Giá bắp cao có dẫn đến khủng hoảng lương thực?

Giá ngô liên tục tăng mạnh đang khiến cho cả thế giới lo lắng về khả năng tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực.

gia-ngo

Tuần qua giá ngô trên thị trường thế giới đã tăng với tốc độ chóng mặt trong 3 phiên liên tiếp. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra ngày 8/10, trong đó nói rằng sản lượng ngô của Mỹ trong năm 2010 sẽ giảm 4% so với dự đoán và dự trữ ngô giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua đã đẩy giá ngô giao tháng 12 tăng 6%, buộc các cơ quan chức năng phải tạm ngừng giao dịch trên sàn giao dịch nông sản Chicago. Giá ngô ngày 11/10 lại vượt biên độ cho phép với mức tăng 8,5%, mức cao nhất trong một phiên trong 37 năm qua. Trong phiên tiếp theo, giá ngô đứng ở mức 5,55 USD/bushel, thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục hồi tháng 7/2008 nhưng vẫn tăng 35% so với đầu năm nay.

Thông báo của USDA về sản lượng ở “vành đai ngô” của Mỹ trong vụ thu hoạch này đã đẩy giá ngô tăng cao. Tiếp theo một đợt lụt lội hồi giữa năm, đợt nắng nóng liên tục trong thời gian gần đây buộc USDA đưa ra kết luận trong báo cáo hàng tháng: “Sản lượng ngô được dự đoán sẽ giảm 496 triệu bushel, bởi diện tích gieo trồng tăng thêm 258.000 hécta không thể bù đắp nổi sự giảm sút về năng suất khoảng 6,7 bushel/ha”.

Có hai nguyên nhân khiến thị trường phản ứng mạnh mẽ. Thứ nhất là thông tin do USDA đưa ra là quá bất ngờ, mặc dù trước đó các nhà phân tích độc lập đã cảnh báo về nguy cơ mặt hàng nông sản này sẽ tăng giá. Nguyên nhân thứ hai là Mỹ có tác động quá lớn đối với thị trường ngô – mặt hàng được sử dụng làm lương thực cho cả người lẫn gia súc và còn được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Mỹ là nước chiếm 2/5 sản lượng ngô toàn cầu và đóng góp gần 60% lượng ngô xuất khẩu của thế giới. Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ trong dự báo cũng tương ứng với một sự thay đổi khổng lồ của sản lượng ngô.

Bất kỳ sự tăng giá nào của một mặt hàng nông sản, như đợt tăng giá lúa mỳ hồi tháng 8 vừa qua, cũng có thể khiến giới quan sát cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực mới. Đợt lên giá ngô lần này cũng không phải là một ngoại lệ. Giới buôn bán và đầu cơ trên thị trường ngô đã phản ứng quá sớm. Vụ thu hoạch năm nay được dự báo sẽ đạt sản lượng lớn thứ 3 từ trước đến nay, và mặc dù dự trữ giảm, nguồn cung vẫn đủ đáp ứng cầu trong niên vụ 2010-2011. Tuy nhiên, theo chuyên gia Abdolreza Abbassian thuộc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc, những tin đồn trên thị trường góp phần làm giá ngô tăng nhanh hơn.

Giá ngô có tiếp tục ở mức cao hay không một phần phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia sử dụng một lượng ngô khổng lồ để phục vụ ngành chăn nuôi. Việc Trung Quốc khẳng định rằng nguồn cung trong nước là đủ đáp ứng nhu cầu về ngô đã mâu thuẫn với thực tế là Bắc Kinh đang phải nhập khẩu ngô với khối lượng lớn lần đầu tiên trong 15 năm qua.

Việc các cơ quan chức năng Mỹ vừa quyết định tăng quy định tỷ lệ nhiên liệu sinh học – mà ngô là một nguồn nguyên liệu chính – lên 15% cũng tác động đến giá ngô. Ngoài ra, giá các mặt hàng nông sản khác như đậu tương và lúa mì đang tăng lên sẽ khiến nông dân đắn đo trong việc lựa chọn cây trồng nào cho vụ tới. Đây cũng là một yếu tố hạn chế đến nguồn cung trên thị trường ngô trong thời gian trước mắt.

Biến động giá cả vẫn là một đặc điểm cố hữu trên thị trường nông sản. Nông sản hàng hóa được gieo trồng tập trung ở một số nước lớn đồng nghĩa với việc nguồn thực phẩm của thế giới phải phụ thuộc vào những mô hình canh tác ổn định của một số ít quốc gia. Vì vậy, khó khăn ở một nước, như vụ lúa mì ở Nga hay vụ ngô ở Mỹ, có thể tạo ra những cú sốc trên các thị trường toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng nếu mùa màng năm tới bị thất thu, lúc đó giá lương thực mới chịu tác động mạnh. Giáo sư nông nghiệp và kinh tế học Darerl Good của trường Đại học Illinois (Mỹ) nhận định trong tình hình hiện nay, các nước có thể phải chịu tình trạng giá bán buôn cao trong một thời gian, song giá bán lẻ sẽ không bị ảnh hưởng. Giới phân tích cho rằng sẽ không tái diễn cơn sốt tăng giá lương thực toàn cầu như cách đây hai năm trước. Mặc dù giá nông sản tăng cao sẽ tác động mạnh đến giá thành sản xuất các mặt hàng thịt và sữa, song sẽ ảnh hưởng không nhiều đến giá các loại thực phẩm khác. Bên cạnh đó, việc thương phẩm tăng giá trong thời gian ngắn sẽ không đẩy giá thực phẩm tăng mạnh.

Chính phủ Mỹ cũng dự báo giá thực phẩm tại nước này trong năm nay sẽ chỉ tăng tối đa khoảng 1,5%, và 2-3% trong năm tới. Tuy nhiên, nhìn lại 10 năm qua, giá thực phẩm ở Mỹ trung bình mỗi năm tăng tới 2,9%. Ngoài ra, mặc dù giá nông sản kỳ hạn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng sẽ không tái diễn cơn sốt tăng giá lương thực toàn cầu như năm 2008. Vào thời điểm đó, nhu cầu lương thực toàn cầu tăng mạnh, cộng với việc giá dầu thế giới lập kỷ lục mới đã đẩy giá thành lương thực lên cao, khiến giá thực phẩm ở Mỹ tăng 5,5%, thậm chí tại một số nước còn xảy ra tình trạng thiếu lương thực. Hiện nay, nhu cầu lương thực của thế giới khá ổn định, tỷ lệ dự trữ trên tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với mức của năm 2008, trong khi giá dầu lại có xu hướng hạ…

Tất cả các nhân tố có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 hiện nay không có, các nước vì thế cũng không nên quá lo lắng, bởi việc đó không những không thể giúp giải quyết vấn đề, thậm chí còn có nguy cơ các nước đưa ra những quyết định không sáng suốt, góp phần đẩy giá lương thực tăng cao.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Cao Trần

    Ôi tiếc quá,

    Đợt rồi nghe mấy bà bạn kháo nhau là giá bắp sẽ tăng cao định ôm một ít nhưng thấy cafe sắp vào mùa nên không dám vì phải để dành tiền làm cafe.

    Giờ thấy giá bắp tăng cao kinh khủng tiếc đứt ruột.
    Kiểu này sang năm phải chia ra mà đầu tư chứ cứ chăm chăm vào cafe kiểu này có ngày cũng vỡ mật

    1. tèo anh

      Giá ngô tăng cao là điều dễ dàng thấy trước:
      -Dự trữ ngô của Mỹ và Mexico xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
      -Nhu cầu tiêu thụ ngô của thế giới tăng quá nhanh do sử dụng chế biến thức ăn chăn nuôi và làm nhiên liệu sinh học.
      -Sản xuất ngô trong nước giảm nhiều do Tây nguyên đất bạc màu, thiếu diện tích, các nơi khác thì hạn hán, ngập lụt…
      -Ở nước ta cũng nhập ngô nhiều, gần 2 triệu tấn, để chế biến thức ăn chăn nuôi (mà sản xuất trong nước quá ít, năng suất quá thấp) nên nhà nước đang xem xét cho phép sản xuất ngô biến đổi gen.
      -Do biến đổi khí hậu làm mất mùa, thất thu trên toàn thế giới….
      Tất cả hàng hóa nông sản đều lên giá, trừ …cà phê! Buồn thay!

Tin đã đăng