Hệ quả việc đầu tư trồng cà phê Arabica của Tổng Công ty cà phê Việt Nam tràn lan khắp nơi, không qua thực nghiệm của các nhà khoa học về giống cây trồng, đã để lại hết sức hết sức nặng nề, đeo đẳng những nông dân tham gia dự án mà vẫn chưa giải quyết thấu tình đạt lý.
Năm 1997, dự án trồng cà phê Catimor được triển khai tại xã Quảng Tín (H. Đak R’Lấp, Đak Nông). Người dân địa phương hy vọng rằng đời sống sẽ ngày một ấm no hơn khi dự án được triển khai như lời hứa hẹn của những người khai sinh ra dự án này.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện dự án trồng 350ha cà phê Catimor, 350 hộ công nhân nợ chủ đầu tư 30 tỷ đồng, một dây chuyền sản xuất hơn chục tỷ đồng “bỏ xó”, hàng ngàn con người sống trong cảnh lao đao cơ cực… 54ha cà phê còn sót lại của dự án, đã chính thức làm thủ tục “khai tử” vào ngày 15-11…
Càng “ôm” càng nợ
Năm 1997, 350 hộ dân đã vui mừng biết bao khi được làm công nhân cho Cty Cà-phê Việt Thắng. Viễn cảnh về những vườn cà phê trĩu quả, mang lại lợi nhuận khổng lồ đã thôi thúc họ lên đường đến vùng đất mới.
Hộ ông Bùi Xuân Bình (thôn 4, xã Quảng Tín, H.Đak R’Lấp) vào làm công nhân cho Cty Cà-phê Việt Thắng (thuộc tỉnh Đak Lak cũ), được Cty giao chăm sóc 5 sào cà phê Catimor. 3 năm đầu, tuy tiền công chăm sóc không nhiều nhưng cũng tạm gọi là đủ để vợ chồng ông sống qua ngày. Năm 2000, Cty khoán cho gia đình ông phải nộp 7 tấn cà phê quả tươi. Nhặt nhạnh hết, ông chỉ nộp được cho Cty hơn 3 tấn, nợ lại hơn một nửa. 4 năm tiếp theo tình trạng trên tiếp tục lặp lại. Cộng số tiền mà Cty đã đóng bảo hiểm cho ông, số nợ khoán (được quy đổi thành tiền) cùng tiền lãi của nó, ông nợ Cty hơn 30 triệu đồng.
Năm 2005, ông chuyển từ hộ công nhân thành hộ liên kết với Cty Cà-phê Đak Nông (lúc này Cty Cà-phê Việt Thắng đã bàn giao cho Cty Cà-phê Đak Nông) nhằm bớt đi khoản tiền bảo hiểm. Nuôi hy vọng “chuyển bại thành thắng”, gia đình ông nhận thêm 5 sào để chăm sóc. Kết quả đến vụ cà phê năm 2007, gia đình ông “cõng” thêm hơn 34,6 triệu đồng tiền nợ. Anh Nguyễn Đình Trọng cũng vào làm công nhân cùng lúc với ông Bình. Anh cũng được Cty giao cho 5 sào cà phê để chăm sóc. Năm đầu tiên thu hoạch, anh cũng phải nợ Cty gần 3 tấn cà phê. Đến năm 2005, anh cũng “ôm” một khoản nợ khá lớn, 14 triệu đồng. Sau đó anh chuyển sang làm hộ liên kết với Cty. Nhận tiền bảo hiểm cùng với số tiền thu được từ vườn cà phê riêng của gia đình, anh trả được cho Cty 7 triệu đồng.
Từ đó đến nay, năm nào anh cũng phải lấy tiền từ vườn cà phê của mình để trả tiền đầu tư cho Cty nhưng số nợ của anh vẫn là 14 triệu đồng. Cạnh nhà anh Trọng, nhà chị Hồ Thị Phương cũng chỉ là vài tấm gỗ cũ mục ghép lại. Hai vợ chồng chị nhận chăm sóc 7 sào cà phê từ năm 1997. Tằn tiện hết mức, chị cũng không thể trả nổi hơn 10 triệu đồng cho Cty. Đến hơn 10 hộ thuộc đội sản xuất số 1 của Cty Cà-phê Đak Nông (thuộc thôn 4, xã Quảng Tín), ai cũng có một tờ giấy báo nợ không dưới 10 triệu đồng, ngay cả ông đội trưởng đội này cũng đang là con nợ.
Năm 2006, khi mà gần 300ha cà phê mà họ chăm sóc đã biến thành củi khô, con đường mưu sinh của hàng trăm gia đình rơi vào tuyệt vọng.
Dự án đi lùi
Năm 1995, UBND tỉnh Đak Lak đã phê duyệt dự án phát triển cây cà phê Catimor ở hai huyện Đak Nông và Đak R’Lấp (nay là TX Gia Nghĩa và H. Đak R’Lấp, tỉnh Đak Nông). Năm 1997, Cty Cà-phê Việt Thắng đã thực hiện dự án này và trồng được gần 350ha ở H. Đak R’Lấp (nay thuộc xã Quảng Tín, H. Đak R’Lấp) và Quảng Tân (H. Tuy Đức) đồng thời nhận 350 hộ công nhân vào chăm sóc. Năm 1999, một dây chuyền sản xuất dành riêng cho dự án với số vốn hơn 10 tỷ đồng cũng được đầu tư xây dựng.
Sau 3 năm, mặc dù số diện tích cà phê này đã xuất hiện bệnh rỉ sắt và nấm hồng nhưng ở mật độ thấp, không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng và phát triển. Song kết quả của vụ thu đầu tiên (năm 2000) đã không được như mong muốn, chỉ đạt khoảng 50% dự kiến. Vụ thu tiếp theo sản lượng có nhích lên đôi chút và sau đó là tụt dần. Năm 2005, sau khi tỉnh Đak Nông được thành lập, toàn bộ diện tích của dự án này được bàn giao về cho Cty Cà-phê Đak Nông. Ngay sau đó 44ha đã bị bệnh chết.
Năm 2006, dịch bệnh tiếp tục hoành hành, diện tích của dự án chỉ còn lại 54ha. Theo ông Nguyễn Khắc Trọng- Phó Giám đốc Cty thì mặc dù Cty cũng như các ngành chức năng của huyện, tỉnh đã phối hợp để tìm cách khắc phục nhưng không có kết quả. Trước tình hình đó, Cty đã xin ý kiến chỉ đạo từ Tổng Cty Cà-phê Việt Nam. Nhưng mãi cho đến tháng 4 năm nay, Tổng Cty Cà-phê Việt Nam mới có ý kiến cho dừng đầu tư diện tích dịch bệnh, tiếp tục đầu tư 54ha còn lại. Cũng theo ông Trọng từ khi Cty của ông nhận dự án, sản lượng cà phê thu về chỉ đạt khoảng 1/5 so với giống cà phê vối của nông dân. Do không có nguyên liệu nên dây chuyền chế biến cũng thi thoảng mới dùng đến và chỉ hoạt động khoảng 1/3 công suất; hiện nay, người dân còn nợ Cty số tiền đầu tư là hơn 30 tỷ đồng.
Vậy là dự án đã “khai tử”, kéo theo nó là hơn ngàn con người lao đao, thất nghiệp, một dây chuyền sản xuất hiện đại trở thành phế liệu. Trong khi chờ “chủ trương”, các hộ dân của Cty sẽ sống ra sao khi mà trong tay không một đồng vốn, nghề nghiệp và rất nhiều người trong số họ thậm chí không có một tấc đất? Câu hỏi ấy vẫn chưa có câu trả lời.
Mới nghe thông tin trong tháng 12 năm nay sẽ có quyết định chính thức về số phận của dự án : chuyển tất cả sang trồng cà phê Robusta.
Còn giải quyết vướn mắc với người liên kết thì không sáng sủa cho lắm.
Dù sao thì bà con vẫn phải cứ đợi!