Những cảnh báo về diện tích trồng sầu riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây làm tôi suy ngẫm rất nhiều về cách mà người ta ra quyết định, đặc biệt là quyết định lựa chọn phương án đầu tư trồng cây ăn trái nói chung.
Dẫu biết rằng “vua trái cây” đang là loại sản phẩm có giá cao và mang lại mức sinh lời ấn tượng đối với nhà vườn, tôi vẫn tin rằng khi cân nhắc trồng bất kỳ loại cây ăn trái nào đang trong xu thế tăng giá nóng, nhà vườn cũng cần phải tìm hiểu một cách kỹ càng các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đi kèm. Dưới góc nhìn kinh tế học, bài viết này sẽ phân tích một số rủi ro mà nhà vườn có thể gặp phải nếu dồn nguồn lực tài chính của mình cho những loại cây đang trên đỉnh “hot trend”, đặc biệt là rủi ro do sự dịch chuyển của nguồn cung trong dài hạn.
Hãy bắt đầu từ dòng tiền
Xét về mặt tài chính, có nhiều tiêu chí để đánh giá hiệu quả của một hoạt động đầu tư. Các tiêu chí thường được sử dụng bao gồm: giá trị hiện tại ròng (net present value), tỷ suất sinh lời nội bộ (internal rate of return) và thời gian hoàn vốn (payback period). Nhưng dù sử dụng tiêu chí nào đi chăng nữa thì dòng tiền chi ra và dòng tiền thu vào vẫn là những thành phần cốt yếu, quyết định một dự án có thành công về mặt tài chính hay không.
Đối với các dự án làm vườn, dòng tiền chi ra có thể là: tiền thuê đất, xây dựng hàng rào và lắp đặt hệ thống tưới tiêu; tiền mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tiền thuê lao động; tiền chi cho việc học tập kỹ thuật canh tác… Điểm đáng lưu tâm là, khi một loại cây trồng đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng, khoản tiền bỏ ra để đầu tư ban đầu có thể sẽ gia tăng khá nhiều so với điều kiện bình thường do nhiều người có nhu cầu đầu tư cùng lúc, dẫn đến giá của các yếu tố đầu vào gia tăng. Hiện tượng giá cà phê tăng kéo theo nhu cầu cây giống tăng và hệ quả là giá cây giống cà phê tăng mạnh gần đây có lẽ là một minh họa sinh động cho vấn đề này (nguồn).
Về phía dòng tiền thu vào, biến số này hầu như phụ thuộc vào sản lượng thu hoạch và giá bán sản phẩm. Trong khi sản lượng chịu ảnh hưởng của điều kiện và kỹ thuật canh tác, giá bán lại được quyết định bởi tương quan giữa lực cung và lực cầu trên thị trường.
Vấn đề nằm ở chỗ, khi giá một loại cây ăn trái đang có xu thế tăng mạnh, nhiều người có khuynh hướng kỳ vọng rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng và nếu bắt đầu trồng, sản phẩm của mình đến khi thu hoạch vẫn sẽ bán được giá cao trên thị trường. Tuy nhiên, cách suy luận này có thể mang lại rủi ro tiềm ẩn cho hoạt động đầu tư của nhà vườn do tương quan cung cầu trong ngắn hạn và tương quan cung cầu trong dài hạn có thể sẽ khác biệt nhau rất nhiều.
Tương quan cung cầu không bất biến
Xét trong ngắn hạn, cung các sản phẩm trái cây nói chung thường có xu hướng kém co giãn theo giá. Nói một cách khác, dù giá diễn biến theo chiều hướng tăng hay giảm thì người trồng cũng khó lòng điều chỉnh sản lượng cung ứng ngay lập tức để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Trong trường hợp đường cung kém co giãn như thế này, sự gia tăng của nhu cầu có thể tạo ra sự tăng giá mạnh hơn so với trường hợp đường cung co giãn nhiều theo giá.
Bây giờ hãy tưởng tượng thông tin giá tăng ở hiện tại khiến nhiều nhà vườn mở rộng diện tích trồng, vấn đề sẽ như thế nào trong dài hạn? Giả sử một loại trái cây có thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch là năm năm. Nếu hôm nay giá loại trái cây này đang có xu hướng tăng nóng và bạn quyết định bắt đầu trồng nó. Sau năm năm, không có gì đảm bảo bạn sẽ bán được sản phẩm của mình ở mức giá cao như là mức giá trong hiện tại do nguồn cung và nhu cầu của thị trường lúc đó có thể sẽ thay đổi đáng kể so với ngày hôm nay.
Nói như vậy để thấy, giá một loại trái cây liên tục gia tăng ở một giai đoạn nào đó trong ngắn hạn không phải là dấu hiệu cho thấy rằng, đầu tư trồng loại trái cây này sẽ chắc chắn mang lại hiệu quả tài chính trong tương lai. Điều này bởi lẽ dòng tiền thu về trong tương lai chịu ảnh hưởng của giá bán. Và đến lượt mình, giá bán ở thời điểm tương lai lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan đến cung và cầu của sản phẩm như: diện tích trồng; sự thuận lợi của thời tiết, khí hậu; nhu cầu tiêu thụ trong nước và nhu cầu xuất khẩu,…
Cạm bẫy tâm lý
Trong đầu tư nói chung, rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng thường có xu hướng song hành. Đầu tư nông nghiệp cũng không là ngoại lệ. Những phân tích ở trên cho thấy “bắt trend” trồng các loại cây ăn trái khi giá đang tăng nóng sẽ khá rủi ro cho người trồng do chi phí đầu tư ban đầu có xu hướng tăng, trong khi cung và cầu thị trường ở thời điểm thu hoạch là rất khó dự báo. Mặc dù vậy, vẫn có trường hợp một số người làm vườn đầu tư theo cách này với tâm lý chọn các loại cây “thời thượng” sẽ dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào các loại cây trồng thông thường.
