Hệ lụy từ “cơn sốt” sầu riêng ở Đắk Lắk

Chưa năm nào giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại được đẩy cao ngất ngưởng như vụ năm nay, có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg. Giá bán tăng cao kéo theo tình trạng tranh mua, tranh bán, “bẻ cọc”… làm nhiễu loạn thị trường.

nong dan dak lak hai sau rieng
Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng.

Giá ảo, “bẻ cọc”

Thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch sầu riêng. Tuy nhiên, nhiều nông dân phản ánh, tiến độ thu hoạch khá chậm do thương lái cắt cầm chừng để chờ giá lên. Ông Hoàng Đức Tiệp (huyện Krông Năng) có hơn 1ha sầu riêng cho thu hoạch, hiện thương lái đang mua với giá 60.000 đồng/kg loại quả đẹp, nhưng cắt cầm chừng theo kiểu chống rụng (mỗi vườn chỉ cắt 1-2 tấn). Điều này khiến ông Tiệp không khỏi lo lắng, sợ thị trường biến động, giá giảm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Du ở xã Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột) cũng trong cảnh nhấp nhổm vì vườn sầu riêng hơn 1ha đang cho thu hoạch. Ông Du có nhiều năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc sầu riêng nên vườn cây sai quả, mẫu mã đẹp. Mọi năm, cứ đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp tới mua cả vườn và cắt rất nhanh. Tuy nhiên năm nay, đơn vị thu mua cắt rất chậm, theo kiểu chống rụng (cắt những trái già, gần chín trước). Trong hợp đồng, đơn vị thu mua cam kết giá 79.000 đồng/kg song ông Du vẫn “nóng ruột” khi nhiều quả còn lủng lẳng trên cây, chưa thu hoạch hết.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa cho biết: “Chưa năm nào giá sầu riêng lại bị “thổi” đến mức ảo như hiện nay. Trước vụ thu hoạch khoảng 2 tháng, nhiều thương lái (có cả môi giới bất động sản chuyển nghề) đã vào tận vườn chốt giá thu mua ở mức 80.000-90.000 đồng/kg, gây nhiễu loạn thị trường”. Vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân sẵn sàng “bẻ cọc” với doanh nghiệp. Minh chứng là vụ mùa này, hơn 90% nông dân đã nhận hỗ trợ (thiết lập mã vùng trồng, vốn) của công ty Vạn Hòa bán hết ra ngoài. Chỉ những vườn xấu, không ai mua thì nông dân mới gọi công ty. Công ty Vạn Hòa đang rất vất vả đi thu hồi tiền đã đầu tư; đồng thời bù lỗ hàng trăm triệu đồng cho mỗi chuyến hàng để giữ uy tín với đối tác. Theo ông Trung, sầu riêng rất đặc thù, thời gian thu hoạch, xuất bán trong khoảng 2 tháng. Nhiều người không có chuyên môn, kinh nghiệm đã chốt giá cao, giờ “ngấm đòn”, lỗ cả tỷ đồng. Chính doanh nghiệp trong nước đã cạnh tranh không lành mạnh với nhau dẫn đến thất bại ngay trên sân nhà…

Trường hợp anh Trần Thanh Thọ ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc-thương lái chuyên thu mua sầu riêng, là ví dụ. Anh Thọ cho biết, anh đang phải đến từng nhà vườn để xin hạ giá so với giá đã đặt cọc trước đó. Lý do, thời điểm này, giá sầu riêng giảm nhiều so với đầu vụ. Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu thu mua quả đẹp tại kho hàng với giá 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, đầu vụ, nhiều thương lái như anh đã làm hợp đồng mua vườn sầu riêng của nông dân với giá từ 80.000 đồng/kg trở lên và đã đặt cọc số tiền lớn (có vườn đặt cọc tới 500 triệu đồng). Khi giá giảm xuống, những thương lái như anh Thọ có thể lỗ hàng tỷ đồng. Vậy nên anh Thọ phải xin nhà vườn đồng cảm, chia sẻ rủi ro. “Có nhà vườn hiểu chuyện, họ bớt cho chúng tôi. Còn nhà nào không chịu giảm giá, thương lái như tôi đành ngậm đắng chịu thiệt hại”, anh Thọ tâm sự.

[ Biến động giá sầu riêng, cà phê: Giải pháp nào để an định nông sản? ]

Cần sự hợp tác của các bên

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm: “Để xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững, cần có sự hợp tác giữa các bên, trong đó có doanh nghiệp và nông dân. Phía cơ quan nhà nước đang vào cuộc quyết liệt, rà soát lại tất cả các khâu để ngăn chặn tình trạng sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định hoặc mạo danh, gian dối”. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), thương hiệu của doanh nghiệp rất quan trọng. Những lô hàng chộp giật, mạo danh không chỉ đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Do đó, các đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng cần báo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp xử lý.

Tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam” vừa tổ chức tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, không chỉ sầu riêng mà nền nông nghiệp của Việt Nam đang manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi sầu riêng rộng đường tiêu thụ lại xảy ra tình trạng mạnh ai nấy thu mua, không mua được thì người này nâng giá một chút, người kia tăng một chút, cuối cùng tạo giá ảo. Để thoát khỏi tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các bên liên quan phải tổ chức lại khâu sản xuất; có sự tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau, tránh chuyện đua chặt, vội trồng như đã và đang xảy ra với chanh dây.

Xem thêm:

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng