Đến tháng 3/2008, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột có thể sẽ trực tiếp đặt lệnh giao dịch với sàn Chicago
Năm 2007, cà phê Việt Nam lại có một năm bội thu cả về sản lượng lẫn giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao, khoảng 1.430 USD/tấn so với mức 1.066 USD/tấn năm 2005.
Đến nay, chúng ta đã xuất khẩu được khoảng 900.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, ước cả năm là 1,5 tỷ USD.
Vị thế ngày càng vững chắc của cây cà phê Việt Nam là một trong những cơ sở quan trọng để Hiệp hội Cà phê Ca cao (Vicofa) triển khai ý tưởng đưa cà phê Việt Nam lên sàn giao dịch quốc tế. Đó cũng là nội dung buổi làm việc giữa Chủ tịch Vicofa Văn Thành Huy và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương ngày 22/8 vừa qua.
Ngay từ tháng 11/2004, Vicofa đã tiến hành xây dựng Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (Buon Ma Thuot Coffee Exchange Center), với kỳ vọng đây sẽ là nơi đấu giá tập trung, công khai của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cà phê.
Cuối năm 2006, phần cơ sở hạ tầng của Trung tâm cơ bản xong, giao dịch cũng đã được tiến hành, phần lớn mang tính chất địa phương, trong vùng (Đăk Lăk là thủ phủ cà phê cả nước) và phạm vi trong nước.
Hình thức mua bán cà phê qua sàn giao dịch theo các loại hợp đồng lựa chọn, kỳ hạn, tương lai, chốt giá sau… bước đầu đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê Việt Nam có những công cụ bảo hiểm rủi ro về giá hữu hiệu tránh khỏi tình trạng cà phê được mùa lại rớt giá.
Tuy nhiên, trong khi ở một số nước sản xuất cà phê lớn, như Brazil, sàn giao dịch cà phê được đại đa số nông dân trồng cà phê khai thác như phương thức bảo hiểm giá bán, thì ở Việt Nam hoạt động mua bán cà phê qua sàn giao dịch còn quá xa lạ với người trồng cà phê.
Vì vậy, đề án phát triển sàn giao dịch cà phê chính là một trong những bước nhằm nâng cao giá trị cà phê Việt Nam không chỉ về chất lượng mà còn tránh bị đối tác nước ngoài ép giá, hay thua thiệt do không nắm bắt được thông tin.
Mới đây nhất, Chính phủ đã chấp thuận để các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và Vicofa xúc tiến triển khai xây dựng Đề án hợp tác và chủ động làm việc với Sàn Giao dịch Hàng hoá Chicago về khả năng đưa sản phẩm cà phê Việt Nam giao dịch tại CME và phát triển sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam, trên cơ sở đó tiến tới mở rộng khả năng hợp tác ra các hàng hoá nông sản khác.
Theo đó, CME sẽ giúp Vicofa đào tạo nhân viên vận hành và hoạt động trong các sàn giao dịch, thực hành ngay tại Chicago, sau đó, tiếp tục cử chuyên gia sang hướng dẫn tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc xây dựng phần mềm giao dịch cho sàn cà phê Buôn Mê Thuột cũng sẽ được triển khai song song để thay thế cho phương thức đặt lệnh thủ công trên sàn hiện nay.
Nếu công việc hợp tác với Sàn Giao dịch Chicago thuận lợi, đến tháng 3/2008, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ trực tiếp đặt lệnh giao dịch với sàn Chicago, không phải thông qua bất kỳ khâu trung gian nào.
Hiện việc này vẫn phải qua trung gian, như Techcombank (Ngân hàng Kỹ thương), BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển), ATB (Công ty Cổ phần Môi giới Thương mại Châu Á của Vietcombank) và giá cà phê cũng bị đội giá do phải chi trả thêm phí môi giới.
Việc xuất hiện thường xuyên trên CME sẽ giúp các doanh nghiệp cà phê Việt Nam có thêm cơ hội tìm kiếm những đối tác làm ăn mới nhằm giữ giá cho cà phê Việt, đồng thời tiếp cận với những nhu cầu đa dạng khác nhau về sản phẩm cà phê để đưa ra những chiến lược bán hàng, chủng loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Không chỉ có vậy, việc đưa vào vận hành thành công sàn giao dịch cà phê ở Việt Nam và tại CME sẽ mở ra triển vọng cho những loại hàng nông sản khác của nước ta thoát khỏi cảnh “được mùa, mất giá” như hiện nay.
Hiện, một số dự án sàn giao dịch nông sản đang ở giai đoạn phôi thai như sàn giao dịch chè, sàn giao dịch gỗ nguyên liệu hay ý tưởng về sàn giao dịch thức ăn chăn nuôi. Điều này xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp sản xuất quy mô hàng hóa.
Tuy nhiên, thực tế, ý tưởng về những sàn giao dịch mới chỉ dừng lại ở mô hình chợ đầu mối, nơi các doanh nghiệp đấu giá, mua bán trực tiếp, được chọn lựa chủng loại hàng hóa một cách thoải mái hơn.
Song tại hầu hết những chợ đầu mối này, khả năng cung cấp các biện pháp bảo hiểm rủi ro về giá cho doanh nghiệp thông qua các hình thức hợp đồng giao dịch kỳ hạn lại rất hạn chế.
Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam chỉ có Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) có thể được xem như một sàn giao dịch nông sản giao sau, với mặt hàng giao dịch duy nhất là cà phê. Ngoài việc đấu giá giao ngay, BCEC còn cung cấp những công cụ hạn chế rủi ro (hedging).
Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng, hạn chế lớn nhất trong việc hình thành một sàn giao dịch nông sản giao sau tại Việt Nam là do đặc trưng của sản xuất nông sản Việt Nam là tính thời vụ, dựa nhiều vào thiên nhiên, diện tích cây trồng nhỏ lẻ, manh mún.
Vì vậy, sàn giao dịch thật sự thiếu những mặt hàng đạt chuẩn về chất lượng và quy mô để đáp ứng yêu cầu giao dịch. Mặc dù hình thức hợp đồng bảo hiểm rủi ro không mới nhưng việc phổ biến cho các đối tượng tham gia sàn giao dịch nông sản hiểu về các công cụ hạn chế rủi ro không phải là việc dễ dàng.
Bên cạnh đó, Luật Thương mại đã cho phép mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn nhưng nhìn chung, sàn giao dịch nông sản giao sau còn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện và thiếu cả sự quan tâm đúng mức của các địa phương, bộ, ngành.
Do vậy, để khai thác có hiệu quả sàn giao dịch cà phê trước mắt và các loại nông sản khác trong tương lai, Nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách quản lý đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản tiếp cận sàn giao dịch, như mở những lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về thị trường, hỗ trợ cho vay vốn để nộp tiền ký quỹ; tạo điều kiện cho họ sử dụng sàn giao dịch cà phê như một công cụ bảo hiểm giá, phòng ngừa rủi ro khi giá nông sản biến động.
Theo VnEconomy