Nhận định sầu riêng là mặt hàng “hot”, nhiều tiểu thương đã gom toàn bộ tài sản đầu tư vào vụ mùa năm nay. Nhưng trớ trêu thay, giá sầu riêng liên tục giảm sâu khiến nhiều thương lái “vỡ mộng” làm giàu…
Vỡ mộng với sầu riêng
Hiện, giá sầu riêng đã giảm hơn 10.000 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch. Một số doanh nghiệp đang thu mua sầu riêng tại kho ở mức 69.000 – 70.000 đồng/kg đối với hàng loại I; loại II chỉ dao động ở mức 50.000 – 55.000 đồng/kg. Song nhiều nông dân vẫn cho rằng, giá sầu riêng đang cao nên “neo”, không chấp nhận mức giá thương lái đưa ra.
Là thương lái có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua nông sản, anh Trần Thanh Thọ (ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) cũng không tránh khỏi việc thua lỗ do giá sầu riêng lao dốc. Anh Thọ cho hay, anh đang phải đến từng nhà vườn để thương lượng lại giá cả và xin hạ giá so với thời điểm đặt cọc. Ngay từ đầu vụ, anh đã làm hợp đồng thu mua của nhiều hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện với nhiều mức giá, trung bình là 80.000 đồng/kg. Tùy vào sản lượng mà giá cọc dao động ở mức 30 – 50% đối với mỗi vườn. “Có nhiều nhà vườn thông cảm, họ sẵn sàng bớt và đồng ý bán theo giá hiện tại, nhưng cũng có không ít nhà vườn giữ nguyên mức giá như trong hợp đồng đã thỏa thuận. Nếu giá cả tiếp tục xuống thấp, tôi sẽ phải gánh chịu một khoản nợ lớn trong vụ sầu riêng năm nay”, anh Thọ ngậm ngùi.
Lặn lội từ tỉnh Bình Phước lên tận Đắk Lắk để thu mua sầu riêng với hy vọng đổi đời, thương lái Nguyễn Phương Thanh đã lao theo cơn sốt sầu riêng. Anh đã gom hết toàn bộ vốn liếng, thậm chí vay mượn thêm để đầu tư vào vụ này. Giá sầu riêng quay đầu giảm sâu cũng là lúc những thương lái như anh thiệt hại nặng nề. Hiện anh Thanh đang chịu lỗ hơn 20 triệu đồng/tấn sầu riêng.
Trước vụ thu hoạch khoảng 2 tháng, anh Thanh đã vào tận vườn chốt giá thu mua với người dân ở mức từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, mỗi vườn sẽ đặt cọc từ vài chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào sản lượng. “Giá sầu riêng đã hạ nhiều so với đầu mùa, tôi phải năn nỉ nông dân bán hạ giá để cắt lỗ, vì đã lỡ ký hợp đồng với các chủ vựa trái cây nên phải giao hàng đúng hẹn. Rơi vào hoàn cảnh như hiện nay, một phần là do thiếu hiểu biết, chưa nắm vững những quy luật của thị trường và ham làm giàu từ sầu riêng để giờ vỡ mộng, thậm chí có nguy cơ trắng tay”, anh Thanh nghẹn ngào.
[ Chốt giá, nhận cọc xong nghe sầu riêng rụng chủ vườn ‘rầu hết cả người’ ]
Chia sẻ rủi ro với thương lái
Là nông dân ở “thủ phủ” sầu riêng của Đắk Lắk, ông Ama Saly (buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) đã thu hoạch gần xong 7 sào sầu riêng, chỉ còn lại một số ít đang chờ thương lái vào cắt để kết thúc vụ mùa. Ngay từ đầu vụ, gia đình ông đã nhận 150 triệu đồng tiền cọc từ thương lái và chốt với mức giá 80.000 đồng/kg. “So với năm ngoái, giá sầu riêng tăng gần gấp đôi và tăng chóng mặt ngay từ đầu vụ. Tôi nhanh chóng ký hợp đồng với thương lái để có một mức giá ổn định. Tuy nhiên, giá sầu riêng liên tục lao dốc khiến người mua và người bán dễ xảy ra mâu thuẫn. Thấu hiểu phần nào những khó khăn mà các thương lái đang gặp phải, gia đình tôi đã quyết định bán theo giá thị trường để đôi bên dễ dàng mua bán”, ông Ama Saly nói.
Đứng trước tình trạng giá sầu riêng giảm sâu, bà Nguyễn Thị Diệu, đại diện Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang (Quốc lộ 26, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) cho biết, giá cả thị trường lên xuống là điều hết sức bình thường. Bên cạnh việc thu mua quả sầu riêng để đóng gói xuất khẩu chính ngạch, đơn vị còn bóc tách múi cấp đông cung cấp cho thị trường trong nước nên kiểm soát được những thiệt hại về mặt kinh tế. Đối với những thương lái đã ký hợp đồng thỏa thuận về giá cả cũng như thời gian giao, nhận hàng, công ty cũng cố gắng hỗ trợ và điều chỉnh lại mức giá để hạn chế tối đa rủi ro cho cả hai bên. Thời điểm hiện tại, thương lái thu mua sầu riêng tại vườn chỉ ở mức 60.000 đồng/kg, nếu mua giá cao hơn, chịu lỗ sẽ là người mua.
Công ty hoạt động với phương châm “nhà lái không xin của nhà vườn”, bởi một năm người dân chỉ thu hoạch có một vụ, nếu xin hạ giá, bản thân họ đã thất thu một khoản khá lớn. “Trong kinh doanh, chúng tôi luôn đặt uy tín lên hàng đầu, những vườn đã ký hợp đồng thì đơn vị sẽ thu mua theo mức giá ban đầu đã thỏa thuận, tuy vậy nhiều chủ vườn sẵn sàng hạ thấp giá bán để hỗ trợ, san sẻ bớt phần nào khó khăn mà các doanh nghiệp, thương lái đang đối mặt”, bà Diệu chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện giá sầu riêng đã giảm nhiều so với đầu vụ thu hoạch; trong đó sầu riêng loại I được doanh nghiệp thu mua ở mức 80.000 đồng/kg; còn loại II, loại III sẽ thấp hơn rất nhiều. Trước đó, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo các thương lái, người nông dân phải hết sức tỉnh táo trong việc mua bán để tránh những trường hợp rủi ro có thể gặp phải.
Xem thêm:
Giá rớt mà sao thương lái vẫn tranh nhau mua, để làm chi vậy !?
Lúc lời sao không thấy ai kêu ca. Tham ăn, tranh cướp mua bán chết thì ráng chịu…
Lúc thương lái được giá thu lợi nhuận cả chục tỷ có cho dân không
nếu giá sầu riêng lên 200.000$ / 1kg thì thương lái có trả theo giá thị trường cho các nhà vườn khi đã đặt cọc hay không ?
Giá như thế vẫn chấp nhận đc.
Cọc tụt giá lại xuống thương lượng giảm theo giá thị trường , tăng cao hơn liệu các bác mua có tăng theo không… Đúng là hài vãi.
Theo tôi thì người nông dân nên cân nhắc kỹ trước khi trồng sầu riêng. Bởi vì học từ những cây trồng khác như mít thái, cà phê, tiêu, điều cao su vvv …
Thôi giá hạ bán hạ cho thương lái khỏi lỗ
Một loại trái cây cũng như bao loại trái cây ăn quả khác, cứ Trung Quốc mua thì họ sẽ đẩy giá lên tận trời. một thời gian sau người ta lại hạ giá xuống tận âm ti. Đã quá nhiều bài học từ trước rồi vậy mà các thương lái Việt Nam vẫn mắc phải cái bẫy này. Còn người dân thì cứ cái kiểu thấy loại cây nào có giá cao là đua nhau trồng. Khi cung vượt cầu thì giá cả tụt là tất yếu. Đây là bài học mà chẳng bao giờ rút ra được kinh nghiệm cả.
Chẳng bao giờ rút ra được kinh nghiệm cả thì bạn nói làm chi cho thừa ra…
50 k là ok rồi
Nhà mình đc 40 tấn chốt 50k cắt hết ok rồi
Tôi ở thủ phủ của sầu riêng, nhà tôi cũng có vài cây để phục vụ gia đình nên tôi cũng không có ý kiến phản bác hay chê trách gì người trồng và kinh doanh mặt hàng này, tuy nhiên với những thứ tôi chứng kiến và cảm nhận thì từ người trồng đến người kinh doanh có ai đã quan tâm tới người sử dụng và người xung quanh chưa, hay chỉ biết trồng ồ ạt, khoe khoang và chễm chệ tự hào khi có giá cao. Còn môi trường và chất lượng sống xung quanh các khu vực trồng thì hỡi ôi là nồng nặc mùi hóa chất độc hại, sức khoẻ của dân có ai quan tâm không. Thương lái thì tranh giành nhau, người bán thì đủ chiêu trò. Các vị cũng giống nhau cả, cũng vì lợi ích bản thân mà quên đi cộng đồng, rồi khi thiệt thòi lợi ích thì kêu gọi giúp đỡ. Lúc được thì vui, lúc thua thì than vãn. Chốt lại chỉ tội người sử dụng thôi.