Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân nhiều nhất từ 10/2023 đến nay

Ở mảng cà phê chế biến, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần áp đảo, còn mảng cà phê nguyên liệu thì doanh nghiệp Việt đang dẫn đầu.

Theo Hiệp hội Cà Phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 394.167 tấn cà phê, mang về giá trị khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ cà phê (tính từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.

Trong đó, cà phê nhân Robusta đóng góp giá trị nhiều nhất với gần 1,84 tỷ USD, cà phê nhân Arabica đạt kim ngạch hơn 56,62 triệu USD, cà phê nhân đã khử caffeine kim ngạch gần 3,2 triệu USD. Cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) có giá trị xuất khẩu hơn 401 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xét về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu) thì Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với 81.025 tấn. Đây là doanh nghiệp do ông Thái Như Hiệp sáng lập với thương hiệu L’amant Café, ông Hiệp hiện là Phó Chủ tịch Vicofa.

Tiếp theo là: Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh, NKG Việt Nam, Olam Việt Nam và Hoa Trang – Gia Lai. Bảng xếp hạng này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn ở mảng xuất khẩu cà phê nhân sống.

10 doanh nghiep xuat khau ca phe hang dau viet nam
10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống nhiều nhất từ tháng 10/2023 đến nay

Ở niên vụ 2022/2023, theo thống kê, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê nhân sống chiếm thị phần khoảng 33,1% về giá trị và 71,7% về giá trị cà phê chế biến (rang xay và hòa tan).

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Vicofa, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp. Chúng ta đang thiếu liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng.

Nhận định về cà phê Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Lê Minh Hoan từng chia sẻ tại hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” tổ chức ngày 4/3/2023 rằng người Việt Nam thường chê cà phê ở châu Âu chua chua, nhạt nhạt trong khi mấy trăm năm nay họ vẫn uống như vậy; cũng như người dân nông thôn Việt Nam chê cà phê nguyên chất nhạt. Đây là câu chuyện chúng ta cần thảo luận.

“Có khi chúng ta đang ngồi nhà nghĩ cà phê của mình ngon nhất nhì thế giới, trong khi thế giới không uống cà phê của chúng ta. Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? Đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm… Thế giới chuộng dòng Arabica nhưng Việt Nam lại lại mạnh về cà phê Robusta.”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo số liệu từ Vicofa, Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, NESTLÉ Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với khoảng 57,5 triệu USD.

Tiếp theo là các thương hiệu: OUTSPAN Việt Nam, Cà phê Ngon, Tập đoàn Trung Nguyên, IGUACU Việt Nam, URC Việt Nam, TATA COFFEE Việt Nam, INSTANTA Việt Nam, SUCAFINA Việt Nam và Lựa chọn đỉnh. Như vậy, trong danh sách này chỉ có một thương hiệu Việt là Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo Doanhnhanvn.vn (Link bài viết gốc)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng