Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường cà phê nội địa chứng kiến chuỗi tăng kéo dài suốt cả nửa niên vụ. Nếu như đến tận ngày cuối niên vụ cũ (30-9-2023), giá cà phê robusta nguyên liệu trong nước chỉ quanh mức 65 triệu đồng/tấn thì đến ngày 15-4-2024 đã nhoẻn miệng cười với mức 110 triệu đồng. Giá cà phê vẫn tăng và thị trường phía trước bất ổn.
Không chỉ giá trên sàn kỳ hạn robusta mà từ đầu tháng 4-2024, trên sàn arabica, giá nhảy tưng bừng như những ngày hội không dứt, từ Tết tây, kéo sang Tết ta rồi không khéo xuyên qua ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Đoan Ngọ… Nếu như chỉ tính từ Tết Dương lịch đến trước khi hai sàn kỳ hạn cà phê mở cửa ngày 15-4-2024, hiệu suất kinh doanh trên sàn London đo được mức dương 42,98% và New York dương 18,33%. Giá robusta trong suốt cả thời kỳ ấy hết đi từ mức cao kỷ lục này đến kỷ lục khác.
[ Xem giá cà phê Robusta trên sàn kỳ hạn ]
Cũng cần ghi nhận rằng giá ca cao, một sàn hàng hóa nông sản nhiệt đới (soft commodity) cận thân với cà phê, cũng hưởng được phúc phần như thế. Đến giữa tháng 4 này, sàn kỳ hạn ca cao New York có lúc đạt mức cao kỷ lục 10.511 đô la/tấn. Giá kỳ hạn kim loại vàng cũng vậy, vượt biên chạy tít lên khỏi 2.400 đô la/ounce cho đến khi chỉ số giá trị đô la Mỹ DXY chạm quanh mức cao nhất tính từ đầu tháng 11-2023 là 106 điểm mới chịu giật lùi đôi chút.
Xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực
Niềm vui kéo dài tới mức khiến rất nhiều nhà kinh doanh xuất nhập khẩu vừa thích vừa lo. Lo vì giá đầu mua vào quá cao, vốn ở đâu cho xuể để thu gom hàng; lo vì nguyên liệu thu vào quá ít ỏi khiến nhà máy ngưng hoạt động và bà con lao động rảnh việc; lo nhất là hàng bán đi rồi nhưng không đủ lượng giao trong khi giá trong và ngoài nước cứ dâng cuồn cuộn như thác lũ chưa hề nguôi; một lô hàng vừa bán xong, không biết có mua lại được ngoài thị trường bằng giá mình đã bán không…
Đó là chưa kể những hiện tượng tiêu cực khác đang xuất hiện trên thị trường. Nhiều kẻ lợi dụng nói nào mất mùa nên nhà vườn không giao, họ khất hẹn giao hàng từ tháng này sang tháng khác gây nhiều khó khăn, gây thua lỗ cho bạn hàng, nhiều người tính đường giá cà phê còn lên nữa nên giữ hàng lại bịt dòng chảy hàng hóa. Đặc biệt phong trào kinh doanh cà phê trên mạng, mua bán hàng trên giấy đang hứng theo giá tăng, rủ nhau mua kiểu bầy đàn…
Nếu như có lúc nào đó giá kỳ hạn vỡ ổ với những đợt bán tháo triền miên đạp giá xuống như đã từng thấy nhiều lần trước đây, thì bấy giờ không chỉ người giữ hàng thực đã mua giá cao thua lỗ mà người ôm hàng giấy cũng nuốt hận, hệ quả là gây nên bao xáo trộn không những cho thị trường mà còn cho an sinh xã hội.
Thử lý giải một số lý do làm giá cà phê Robusta tăng mạnh
Thường tùy theo vị thế mua hay bán mà trên thị trường có nhiều cách giải thích làm sao hợp lý nhất cho mình.
Đối với các nước sản xuất, điệp khúc “mất mùa được giá” thì đã nằm lòng.
Nhưng thiết nghĩ cần mở rộng khái niệm “mất mùa”. Đôi khi nó cũng mang nghĩa là dù hàng hóa có thể đầy đủ nhưng vẫn hiếm xuất hiện trên thị trường, kho bãi trống trơn, lượng hàng hóa trao tay trên một vùng nào đó rất hạn chế về khối lượng…
Đối với năm nay, rất nhiều người trong ngành cho rằng sản lượng cà phê Việt Nam có thể giảm 20% nhưng không thể giải thích vì sao trong sáu tháng đầu niên vụ, Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn đạt tổng kim ngạch 3 tỉ đô la Mỹ, trong đó robusta chiếm 825.000 tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2023 về lượng, như tuyên bố của ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) trong Hội nghị Ban Chấp hành Vicofa mở rộng ngày 11-4-2024. Còn theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), năm tháng đầu niên vụ 2023-2024, cà phê robusta xuất khẩu trên toàn thế giới tăng 9,2% đạt 20,11 triệu bao (bao=60 ki lô gam) so với cùng kỳ 2022 là 18,41 triệu bao(1).
Chuỗi cung ứng cà phê thế giới đã từng chứng kiến đứt gãy từng đoạn: hết đại dịch Covid-19, đến trục trặc trên kênh đào huyết mạch Suez, rồi khủng hoảng địa chính trị Đông Âu và nhất là Trung Đông khi bom rơi đạn lạc trúng vào thương thuyền ngang qua Biển Đỏ, giá dầu thô tăng rồi cước tàu tăng… Người tham gia trên thị trường cà phê đều giúp nhau can qua khó khăn và nay phải nói rằng đã vượt được những thời điểm ngặt nghèo nhất. Không lẽ các tác động tiêu cực ấy ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cà phê tại Việt Nam trễ và dai dẳng vậy sao?
Rất nhiều nhà xuất nhập khẩu cà phê cho biết rằng chưa bao giờ có hiện tượng lạ như thế này: giá càng cao, cà phê ra thị trường càng hiếm.
Biết rằng tồn kho tại vùng tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam là châu Âu hiện đang giảm rất mạnh, nhu cầu cần kíp về nguyên liệu để nhà máy rang xay hoạt động buộc phải có hàng ngày để tránh thay công thức pha trộn. Thế cho nên một hãng rang xay lớn của Đức, đơn vị sử dụng tỷ lệ cà phê Việt Nam trong các mẻ rang của họ từ gần hai chục năm nay, nhiều lần gọi vài nhà xuất khẩu lớn của Việt Nam để hỏi liệu có cà phê để bán, bằng không họ phải tìm nguồn khác. Thế mà quá đáng tiếc, phía xuất khẩu đành trả lời nguồn hàng quá hiếm nên không thể ký hợp đồng mới được.
Thực ra, tin đồn mất mùa xuất phát từ hiện tượng khi nhiều nhà vườn Brazil tuyên bố không thể giao hàng cho những hợp đồng bán trước (forward contracts) do giá nhảy quá nhanh và quá cao trong niên vụ 2022-2023, nên nhiều doanh nghiệp chế biến nước ngoài đã cậy vào nguồn hàng Việt Nam nhiều hơn nên đã giúp giá nguyên liệu tại đây tăng mạnh dần từ những tháng đầu năm 2023.
Cũng từ bấy giờ, thị trường bắt đầu cảm nhận hiệu ứng “domino” từ Brazil chạy qua Việt Nam, giá nhảy tưng bừng khiến nhiều nhà xuất khẩu đã chốt hàng mua bán không kịp trở tay và… phải khất giao hàng, thậm chí bẻ kèo hợp đồng đã ký. Khủng hoảng trong chuỗi cung ứng cà phê trong nước kéo dài cho đến tận hôm nay.
Vậy là người mua cầu cứu “trật chỗ”, nên phải tìm nơi cấp cứu là sàn kỳ hạn cà phê London. Họ phải mua lại các hợp đồng kỳ hạn, với lượng đôi khi phải gấp 3, 4 lần để chống lỗ. Và như thế, giá cứ tăng mạnh trên sàn London đến nỗi nhiều người phớt lờ nguyên nhân sâu xa, cứ bảo thế giới mất mùa cà phê “trầm trọng” dù sản lượng cà phê robusta Brazil đã xấp xỉ Việt Nam.
Hiện tượng giá tăng mạnh trên thị trường nội địa xảy ra đúng lúc các nhà xuất khẩu trong nước thiếu vốn, ngân hàng thắt chặt tín dụng, lãi suất cao gặp thêm giá đầu vào tăng gấp đôi và nay gần gấp ba, thì cà phê hàng thực vắng bóng trong dòng chảy thị trường là điều không thể tránh khỏi. Tại Brazil, ngân hàng trung ương đã ra tay kịp thời bằng cách cung ứng tín dụng với trên 600 tỉ Reais (đồng nội tệ Brazil/BRL) để tăng vốn thu mua cho doanh nghiệp nhằm giữ uy tín và thương hiệu cà phê của họ.
[ Xem thêm: Câu chuyện đằng sau diễn biến tăng lạ thường của giá cà phê ]
Một số kịch bản cho thị trường nay mai
Kịch bản đẹp đã và đang xảy ra. Nay hãy thử nhìn vào một kịch bản tiêu cực nhưng không phải không thể xảy ra.
Giá tăng hay giảm, giới tham gia thị trường thường nhìn vào vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính và quản lý vốn. Tuy nhiên, từ cả năm nay, các quỹ này hầu như án binh bất động, lượng hợp đồng mua khống trên sàn kỳ hạn robusta luôn dao động trong vùng từ 40.000-45.000 hợp đồng (hợp đồng = 10 tấn). Đương nhiên họ đang chờ thời cơ thuận lợi để kiếm tiền bằng cách dụ mồi ngon vào cuộc. Do thấy thị trường cà phê đang ngon ăn, nhiều tay kinh doanh hàng giấy tại một số nước sản xuất đang rất hăm hở chực mua để kiếm lời ngay trong phiên hay “đầu tư” lâu dài. Điều này lại càng làm giá kỳ hạn mạnh thêm.
Nhưng biết đâu được rủi ro chực chờ ngay trước mắt. Giả sử như các quỹ đầu tư lớn quyết định thanh lý các hợp đồng mua khống, họ bán tháo mạnh đưa giá kỳ hạn về mức thấp. Bấy giờ mới thấy thị trường cà phê hoảng loạn: người mua hàng giấy giá cao thua lỗ, người giữ hàng thực chưa bán tìm cách ra hàng và bán với bất cứ giá nào đạp giá hàng thực xuống, trong khi các nhà xuất khẩu không có hợp đồng đầu ra không thể phù trợ do ít hợp đồng cung ứng mới… thì bấy giờ đã quá trễ vì thị phần xuất khẩu đã lọt vào tay nước cạnh tranh ít nhiều. Khi ấy thua lỗ nhất không chỉ mất tiền bạc lớn mà những ai cố giữ gìn thương hiệu cà phê Việt Nam mới bắt đầu thấm thía.
Bài đăng của anh Nguyễn Quang Bình (báo Kinh tế Sài Gòn)