ra thị trường trong năm nay đã bắt đầu có những biểu hiện bất ổn. Bất ổn trước hết là chất lượng sầu riêng không đồng đều ngay trong cùng một vùng sản xuất. Chính điều này sẽ kéo giảm mức giá bình quân sầu riêng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Ánh Trâm – Vựa thu mua sầu riêng cho biết: “Đó là do tỷ lệ hàng lỗi năm nay rất nhiều, các lái vào vườn dựa vào chất lượng của quả sầu riêng mà định giá”.

Gắn với chất lượng sầu riêng là việc định giá thu mua. Nông dân cho rằng có nhiều điều chưa thỏa đáng. Cùng một vườn sầu riêng, vựa này định giá khác với vựa kia. Tiêu chí chất lượng để định giá sầu riêng vẫn là điều chưa được rõ ràng đối với nhiều nông dân.

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa chia sẻ: “Họ cắt ra, nói sượng nhưng mình thực sự không xác định được trái đó sượng hay không. Nhà vườn gần như chỉ những trái bị nấm, thối thì nhà vườn mới xác định được”.

Sầu riêng đứng đầu trong số các mặt hàng trái cây xuất khẩu, đóng góp đến 40% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Mới đây, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng, để chiếm lĩnh cơ hội thị trường thì rõ ràng phải tạo sự ổn định từ khâu sản xuất cũng như việc tổ chức thu mua sầu riêng tại vùng trồng.

Nhiều dự báo cho rằng, cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD
Nhiều dự báo cho rằng, cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD

Ổn định thị trường sầu riêng từ chất lượng

Diện tích sầu riêng tại Việt Nam tăng nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. Chẳng hạn như ở vùng Tây Nguyên, năm ngoái, tăng thêm 15.000 ha, nâng tổng diện tích sầu riêng ở khu vực này xấp xỉ 52.000 ha. Tính chung cả nước, diện tích sầu riêng đã trên 110.000 ha, gấp 3 lần so với năm 2017. Tăng về diện tích, nhưng sản xuất lại chưa có sự liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến thị trường, lo ngại nhất là chất lượng sầu riêng giảm sút. Vì vậy, ổn định thị trường sầu riêng phải bắt đầu từ chất lượng.

2 ha sầu riêng của ông Mẹo, thu hoạch cũng rơi vào cuối vụ, chịu mức giá không cao như đầu vụ. Nhưng, so với nhiều nhà vườn khác thì giá bán sầu riêng của vườn nhà ông vẫn cao hơn hẳn. Thương lái đến mua cả vườn, trả mức giá 62.000 đồng/kg. Sở dĩ được giá như vậy là nhờ chất lượng trái sầu riêng.

Ông Nguyễn Văn Mẹo – Xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa nêu ý kiến: “Vấn đề như cơm vàng, bột ngọt, đầy đủ tiêu chí. Ngoài cơm, mẫu gai cũng quyết định giá nông sản của bà con”.

Chính điều này mà những địa phương như huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo nông dân không ồ ạt mở rộng diện tích sầu riêng, giữ ổn định 2.600 ha. Thay vào đó, tập trung đầu tư cho vườn sầu riêng để chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Vùng sầu riêng Khánh Sơn đã thành lập 11 hợp tác xã và 25 tổ hợp tác trồng cây ăn trái. Chính sự gắn kết này đã giúp cơ quan chuyên môn hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất sầu riêng đúng kỹ thuật đến nông dân.

Ông Nguyễn Quốc Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa cho biết: “Tuyên truyền các hợp tác xã, tổ hợp tác, bà con nông dân phải đặt chất lượng lên hàng đầu, lúc đó xuất khẩu mới thuận lợi. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 15 mã vùng trồng và đã có chương trình VietGAP hỗ trợ cho bà con”.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam. Dự báo đến năm 2030, mức tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc đạt 1,2 kg/ người/ năm. Nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc sẽ còn tăng cao trong những năm tới. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe về chất lượng nông sản.

Nắm bắt yêu cầu thị trường, doanh nghiệp này từ nhiều năm trước đã đặc biệt chú ý về quy trình canh tác. Nhờ vậy, đây là doanh nghiệp đầu tiên ở Khánh Hòa được cấp mã vùng trồng sầu riêng với diện tích 22 ha. Mỗi năm, hơn 300 tấn sầu riêng thu hoạch từ vùng sản xuất của doanh nghiệp đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn khi xuất khẩu chính ngạch.

Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng – Phó Giám đốc Công ty Nông nghiệp Thành Hưng, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa chia sẻ: “Thị trường xuất khẩu yêu cầu khắt khe nên bên mình cố gắng từ phân bón đến đất, nguồn nước phải kiểm soát kỹ”.

Như vậy, ổn định thị trường sầu riêng được bắt đầu từ những thay đổi ở vùng trồng, cụ thể là sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là xây dựng mối liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với nông dân theo hướng công khai, minh bạch, tránh nhập nhằng về chất lượng sầu riêng vốn đã gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng