Vụ sầu riêng 2024: Nhiều áp lực trước tăng trưởng “nóng”

Sau hơn một năm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nông dân rất phấn khởi khi vụ mùa 2023 được mùa, được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trước “sức nóng” của loại trái cây “vua” đã kéo theo nhiều hệ lụy, dẫn đến nguy cơ ngành hàng sầu riêng khó phát triển bền vững.

Tăng “nóng” về diện tích

Trong những năm gần đây, trái sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá luôn ở mức cao, người trồng có lãi lớn khiến sầu riêng trở thành cây trồng có diện tích tăng trưởng nhanh nhất.

Hiện toàn tỉnh có 32.785 ha sầu riêng (chiếm hơn 50% diện tích cây ăn quả); sản lượng ước đạt 281.350 tấn; tăng hơn 10.326 ha về diện tích và tăng 93.364 tấn về sản lượng so với năm 2022. Diện tích sầu riêng Đắk Lắk đang dẫn đầu cả nước và sản lượng chỉ đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Lợi nhuận thu về của vụ sầu riêng năm 2023 bình quân khoảng 700 triệu đồng/ha.

Sầu riêng xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc năm 2023 khoảng 40.000 – 45.000 tấn, giá trị khoảng 150 – 160 triệu USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh thì giá trị xuất khẩu sầu riêng của Đắk Lắk trên thực tế lớn hơn nhiều do đa số mã vùng trồng của tỉnh hiện nay đang ký kết với doanh nghiệp (DN) ngoài tỉnh.

thu hoach sau rieng o dak lak
Niềm vui được mùa, được giá sầu riêng của nông dân trong niên vụ 2023.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch, với giá trị tăng cao so với trước đây, đó là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng sầu riêng. Tuy nhiên, diện tích sầu riêng tăng ồ ạt như hiện nay không theo định hướng, khuyến cáo của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn đang dẫn đến một số khó khăn nhất định cho ngành hàng như: cung vượt quá cầu, dư thừa sản lượng, một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới… sẽ gây thiệt hại về năng suất và chất lượng sầu riêng của tỉnh, đồng thời có thể phá vỡ quy hoạch của một số cây trồng khác.

Việc phát triển ngành hàng sầu riêng phải theo quy hoạch, không ồ ạt, tự phát hoặc chuyển đổi các loại cây trồng khác có giá trị sang trồng mới sầu riêng; tăng cường áp dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, cần tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng như: hương vị, màu sắc, độ ngọt, độ béo và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn

Còn nhiều rào cản về chất lượng

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trên thực tế, quy mô sản xuất sầu riêng của Đắk Lắk còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn, trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu và yếu về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu.

Trong khi đó, việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững; việc quản lý, sử dụng mã số còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia chuỗi liên kết; chưa nhận thức đúng đắn giá trị, tầm quan trọng đối với mã số được cấp…

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, mã đóng gói thiếu sự duy trì chất lượng, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Thực tế thời gian qua, một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã nhận cảnh báo của nước nhập khẩu, dẫn đến phải tạm dừng sử dụng mã số đối với các đơn vị có lô hàng nhiễm rệp sáp (đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc). Đó là chưa kể đến tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng; tranh mua, tranh bán; tình trạng chốt giá sớm, nông dân sẵn sàng “bẻ cọc” hợp đồng.

Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng; chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm; công tác ứng dụng công nghệ thông tin chưa được thông suốt quá trình từ sản xuất, đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu… dẫn đến khó phát triển ngành hàng bền vững.

Doanh nghiệp thu mua, phân loại xuất khẩu sầu riêng ở huyện Krông Pắc. Ảnh: Nguyễn Gia
Doanh nghiệp thu mua, phân loại xuất khẩu sầu riêng ở huyện Krông Pắc. Ảnh: Nguyễn Gia

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, để khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán trong vụ mùa trước tái diễn, phải có sự nỗ lực và thay đổi nhận thức từ chính quyền, người sản xuất và DN.

“Thời gian qua, giá sầu riêng đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây và người trồng sầu riêng đã có lãi cao. Tuy nhiên, việc người nông dân cứ “đòi hỏi” phải bán được với giá cao nhất có thể mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm đã gây khó khăn cho các DN thu mua xuất khẩu. Do đó, người sản xuất cần phải thay đổi tư duy mua – bán để hài hòa lợi ích giữa các bên, cái quan trọng nhất là phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để bán được với giá tương xứng và giữ uy tín trong chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, DN cần công khai, minh bạch thông tin, đồng hành với nông dân với quan điểm “lãi cùng chia, rủi ro cùng chịu”. Mong rằng, trong niên vụ 2024, tư duy “đi cùng nhau” sẽ được phát huy, tạo sự phát triển bền vững cho ngành hàng”, ông Dương nói.

Theo ông Hồ Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), để sầu riêng không đi vào “vết xe đổ” của các nông sản khác thì đòi hỏi một chiến lược phát triển ngành hàng sầu riêng dài hạn, cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm đưa ngành sầu riêng phát triển bền vững.

Trong đó, cần tập trung xây dựng hệ thống văn bản pháp luật (thông tư, nghị định) quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và quy định về xử lý vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích DN đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn; hoàn thiện hệ thống quản lý…

Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các quy định liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ quản lý, người sản xuất và các DN xuất khẩu, đặc biệt là ý thức về lợi ích của việc tuân thủ quy định và xây dựng uy tín cho ngành hàng.

>> Việt Nam đang thả nổi, thiếu tiêu chuẩn về chất lượng trước khi xuất khẩu sầu riêng?

Theo Minh Thuận (báo Đắk Lắk)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng