Các sàn giao dịch hàng hóa trong nước đang hướng đến những hình thức giao dịch được cho là phù hợp với xu thế của thế giới như giao dịch kỳ hạn, giao dịch quyền chọn… Tuy nhiên, trong bối cảnh các văn bản pháp lý, quy định hướng dẫn còn thiếu, sự hiểu biết về thị trường giao sau còn hạn hẹp đã đặt ra nhiều vấn đề, nhất là việc quản lý rủi ro.
Kỳ 2: Sàn giao dịch hàng hóa: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Từ thất bại của phương thức giao ngay
Phần lớn các sàn giao dịch đang hoạt động đều áp dụng phương thức giao dịch giao ngay khá đơn giản với ưu điểm là giá cả minh bạch, hàng hóa qua kiểm định, có chất lượng và việc thanh toán diễn ra chỉ một hoặc hai ngày sau khi khớp lệnh. Nhưng với kiểu giao dịch này, nhiều sàn giao dịch cũng không tránh khỏi khó khăn, chủ yếu đến từ thói quen mua bán của nông dân và doanh nghiệp.
Sàn giao dịch đường (gồm hai mặt hàng đường thô và đường tinh) của Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) ra mắt vào tháng 3-2010, nhưng đến tháng 11 thì mỗi phiên chỉ giao dịch trên dưới 10 tấn đường. Trong khi sàn cần một con số gấp 50 lần để các bên mua bán có thể tiến hành giao dịch. Ít lâu sau đó, giá đường trong nước lẫn thế giới tăng lên vùn vụt, nhà máy và doanh nghiệp “mặn mà” hơn với chuyện trữ đường tại kho chờ giá lên thì sàn giao dịch đường của Sacom-STE cũng gần như ngưng hoạt động vì không còn người bán…
Trước đó, Sacom-STE đã đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng khá bài bản, từ phần mềm giao dịch, bảng điện tử, hệ thống kho lưu ký, và đặc biệt, có tập đoàn tài chính Sacombank đứng đằng sau, hỗ trợ cho giao dịch thanh toán. Bên cạnh đó, giao dịch sàn hướng đến là các giao dịch thật với hàng hóa thật.
Ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Sacom-STE, cho rằng vấn đề không nằm ở chất lượng hàng hóa vì đường đã được giám định trước khi lưu ký tại hệ thống kho của Sacom-STE nên được nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát ưa chuộng vì chất lượng khá đồng đều và đảm bảo. Cái khó của sàn nằm ở việc sổ sách chứng từ và giá cả qua sàn được minh bạch hóa lại không “được lòng” nhiều công ty đường vốn đã quen với hình thức mua bán có các khoản “hoa hồng” ngoài sổ sách. Giá đường trên thị trường biến động mạnh theo chiều hướng tăng từ thời điểm giữa năm kéo dài đến tận vụ ép vào tháng 9, tháng 10 do nguồn cung thiếu hụt lại càng thúc đẩy các công ty đường có cam kết tham gia trước đó, quay lưng lại với sàn giao dịch.
Đến sức hút giao dịch kỳ hạn
Trong bối cảnh các sàn giao dịch trong nước loay hoay với việc tìm kiếm khách hàng cho các sản phẩm giao ngay thì đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các giao dịch kỳ hạn ở các sàn giao dịch như giao dịch cà phê Robusta trên sàn Liffe ở London hay cà phê Arabica trên sàn Nybot của Mỹ, Tocom của Nhật Bản… thông qua môi giới của các ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hay Techcombank.
Với giao dịch loại này, doanh nghiệp chỉ cần ký quỹ một số tiền chiếm tỷ lệ chỉ một vài phần trăm so với giá trị hàng hóa giao dịch (ảo) là có thể mua bán ngay mà chẳng cần có hàng hóa lưu kho, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho lãi vay, chi phí lưu kho, vận chuyển… Mức độ tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều, đến mức sàn giao dịch hàng hóa Sicom nổi tiếng của Singapore tháng 4 năm trước đã qua Việt Nam để quảng bá cho giao dịch kỳ hạn duy nhất với mặt hàng cà phê Robusta.
Nhận thấy xu hướng và mong muốn thu hút được các doanh nghiệp xuất khẩu nói trên, các sàn giao dịch trong nước gần đây cũng nhanh chóng đưa giao dịch kỳ hạn vào danh mục các sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Ngày 1-11 vừa qua, Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã đưa vào hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (Vietnam Commodity Exchange – VNX) với giao dịch kỳ hạn dành cho ba mặt hàng được Bộ Công Thương cấp phép là cà phê, cao su và thép.
Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết sau một thời gian triển khai giao dịch giao ngay, trung tâm sẽ khai trương giao dịch kỳ hạn nhân sự kiện Festival cà phê lần thứ 3 diễn ra ở tỉnh Daklak vào tháng 3 tới.
Theo ông Hà, khai trương giao dịch kỳ hạn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường là tạo ra một kênh đầu tư cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kỳ vọng vào giá cà phê xuất khẩu vẫn tiếp tục đứng ở mức cao, trong khi một số kênh đầu tư phổ biến của doanh nghiệp như chứng khoán, bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Rủi ro cao
Các sàn giao dịch hàng hóa đã đăng ký và đang hoạt động chủ yếu với loại hình giao ngay và giao sau bao gồm: sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom – STE) đăng ký khá nhiều mặt hàng là thép, đường, điều, cao su. Nhưng hai mặt hàng điều và đường hiện đang tạm ngưng giao dịch.
– Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), tiền thân là Sở Giao dịch hàng hóa Triệu Phong, cũng đăng ký giấy phép giao dịch giao sau các mặt hàng cà phê, cao su, thép.
– Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2008.
Trước đó, vào năm 2002 TPHCM cũng có một số sàn giao dịch ra đời nhưng nhanh chóng đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả như sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ hay sàn giao dịch điều của Trung tâm Chứng khoán TPHCM phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam.
Thái độ thận trọng của ông Hà là có lý vì thực tế các sàn giao dịch hàng hóa ở Việt Nam chỉ mới “mon men” chứ chưa thật sự bước vào giao dịch kỳ hạn vì loại hình giao dịch này đòi hỏi quản lý chặt chẽ và hiểu biết chuyên sâu.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại – Bộ Công Thương, chuyên gia về sàn giao dịch hàng hóa, thì việc sàn giao dịch hàng nông sản ở Việt Nam đứng ra cung cấp hợp đồng kỳ hạn trong bối cảnh các quy định pháp luật chưa có, giao dịch chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, yếu kém về tổ chức lẫn năng lực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Những quy định chung nhất về cơ sở pháp lý và thể lệ sàn giao dịch hàng hóa hiện nay đã có trong Nghị định 158/2006/NĐCP. Đến năm 2009, Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn việc cấp phép thành lập và chế độ báo cáo của Sở Giao dịch hàng hóa bằng Thông tư 03/2009/BCT. Sau đó, bộ cũng tiếp tục công bố danh mục sản phẩm được mua bán qua sàn giao dịch hàng hóa, gồm cao su, cà phê nhân, mủ cao su thiên nhiên và một số loại thép.
Thế nhưng điều cần nhất là quy định chi tiết về tổ chức để một sàn giao dịch hàng hóa hoạt động thì cho đến nay vẫn chưa được bộ hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Ông Nam cho biết, về bản chất giao dịch kỳ hạn nhằm giúp nông dân – nhà sản xuất, người kinh doanh biết được mức giá tương ứng với kỳ vọng hàng hóa trong tương lai nhằm định hướng, tính toán các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đặc biệt với nông sản thì giá giao dịch kỳ hạn sẽ giúp nông dân tính toán được nhu cầu và giá cả trong các vụ tiếp theo, tránh tình trạng được mùa mất giá như vẫn xảy ra.
“Tuy nhiên, tổ chức giao dịch kỳ hạn trong khi trình độ tổ chức và quản lý các sàn giao dịch hàng hóa ở nước ta đều còn khá non kém trong bối cảnh cơ sở pháp lý lẫn thể lệ hoạt động đều lỏng lẻo nên nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong giao dịch, hay tranh chấp xảy ra là khó tránh khỏi” ông nói thêm.
Trong khi đó, theo một giám đốc sàn giao dịch thì điều kiện để thành lập sàn giao dịch hàng hóa thực chất rất đơn giản, chủ yếu là cần số vốn đăng ký đạt 150 tỉ đồng và một số cơ sở vật chất cơ bản là đã có thể mở sàn. Theo ông này, loại giao dịch kỳ hạn này, với hàng hóa chủ yếu nằm trên giấy, được mở ra thực chất nhắm đến phục vụ cho tâm lý đầu cơ, kiếm lãi trong ngắn hạn của các nhà sản xuất và thương mại.
Một doanh nghiệp đang tham gia sàn giao dịch cà phê quốc tế thì đề cập đến một nguy cơ khác là các sàn trong nước tổ chức giao dịch kỳ hạn trong khi trình độ tổ chức còn non kém sẽ nhanh chóng làm “mồi” cho các thế lực kinh doanh nông sản lớn trên thế giới.