Chưa bao giờ sầu riêng ở các tỉnh Tây Nguyên được thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu “săn lùng” ráo riết như hiện nay. Sầu riêng được giá ngoài việc xuất hiện tình trạng tranh mua tranh bán, gây nhiễu loạn giá cả thị trường thì việc người nông dân liên tiếp mở rộng diện tích, kéo theo nguy cơ dư thừa sản lượng, ùn ứ khi giá cả rớt trở lại…
Giá sầu riêng cao kỷ lục
Mặc dù đã có thâm niên trồng sầu riêng hơn 10 năm qua, ông Trần Văn Sơn (trú tại thị trấn Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) lại khá bất ngờ với việc giá sầu riêng tăng cao kỷ lục như hiện nay. Theo ông Sơn, vài tuần trở lại đây, nhiều thương lái vào tận vườn ông trả với giá 90.000 – 95.000 đồng/kg sầu Thái monthong nhưng ông vẫn chưa muốn bán.
“Trong các năm 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mặt hàng sầu riêng không thể tiêu thụ được nên nhiều nhà không có chi phí để chăm sóc khiến vườn cây bị bỏ bê, chết khô. Hơn 1ha sầu riêng của gia đình tôi cũng cố gắng cầm cự, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên vượt qua được. Sau hơn 1 năm chăm sóc, vườn sầu riêng đã phục hồi dần và cho trái ổn định trở lại. Với sản lượng ước đạt hơn 10 tấn, cùng với giá cả như hiện nay sẽ cho thu ước hơn 1 tỷ đồng…”, ông Sơn vui mừng nói.
Còn lại địa bàn huyện Krông Pắk, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ sầu riêng” của Tây Nguyên, nhiều nông dân cũng rất hồ hởi, vui mừng vì giá cả tăng cao. Anh Nguyễn Văn Hải (trú xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) trồng hơn 2ha sầu riêng cho biết: “Người nông dân bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc sầu riêng nên sản lượng, chất lượng khá đảm bảo. Với giá cả như hiện nay, người nông dân hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu”, anh Hải phấn khởi nói.
[ Chốt giá, nhận cọc xong nghe sầu riêng rụng chủ vườn ‘rầu hết cả người’ ]
Lo ngại mở rộng diện tích sầu riêng
Có thể thấy việc giá sầu riêng tăng cao, thị trường mua bán sôi động đã cho người nông dân thu nhập cao hơn hẳn những loại cây trồng khác. Chính điều này đã khiến cho diện tích cây sầu riêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vài năm trở lại đây liên tiếp được mở rộng. Việc này đồng nghĩa với lo lắng về sản lượng sẽ ùn ứ, dư thừa, phá vỡ quy hoạch cây trồng khi giá loại trái cây này hạ xuống thấp.
Có thể dễ dàng nhận thấy khi những ngày này, đi khắp các vùng nông thôn, vùng núi, vùng xa xôi hẻo lánh trên địa bàn Tây Nguyên cũng thấy đâu đâu cũng có những vườn sầu riêng được trồng mới mọc lên. Ông Hồ Đình Tuấn (trú tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cho biết, gia đình ông có hơn 2ha đất canh tác trồng cây mắc ca và cà phê. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, nhận thấy việc trồng sầu riêng cho thu nhập cao nên gia đình ông đã phá bỏ cây mắc ca, cà phê để trồng sầu riêng.
Khi được hỏi về việc nếu giá cả không thuận lợi, cây sầu riêng có hợp với khí hậu, thổ nhưỡng hay không thì ông Tuấn cười nói, thấy mọi người xung quanh trồng được thì chắc mình cũng trồng được. Không chỉ gia đình ông Tuấn, mà nhiều nông dân ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Đắk Lắk khi được hỏi đều có câu trả lời tương tự. Họ đều cho rằng, trồng sầu riêng theo kiểu “hên xui” và phó mặc cho trời.
[ Hệ lụy từ “cơn sốt” sầu riêng ở Đắk Lắk ]
Cẩn trọng với cây sầu riêng
Cũng cần thấy rằng, vài năm nay người dân ở Trung Quốc “sốt” sầu riêng. Sự bùng nổ về nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi Hiệp định RCEP. Quốc gia này có thể nhập khẩu trái cây tươi từ các nước Đông Nam Á dễ dàng hơn dựa trên thuế suất ưu đãi và vị trí địa lý tương đối thuận lợi…
Một điều cần thấy, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào tháng 9/2022 sang Trung Quốc thì 2 bạn hàng lớn, truyền thống của Trung Quốc là Thái Lan và Malaysia chưa vào vụ. Do đó, nông dân của ta bán được giá cao. Nhiều khả năng tình hình sẽ thay đổi khi Thái Lan và Malaysia vào vụ thu hoạch sầu riêng. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT và các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây… cần phải tỉnh táo để khi xây lộ trình xuất khẩu sầu riêng một cách phù hợp; tránh việc ùn ùn đốn bỏ các loại cây khác để chuyển sang trồng sầu riêng sẽ dẫn đến nguy cơ thừa sản lượng, bởi sầu riêng khi trồng đến thu hoạch phải mất mấy năm…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, sẽ phối hợp cùng với các ngành chuyên môn đánh giá khả năng thích nghi và tiềm năng phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Sau đó, khuyến cáo việc phát triển sầu riêng một cách hợp lý, trên nguyên tắc gắn liên kết doanh nghiệp, gắn thị trường tiêu thụ. Tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao chất lượng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hợp tác xã trái cây Krông Pắk, để ổn định đầu ra cho sầu riêng, nông dân cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng và đảm bảo các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu… đây là vấn đề bức thiết.