Một yếu tố tâm lý khác cũng dễ khiến người ta rơi vào cạm bẫy trồng các loại cây ăn trái đang sốt giá, đó là tâm lý đám đông. Đây là chủ đề nghiên cứu khá nổi tiếng của trường phái kinh tế học hành vi (behavioral economics) và trong nông nghiệp, biểu hiện rất dễ bắt gặp của tâm lý đám đông là khi lựa chọn cây trồng cho khu vườn của mình, người ta thường tham khảo thông tin về loại cây từ những mô hình làm vườn đã thành công trước đó. Khuynh hướng tâm lý này khi lan rộng sẽ có nguy cơ tạo ra sự gia tăng quá mức về nguồn cung, dẫn đến hiện tượng đảo ngược xu thế giá tăng thành xu thế giá giảm như người nông dân đã nhiều lần gặp phải trong thời gian qua.
[ Vỡ mộng với trái cây “vua” ]
Một vài khuyến nghị
Nói chung, gần như mọi hoạt động đầu tư đều tiềm ẩn rủi ro của riêng nó. Để có thể đưa ra quyết định một cách bài bản và hạn chế phần nào tác động bất lợi của rủi ro, thiết nghĩ trước tiên các nhà vườn đừng chỉ lựa chọn loại cây trồng theo phong trào “trồng, chặt” mà hãy thẩm định kỹ lưỡng phương án đầu tư của mình; đồng thời lưu tâm nhiều hơn đến khuyến cáo của các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong trường hợp đã quyết định đầu tư, nhà vườn nhất thiết phải có phương án dự phòng để ứng phó với những rủi ro tài chính có thể xảy ra. Hai dạng rủi ro điển hình trong tình huống này là rủi ro do chi phí cố định (fixed cost) và rủi ro do sử dụng đòn bẩy tài chính (financial leverage). Các khoản đầu tư ban đầu như: làm đất, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, cây giống… thường ở dạng chi phí cố định. Dù sản lượng khi thu hoạch ít hay nhiều, giá bán có là bao nhiêu thì các loại chi phí đã bỏ ra lúc đầu cũng không thể thay đổi.
Khái niệm đòn bẩy tài chính ám chỉ việc tài trợ cho hoạt động đầu tư bằng nợ vay. Thông thường, chi phí lãi vay sẽ được cố định ngay tại thời điểm giao kết hợp đồng vay. Do vậy, nếu sử dụng vốn vay, nhà vườn cần lựa chọn tỷ lệ vốn vay ở mức độ hợp lý vì nếu sản lượng và giá bán quá thấp, khả năng nguồn thu không đủ để hoàn trả các khoản nợ vẫn có thể xảy ra.
Đa dạng hóa rủi ro cũng là một chiến lược mà các nhà đầu tư nông nghiệp có thể xem xét. Thay vì tập trung phần lớn nguồn lực tài chính của mình vào cuộc chơi của những cây trồng tăng giá nóng nhưng nhiều rủi ro, người trồng có thể phân bổ một phần vốn đầu tư của mình vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác ít rủi ro hơn để tạo nên một danh mục đầu tư đa thành phần có khả năng phân tán rủi ro.
Xem thêm:
Chỉ là phân tích dự báo thôi không có gì chắc chắn cả nhưng ai mới bắt đầu trồng
Sầu riêng nên tìm hiểu kỹ phân bón thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng giá nhưng hiệu quả kém
Sau 5 năm mới có thu hoạch vì vậy số tiền đầu tư không nhỏ chút nào chưa nói đến hầu như luôn tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật còn giá cả lúc thu hoạch không biết trước được
Nói kiểu này thì tốt nhất bán vườn đi công ty. Vấn đề của Việt Nam không phải là trồng cái gì mà là trồng sao cho chất lượng quốc tế để bán toàn cầu. Cả 9 tỷ người mà toàn lo không có người tiêu thụ. Nhìn sang các nước xem giá họ bán như nào, nội khu ĐNA thôi đã thua cả nút.
Mình là một người nông dân bình thường nhưng qua các thời gian mình đã rút ra bài học cho mình là. Không đi theo đám đông. Không trồng cây nhiều người trồng. Không nghe người khác nói mà chỉ làm theo sự hiểu biết của mình.
Chắc 100 % sẽ đến lúc thảm hại như Tiêu, Điều và Bơ. Việc này không phải dự đoán mà thành quy luật rồi. Cứ thị trường lên cao vút rồi tự nhiên tụt xuống một cách không ngờ. Trong đó có cả bất động sản.
Sầu riêng năm năm nữa sẽ thành sầu chung