Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng 7 tháng đầu năm sang Thái Lan, Nhật Bản và Campuchia tăng vài lần đến hàng trăm lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu từ hải quan, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Thị trường Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,47 tỷ USD, tăng gần 53%.
Thái Lan đứng thứ hai (năm ngoái vị trí thứ 8), chi 65 triệu USD mua sầu riêng Việt, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Hong Kong đứng thứ ba với kim ngạch nhập khẩu gần 19 triệu USD, tăng gần 24%.
Xuất khẩu sầu riêng sang Hàn Quốc, Papua New Guinea, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng mạnh từ 50% đến hàng chục nghìn phần trăm.
Bà Ngô Tường Vy, CEO Chánh Thu, cho rằng giá sầu riêng Việt vẫn cạnh tranh hơn so với Thái Lan, Malaysia và Philippines. Do ảnh hưởng thời tiết, sản lượng sầu riêng Thái Lan giảm, khiến nhu cầu sầu riêng đông lạnh tăng. Kim ngạch xuất khẩu của Chánh Thu tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng Việt ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng nhờ sản xuất quanh năm và chi phí logistics thấp, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc. Vào ngày 19/8, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nước đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.
Dự kiến, việc mở cửa thị trường Trung Quốc sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 400-500 triệu USD trong năm nay và xuất khẩu dừa tươi tăng thêm 200-300 triệu USD. Đây sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt 2,3 tỷ USD, với 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn, tăng trưởng 15% mỗi năm.
Theo Thi Hà (báo VnExpress.net)