Vụ mùa sầu riêng năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk được mùa, được giá, nông dân phấn khởi. Bên cạnh niềm vui của đa số nông dân, tình trạng tranh mua tranh bán và thổi giá sầu riêng lên cao đã làm xuất hiện những hệ lụy như doanh nghiệp thua lỗ, tranh chấp dân sự tăng, thị trường có thời điểm loạn giá sầu riêng, sự liên kết không được coi trọng và bị phá vỡ…
Doanh nghiệp thua mua sầu riêng thua lỗ
Vụ mùa sầu riêng năm 2023 thành công đối với đa số nông dân tỉnh Đắk Lắk song là vụ mùa thua lỗ của nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua sầu riêng, thương lái. Nguyên nhân là vào đầu vụ thu hoạch sầu riêng, thậm chí từ trước thời điểm thu hoạch khoảng 1 – 2 tháng, nhiều vườn đã được chốt bán với giá cao, lên đến 90.000 đồng/kg mua xô tại vườn. Đến thời điểm thu hoạch chính vụ, giá sầu riêng giảm, tình hình thị trường có những biến động khiến doanh nghiệp, cơ sở thu mua, thương lái càng làm càng lỗ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lên huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk thu mua sầu riêng đã 8 năm nay. Là người có kinh nghiệm, song diễn biến thị trường sầu riêng tại Đắk Lắk năm nay khó lường, ngoài dự đoán của bà Thủy. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán sầu riêng mang tính chất dự đoán giá, cá cược thắng – thua theo giá sầu riêng nên gia đình bà Thủy mua bán cầm chừng, chỉ khoảng 70% sản lượng sầu riêng so với các năm trước.
“8 năm nay, đây là lần đầu tiên giá sầu riêng sụt giảm trong thời điểm Tết Trung thu, ngoài dự đoán của nhiều người. Bên cạnh đó, trước mùa vụ, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuê mặt bằng và mở vựa thu mua sớm, mua nguồn hàng từ nhiều nơi để đáp ứng hợp đồng bán trước, với chất lượng sầu riêng không đạt, ảnh hưởng kéo dài tới vụ thu hoạch chính của Đắk Lắk. Gia đình tôi cảm nhận kết quả vụ mùa không tốt nên chỉ mua theo khả năng, mua đúng thời điểm thu hoạch, trả vườn hợp lý, không neo vườn, lỗ ở mức độ chịu đựng được” – bà Thủy chia sẻ.
Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thanh Trung, hiện mỗi ngày, đơn vị xuất khẩu khoảng 7 công hàng, 18 tấn sầu riêng/công. Đầu vụ, đơn vị đã ký hợp đồng mua bán trong dân với giá cao, đến nay giá đã giảm, trừ chi phí, doanh nghiệp hiện lỗ khoảng 10.000 đồng/kg sầu riêng.
Theo bà Đoàn Thị Năng, đại diện công ty tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, vào đầu vụ, nhiều thương lái đến tận vườn chốt giá, phá giá sầu riêng, doanh nghiệp không mua giá cao thì không có nguồn hàng. Do đó, đơn vị mong muốn chính quyền địa phương, ngành chức năng quản lý chặt chẽ thương lái, “cò” sầu riêng, người nước ngoài vào địa bàn, có giải pháp kiểm soát để bình ổn giá sầu riêng, bình ổn thị trường; đồng thời mong muốn nông dân cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho biết, vụ mùa sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk năm nay, đơn vị đã cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng cho các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong thu mua, tiêu thụ sầu riêng. Đơn vị đã xây dựng chính sách liên kết với nông sân và khoảng 30 hợp tác xã trong cả nước, hỗ trợ đào tạo tập huấn, thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng, áp dụng nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ vốn sản xuất 50 triệu đồng/ha song đến thời điểm thu hoạch, hơn 90% nông dân và hợp tác xã bán sầu riêng cho đơn vị khác. Ngoài ra, giá sầu riêng tăng quá cao khiến một số đối tác, khách hàng có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, sầu riêng mua xô tại vườn ở Đắk Lắk đầu vụ thu hoạch khoảng 80.000 đồng/kg, bán tại thị trường Trung Quốc khoảng 650 nhân dân tệ/thùng 18kg, tương đương 120.000 đồng/kg. Trừ công cắt, chi phí vận chuyển, tỷ lệ hao hụt, chi phí gia công, bao bì,… thì doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Tại tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 500 cơ sở đóng gói, thu mua sầu riêng, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua hoạt động theo hình thức mạnh ai nấy làm, không tham gia hiệp hội ngành hàng. Bên cạnh đó, ngành hàng sầu riêng đã trở thành ngành hàng tỷ đô, mang lại nhiều tiềm năng về lợi nhuận cao, do đó thu hút nhiều “tân binh” bước vào nghề và trả giá khá đắt trong mùa vụ năm nay.
Tranh chấp tăng
Giá sầu riêng cao, doanh nghiệp thua lỗ dẫn đến ở một vài địa phương xảy ra tình trạng nợ tiền người dân, nợ tiền thương lái, tranh chấp dân sự tăng. Một số doanh nghiệp, cơ sở thu mua đóng cửa trong âm thầm khiến các thương lái tranh chấp hàng tại kho. Bên cạnh đó, tình trạng bỏ cọc, neo vườn sầu riêng,… đã khiến mùa vụ sầu riêng năm nay ở tỉnh Đắk Lắk kém vui.
Anh Huỳnh Văn Công (xã Ea Khanh, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) mua sầu riêng của người dân và bán lại cho cơ sở thu mua của một doanh nghiệp ở km74, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo. Song trong quá trình mua bán, anh Công và một số thương lái bị doanh nghiệp nợ tiền nhiều ngày, có dấu hiệu trốn nợ. Anh Công cùng một số thương lái đã nhiều lần lên trụ sở doanh nghiệp yêu cầu thanh toán; phản ánh sự việc lên UBND xã, Công an huyện Ea H’leo và tiếp tục kiện ngành chức năng cấp cao hơn.
Gia đình ông H.V.H. (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) và một số hộ dân xung quanh thì bị doanh nghiệp khác nợ tiền sầu riêng sau khi thu mua lượt đầu. Đến lượt cắt thứ hai, mặc dù sầu riêng đã cắt và ngoài vườn rụng nhiều (500 kg/ngày) xong gia đình ông H. kiên quyết phải đòi được nợ mới cho doanh nghiệp chở sầu riêng đi.
Giá sầu riêng giảm, nhiều thương lái và doanh nghiệp thương lượng, đề nghị nhà vườn giảm giá so với giá đã ký kết trong hợp đồng. Việc thương lượng giảm giá hoặc chốt giá mua nếu không thành công sẽ dẫn đến tình trạng nhiều vườn sầu riêng đến ngày thu hoạch nhưng chưa có người mua. Cùng với đó, chính vụ sầu riêng ở Đắk Lắk gặp mùa mưa nên ảnh hưởng một phần đến vụ thu hoạch.
Gia đình ông N.H.L., xã Tân Lập, huyện Krông Búk có 200 cây sầu riêng đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 20 tấn. Giá sầu riêng đầu vụ tăng khiến gia đình ông L. rất phấn khởi. Tuy nhiên, do không thỏa thuận được với thương lái và doanh nghiệp về quy cách bán (bán xô hay bán theo quy cách hạng A/B/C), giá cả nên những ngày cuối tháng 9/2023, gia đình ông vẫn chưa bán được vườn sầu riêng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, đến nay, khoảng 70% sản lượng sầu riêng của tỉnh đã được thu hoạch, với giá và sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Giá sầu riêng cao do sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk là vùng thu muộn nhất của cả nước, tình trạng “tranh mua tranh bán” để giữ vùng nguyên liệu, đẩy giá lên cao. Giá sầu siêng hiện nay đã giảm, song hệ lụy vẫn diễn ra. Người mua có tâm lý chờ giá nên không muốn cắt nhanh, cắt hết vườn; một số trường hợp bỏ cọc đã ký kết trước đó với nông dân.
Ông Vũ Đức Côn nhấn mạnh, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đang lấy ý kiến các thành viên Hiệp hội, tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp bình tĩnh ngồi lại với nhau, chia sẻ thông tin, chia sẻ lợi nhuận để tiêu thụ khoảng 30% sản lượng cuối vụ. Đồng thời, Hiệp hội sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá vào cuối vụ sầu riêng để có những bài học, giải pháp phù hợp cho vụ mùa sầu riêng năm 2024.
Mặc dù ngay từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đã cảnh báo những hệ lụy khi chốt giá sớm và tranh mua tranh bán sầu riêng song tình trạng này vẫn diễn ra. Một vụ mùa thu hoạch sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk sắp qua đi, cũng là lúc để các tác nhân tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng nhìn nhận lại trách nhiệm, niềm tin, chữ tín cũng như sự cần thiết phải “đi cùng nhau” để xây dựng ngành hàng bền vững.
Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)