Giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đã cán mốc 100.000 đồng/ký hôm 28-3. Trong khi nhiều nông dân tiếc nuối vì không còn hàng để bán. Các doanh nghiệp nội địa chuyên chế biến, xuất khẩu than không kịp trở tay vì chưa kịp trữ nguồn cung nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải mua hàng vào khi giá đang trên đỉnh để thực hiện các hợp đồng đã ký từ trước.
“Trở tay không kịp” là cụm từ được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cà phê nội địa nói tới khi đề cập đến sự biến động tăng giá cà phê những ngày qua.
Bài đăng trên báo Kinh tế Sài Gòn, click vào đây để xem bài viết gốc.
Giá cà phê lập đỉnh mới, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại
Ba tháng đầu năm 2024 được xem là thời kỳ vàng son của cà phê robusta trong nước khi giá tăng liên tục và đạt mức kỷ lục mới trong 30 năm qua. Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đạt mức cao nhất trong 30 năm vào ngày 27-3, tăng 30% so với đầu năm 2024 và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê robusta nhân xô ở khu vực Tây Nguyên cũng được xác nhận đã lập đỉnh mới hôm 28-3, theo báo Lâm Đồng Online, với mức 100.000 đồng/ký, là mức giá cao nhất từng ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Nhìn lại thị trường, có thể thấy cơn sốt giá cà phê bắt đầu “nóng” từ cuối năm ngoái. Cụ thể, vào tháng 11-2023, giá cà phê lúc đó chỉ dao động ở mức 59.000-60.000 đồng/ký nhưng chỉ một tháng sau, giá mặt hàng này tăng vọt lên 69.000 đồng/ký, đến đầu năm nay vượt 80.000 đồng/ký. Đà tăng giá của cà phê vẫn chưa dừng lại khi sang tháng 3 với mức 86.000 đồng/ký, tăng trên 30% so với cuối năm ngoái. Tiếp đến, trong 20 ngày sau đó, loại nông sản này đắt thêm gần 10%, lên 95.000 đồng/ký. Mức giá đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ sau năm tháng, giá cà phê đã tăng hơn 61%, đây là mức tăng kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay.
“Giá lên cao và nhanh quá, không ai trở tay kịp. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cao nhưng lượng bán nhỏ giọt”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, nói.
Xem thêm: Qua thời cà phê nhân giá rẻ
Thế khó của người trồng lẫn người bán hàng
Khi giá cà phê tăng phi mã cũng là lúc nhiều đơn vị chế biến và xuất khẩu cà phê lâm vào thế khó do không kịp trữ nguyên liệu cho các đơn hàng sắp đến hạn giao. Nay buộc phải mua nguyên liệu với giá cao để bảo đảm tiến độ giao hàng, dù lỗ.
Chia sẻ với KTSG, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More, cho biết chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó “trở tay” như năm nay. Hàng năm, giá cà phê không biến động “sốc” nên việc thu mua nguyên liệu để chế biến khá dễ dàng. Tuy nhiên, năm nay, các doanh nghiệp không thể mua dự trữ do giá leo thang. Trường hợp nhập được, họ chỉ dám mua số lượng “nhỏ giọt” để chế biến và giao cho các khách hàng đã ký kết.
“Trước đó, công ty đã ký đơn hàng với các khách hàng ở Mỹ, Hàn Quốc… phải giao hàng trong quý đầu năm nay nhưng hiện tại gần như không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao gấp 3-4 lần so với giá trước đó. Do đó, khi càng xuất nhiều, doanh nghiệp càng lỗ nhiều và thậm chí, không dám ký đơn hàng mới vì rất khó để đàm phán theo giá tăng”, ông Luận nói.
Tình cảnh trên cũng đang diễn ra ở các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, người trồng thấy giá cao nên trữ hàng không bán. Điều này càng làm cho thị trường khan hiếm, đẩy giá tăng cao hơn. Doanh nghiệp phải chịu lỗ nặng khi mua cao, bán thấp.
“Các công ty mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký lỗ chưa từng có. Giá lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn mà hợp đồng cà phê thì hàng trăm đến hàng nghìn tấn. Số tiền lỗ khó tưởng tượng”, ông Thông chia sẻ.
Tuy vậy, theo sự ghi nhận của báo Lâm Đồng Online(*), phần lớn người trồng đã bán hết cà phê sau thu hoạch ở thời điểm cuối vụ kết thúc vào tháng 1-2024 và hiện không còn cà phê để bán. Như lời ông Trần Văn Xuất, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Ban (huyện Lâm Hà) đến cuối vụ 2023 khoảng 70% số người trồng cà phê đã bán cà phê ở mức giá 65.000 – 70.000 đồng/ký, khoảng hơn 10% bán được với giá trên 70.000 đồng. Số lượng người dân dự đoán, quyết định tích trữ cà phê tới giờ còn lại rất ít.
Còn bà Nguyễn Hải Hà (huyện Bảo Lâm) cũng cho biết, gia đình bà là số ít gia đình trong xã chủ động trữ hàng và vừa qua bán được 3 tấn cà phê nhân với giá 80.000 đồng/ký. Mức giá này đã rất cao so với mọi năm và bản thân bà và nhiều người trồng đều hết sức bất ngờ với mức giá 100.000 đồng/ký vừa rồi và dù tiếc, nhưng bà Hà không còn cà phê để bán.
Theo các bộ ngành liên quan của Lâm Đồng, tới thời điểm này, cà phê trong người dân gần như không còn. Thường thì sau đầu vụ thu hoạch khoảng 2-3 tháng, tức khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm người dân đã bán hết cà phê. Hiện nay, không chỉ có người dân không còn cà phê để bán, các doanh nghiệp thu mua cũng đã cạn nguồn hàng để xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu…
Cơn sốt giá sẽ sớm dừng?
“Người ta nói giá có lúc lên lúc xuống, mà lên càng nhanh thì xuống càng nhanh nhưng có lẽ giá cà phê kỳ này đứng cao cũng còn lâu”, ông Phan Minh Thông bình luận.
Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, khi Ấn Độ, Brazil vào mùa vụ, thị trường sẽ điều chỉnh lại giá ở mức phù hợp, khi đó giá cà phê ở Việt Nam không thể tiếp tục giữ ở mức cao.
Ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết một số nhà chế biến cà phê đã chuyển sang nhập cà phê nguyên liệu ở Brazil và Ấn Độ, bởi giá cà phê các nước này thấp hơn ở Việt Nam. Như vậy, cả người trồng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi khi thị trường ổn định trở lại. Tương tự, ông Phan Minh Thông cũng cho rằng khi giá cà phê robusta ở Việt Nam lên đến hơn 4.100-4.200 đô la Mỹ/tấn thì giá cà phê của Brazil chỉ ở mức 3.400-3.500 đô la/tấn.
“Dù phần lớn người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê robusta của Việt Nam hơn cà phê robusta conilon của Brazil nhưng với tình hình giá cao mua khó như thế này, các nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần qua Brazil”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh nói.
Điều này cũng được Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cảnh báo. Theo Phó chủ tịch Đỗ Hà Nam, khi khách hàng các nước đã quen với hương vị cà phê robusta của Việt Nam thì việc thay thế sang nguồn hàng khác không phải dễ. Tuy nhiên, nếu giá cà phê duy trì mức cao trong thời gian dài, khách hàng buộc phải thay thế nguồn cung từ Brazil hay Indonesia.
“Khi mùi vị của khách hàng điều chỉnh, lúc đó, hàng của Việt Nam sẽ không còn quan trọng và chắc chắn ảnh hưởng đến cả ngành cà phê”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ với KTSG.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhấn mạnh giá cao có lợi cho người trồng nhưng khi cao quá so với sức mua thì lại gây bất lợi cho cà phê Việt Nam. Đồng thời dự báo ít nhất từ đây đến tháng 5, giá cà phê vẫn chưa hạ xuống do lượng hàng từ Brazil và Indonesia chưa thể bù đắp.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, các hiệp hội cà phê, doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để có giải pháp, ngăn chặn tình trạng đẩy giá cà phê tăng quá cao.
“Chúng ta phải ngồi lại để có giải pháp cho người nông dân và doanh nghiệp đều có lợi, khống chế việc đầu cơ của các doanh nghiệp FDI. Điều quan trọng nhất là phải điều tiết giá cà phê trong nước. Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua mạnh ai nấy gom hàng đẩy giá cà phê tăng cao nên không thể để giá cà phê tăng đột biến và không thể kiểm soát”, ông Luận nêu ý kiến.
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn (link bài viết gốc)
Thế sao lúc giá xuống còn 32k/kg thì k thấy nói gì 🤔🤔
Theo ông Luận các doanh nghiệp và cơ quan phải ngồi lại với nhau kiểm soát???, ủa kinh tế thị trường , tự do mua bán , có lực thì sống khoẻ , không có lực thì đào thải, giá cà phê mới lên có một năm , nông dân chưa hưởng lợi nhiều ? Lại muốn kiểm soát ??? Tất cả các năm về trước , làm cà phê nông dân chỉ hoà vốn hoặc lãi chút đỉnh , dưới mức thu nhập bình quân đầu người ? Thì ai họp lại mà kiểm soát giúp dân không ? Này tăng xí bày đặt này kia ,???
Bao nhiêu năm nay, người nông dân trồng cà phê không có lời, hạ giá vô tội vạ, có lẽ do quy luật cung cầu chi phối, vậy thì hàng khan hiếm giá cao là quy luật phải chấp nhận thôi !!!
Giá lên cao nhưng người dân chẳng còn hạt cà nào để bán. Năm nay nắng hạn khốc liệt cà phê cháy trái non quá nhiều, sang năm người dân lại buồn vì mất mùa.
Vậy lúc giá xuống thảm hại sao k thấy ai ngồi lại để có giải pháp cho người nông dân? Giá mới lên chưa được 1 năm, ng nông dân chưa đc hưởng lợi đã lo kiểm soát