Không phát triển “nóng” diện tích sầu riêng

Sáng ngày 6/9, UBND huyện Di Linh – Lâm Đồng tổ chức Hội nghị chuyên đề phát triển bền vững ngành sầu riêng trên địa bàn huyện Di Linh.

Lãnh đạo huyện, lãnh đạo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, đại diện các địa phương trong huyện cũng như các HTX, các doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất khẩu sầu riêng đã có mặt với nhiều thông tin từ thực tế.

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, tổng diện tích trồng sầu riêng toàn huyện đạt 6.090,2 ha, trong đó diện tích trồng xen 5.061,6 ha và diện tích trồng thuần 1.028,6 ha; diện tích trong thời kỳ kinh doanh đến năm 2024 ước khoảng 2.600 ha, trong đó trồng thuần 673 ha và trồng xen 1.927 ha, ước năng suất năm 2024 đạt 135 tạ/ha, sản lượng khoảng 35.100 tấn. Diện tích sầu riêng tăng 5.640 ha so với năm 2010; tăng 4.157,79 ha so với năm 2020.

Sầu riêng Di Linh tham gia xuất khẩu
Sầu riêng Di Linh tham gia xuất khẩu

Qua đánh giá thực tế cho thấy, cây sầu riêng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Di Linh; cây sầu riêng thích hợp trồng ở những vùng đất màu mỡ, có khả năng thoát nước tốt như đất thịt, đất cát pha thịt, đất đỏ bazan,… và không thích hợp trồng trên đất cát, đất sét nặng. Chất lượng sầu riêng Di Linh được các đơn vị thu mua đánh giá cao. Trên địa bàn huyện có trên 65 doanh nghiệp, tổ chức, điểm thu mua sầu riêng; trong đó 16 tổ chức, doanh nghiệp và 49 cá nhân, đại lý, cơ sở, vựa thu mua. Toàn huyện Di Linh đã được cấp 15 mã vùng trồng, trong đó 1 mã chung được cấp năm 2022 và 14 mã riêng được cấp vào năm 2023 với diện tích 624,82 ha, sản lượng đăng ký khoảng 19.019 tấn. Di Linh có 4 cơ sở đóng gói sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng 4.269 m2.

Hiện nay, huyện Di Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Di Linh”. Di Linh định hướng phát triển sầu riêng trên địa bàn huyện đến năm 2030 đạt 6.500 ha, sản lượng trên 100.000 tấn, tăng 65.000 tấn so với năm 2024. Phát triển nhanh các vùng sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,… được cấp mã số vùng trồng; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm, tập trung ở các xã Hoà Nam, Đinh Trang Hoà, Hoà Bắc, Hoà Trung, Liên Đầm, Đinh Lạc, Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thu mua, các doanh nghiệp, HTX,  trên địa bàn và Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực phẩm đã tập trung đóng góp ý kiến, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc trồng, chăm sóc, thu mua, chế biến, đưa ra định hướng phát triển sầu riêng của huyện Di Linh trong thời gian tới.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Tuấn –  Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành nông nghiệp huyện phải tập trung tuyên truyền cho người dân không phát triển nóng diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh canh tác giống sầu riêng phù hợp và sử dụng giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch, thuận lợi cho tiêu thụ. Áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh: tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch. Gắn phát triển vùng sản xuất tập trung với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm, triển khai thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn, chất lượng tốt để làm cơ sở thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, vùng sản xuất chuyên canh sầu riêng. Tăng cường chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm, đặc biệt chế biến sâu gia tăng giá trị; gắn với phát triển, nâng cao thương hiệu “Sầu riêng Di Linh”. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để sớm hình thành các nhà máy sơ chế, chế biến sầu riêng; đặc biệt, các nhà máy chế biến sầu riêng đông lạnh đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, Di Linh xác định không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân về quy trình sản xuất sầu riêng từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông của người dân; tập trung phát triển cây sầu riêng theo định hướng thị trường, thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng của trái sầu riêng. Di Linh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các ngành, cơ sở, doanh nghiệp, các hộ nông dân cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện các giải pháp để ngành hàng sầu riêng huyện Di Linh phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Theo D.Quỳnh – D. Nhã (Báo Lâm Đồng – Link bài viết gốc)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng