Doanh nghiệp gặp khó khi làm kho sầu riêng cấp đông

Trong các nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, việc triển khai kho cấp đông sầu riêng của doanh nghiệp tại Đắk Lắk đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Đại diện Công ty TNHH thu mua, phân phối sầu riêng Thảo Cường (đóng chân tại địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) – chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thu mua, phân phối sầu riêng đã hơn 5 năm nay. Theo quy luật phát triển của thị trường, chúng tôi đã bỏ khoảng 3 tỉ đồng đầu tư vào hệ thống kho cấp đông để đáp ứng yêu cầu của đơn vị đối tác nhằm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo đại diện công ty này, việc đầu tư vào kho cấp đông này không hề đơn giản, ngoài kinh nghiệm, vốn liếng thì rào cản lớn nhất của doanh nghiệp đó là về nguồn điện. “Chi phí điện năng lớn, hệ thống truyền tải tốn kém khiến nhiều đơn vị mới gia nhập cuộc chơi khó lòng trụ nổi” – đại diện này nói.

Bên trong một kho cấp đông sầu riêng của doanh nghiệp tại địa bàn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Bên trong một kho cấp đông sầu riêng của doanh nghiệp tại địa bàn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Cũng người này, đơn vị đang lưu trữ khoảng 1 container sầu riêng đông lạnh trong kho, với khoảng 280.000 đồng/kg đã bóc vỏ để chuyển cho đối tác. Số lượng sầu riêng này là nguồn hàng chiến lược của doanh nghiệp, lợi nhuận ổn định hơn quả tươi và dễ dàng vận chuyển.

Để gia nhập vào ngành sầu riêng cấp đông, doanh nghiệp phải có đầu ra ổn định, nghiên cứu quy định hiện hành để đầu tư kho bãi theo quy chuẩn, cũng như các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk – nêu quan điểm, thời gian vừa qua, có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai làm kho sầu riêng cấp đông để cùng đối tác xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Nhìn chung, quá trình triển khai, nhiều đơn vị đang còn gặp khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến thủ tục đất đai, giấy phép xây dựng.

Có đơn vị khi triển khai làm kho cấp đông tốn kém tiền của nhưng chưa có giấy phép xây dựng hoặc vướng vào quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thứ nữa, nguồn điện đấu nối từ khu dân cư vào kho cấp đông không đủ, doanh nghiệp phải đấu nối, nâng cấp hệ thống lưới điện rất tốn kém.

Kỳ vọng nâng cao giá trị nông sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 33.000ha, sản lượng đạt gần 300.000 tấn. Toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sầu riêng trái tươi sang thị trường Trung Quốc.

Hiện, Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin, về việc chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng cấp đông, sau khi giữa Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư, tỉnh sẽ chờ hướng dẫn của Bộ NNPTNT để triển khai cách làm này một cách phù hợp.

Đơn vị đã tiếp cận với các doanh nghiệp, sẵn sàng đầu tư kho cấp đông, theo tiêu chuẩn chung của các bên liên quan cũng như của đối tác để xuất khẩu sầu riêng cấp đông vào năm 2025.

Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk – cho rằng, khi sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ giúp đa dạng hóa hình thức chế biến, giảm áp lực thời vụ thu hoạch cho người nông dân cũng như doanh nghiệp và làm tăng giá trị ngành hàng. “Việc các doanh nghiệp sớm triển khai sầu riêng cấp đông sẽ mở ra cơ hội rất lớn để phát triển bền vững trong những năm tới” – ông Dương cho hay.

Theo BẢO TRUNG (báo Lao Động)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng