Tình trạng khô hạn kéo dài tại tỉnh Gia Lai khiến nhiều diện tích cà phê bị cháy, nguy cơ chết cả vườn cây, thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế của người dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, tình hình hạn hán sẽ tác động đến môi trường như, hủy hoại các loài thực vật, làm giảm chất lượng không khí, nước, gia tăng nguy cơ cháy rừng, xói lở đất. Hạn hán tác động đến kinh tế – xã hội như, giảm năng suất cây trồng, diện tích gieo trồng, sản lượng, chủ yếu là sản lượng cây lương thực trên địa bàn.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 10/4/2024, toàn tỉnh Gia Lai ước tính thiệt hại trên 9 tỷ đồng do hạn hán, thiếu nước.
Nhiều vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai bắt đầu bị cháy, lá vàng khô. Nguồn nước tưới từ các giếng khoan, khe suối thời điểm này gần như cạn kiệt nên các hộ dân chỉ còn biết bất lực nhìn vườn cà phê của gia đình khô héo.
Anh Rơ Mah Glil (làng Kluh Yeh, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) cho biết, hiện khoảng hơn một nửa vườn cà phê của gia đình đã cháy khô. Nếu trong vài ngày tới không có nước tưới, cả vườn cà phê nguy cơ phải bỏ. Anh và bà con trong khu vực chỉ còn biết “cầu trời” mưa xuống nhanh để cứu cà phê.
Cách đó không xa, vườn cà phê của gia đình anh Joanh bị cháy khô hơn 600 cây. Để cứu vãn, anh Joanh thuê người khoan giếng với hy vọng có nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, sau mấy ngày khoan, nước vẫn không có, vườn cà phê thì nguy cơ mất trắng.
Tại xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, diện tích cà phê bị cháy khô đang xảy ra trên diện rộng. Theo báo cáo của UBND xã Ia Kriêng, trên địa bàn xã có hơn 14 ha cà phê bị cháy khô, với mức độ thiệt hại từ 30 – 50%, giá trị ước tính hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ cho biết, huyện là một trong những địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do khô hạn của tỉnh. Tính đến giữa tháng 4/2024, trên địa bàn huyện có gần 170 ha cây trồng, chủ yếu là cà phê bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Những diện tích cà phê bị cháy khô trên địa bàn phần lớn do người dân chủ quan không làm hồ chứa nước hoặc giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô hạn. Trong khi đó, những hộ dân mặc dù chủ động được nguồn nước tưới nhưng với tình hình hạn hán kéo dài như năm nay, nước đang cạn kiệt dần.
Theo ông Nguyễn Quốc Tư, giải pháp nguồn nước tưới lúc này là rất khó khăn do không có mạch nước ngầm để hỗ trợ người dân chống hạn. Cách duy nhất là chờ mưa và tổ chức kiểm kê diện tích cà phê bị thiệt hại để đề nghị hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Trước tình hình hạn hán, người dân Đức Cơ mong muốn tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư công trình thủy lợi và ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên cây cà phê giúp bà con chủ động nguồn nước tưới.
Theo Hồng Điệp (TTXVN)
Giá cà phê cao một chút thì hạn hán thiếu nước, người dân trồng cây nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thời tiết như vậy thiệt hại quá lớn làm người nông dân nghèo cuộc sống rất khó khăn
Nguyên nhân:
– Chặt phá rừng nhiều khiến mặt xói lở, bạc màu…
– Trong việc cải tạo đất, chăm sóc cây không quan tâm nhiều đến việc giữ bảo vệ hệ sinh vật có lợi trong đất…
– Biến đổi khí hậu toàn cầu do công nghiệp phát triển không đi liền với bảo vệ môi trường…
Lỗi là do số đông của toàn cầu con người trên toàn thế giới và lỗi nhận thức kém người dân.
Cuối tháng 5 đầu tháng 6 …. Mới có mưa…. Lo nước tưới 2 đợt nữa là ok