Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu đã đưa ra dự báo về khả năng duy trì ở mức thấp của xuất khẩu hạt tiêu vì nguồn cung trong nước không còn nhiều và nhu cầu tại các thị trường EU và Mỹ chưa thực sự bứt phá. Lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã hết.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 20.137 tấn với kim ngạch 75,3 triệu USD, tăng 9% và 0,2% lần lượt về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ. Trung bình giá xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu tháng 8 đạt mức cao nhất tính từ tháng 11/2022 với 3.741 USD/tấn. Thế nhưng, con số này so với cùng kỳ thì lại thấp hơn 8,1%.
Doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ hàng nhập khẩu và tồn kho trong những tháng cuối năm. Theo ước tính, tổng lượng hàng tồn và nhập khẩu đạt 80.000 tấn, còn tiêu thụ nội địa đạt khoảng 10.000 tấn và lượng hàng tồn chuyển qua năm sau là 30.000 tấn, trong khi còn lại 50.000 tấn dành cho xuất khẩu vào những tháng cuối năm.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), giao dịch tiêu ở Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7 sôi động vì tiêu còn mới khi vừa hết vụ thu hoạch. Thế nhưng, khách hàng sẽ tìm tới các quốc gia như Indonesia và Brazil vào quý III và IV vì đó là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này. Theo dự báo, nhu cầu mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường Mỹ và EU tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới vì kinh tế toàn cầu vẫn chưa có những chuyển biến rõ ràng.
Dẫu vậy, giá tiêu trong nước vẫn duy trì ở nền giá cao. Giá tiêu nội địa tính đến ngày 27/9 vