Lợi nhuận của hồ tiêu khoảng 2.000 USD/ha, trong khi sầu riêng hơn 40.000 USD. Điều này khiến tình trạng phá hồ tiêu trồng sầu riêng diễn ra nhiều, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung mặt hàng gia vị này.
Nhận định trên được bà Hoàng Thị Liên – chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) – đưa ra tại Hội nghị thường niên nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và cây gia vị năm 2023, diễn ra ngày 23-11.
Theo bà Liên, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, chiếm 11% thị phần toàn cầu năm 2022, trong đó đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, quế.
Tuy nhiên, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm, năm 2020 diện tích hơn 130.000ha, năm 2023 còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn.
Hiện lợi nhuận sầu riêng cao hơn 20 lần so với hồ tiêu. Do đó, dự báo hồ tiêu sẽ còn giảm diện tích do nông dân đang ồ ạt chặt bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng.
“Nếu tình trạng chặt phá diễn ra mạnh, khả năng các doanh nghiệp phải tăng nhập hàng từ Campuchia, Brazil… Việc tăng nhập sẽ khiến ngành hồ tiêu trong nước gặp bấp bênh, rủi ro do không chủ động được sản xuất, khó kiểm soát chất lượng, từ đó ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu“, bà Liên nhận định.
Thậm chí theo ông Hoàng Phước Bính – phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), dưới tác động yếu tố dịch bệnh, chuyển đổi sang cây trồng khác, đặc biệt là cây sầu riêng, diện tích hồ tiêu có thể đã giảm mạnh.
“Diện tích hồ tiêu Việt Nam có thể chỉ đang khoảng 60.000 – 70.000ha, bằng phân nửa so với số liệu công bố 2021. Với thực tế giá tiêu ở mức thấp kéo dài như hiện nay, diện tích sẽ còn giảm, kéo sản lượng giảm theo“, ông Bính lo ngại.
Để hạn chế tình trạng này, bà Liên cho biết hiệp hội đã làm việc với nhiều doanh nghiệp để liên kết với nông dân trồng tiêu theo hướng bền vững, sạch bệnh. Với xu hướng này, tiêu sẽ ít bị dịch và giá bán cũng cao hơn.
Theo NGUYỄN TRÍ (báo Tuổi Trẻ)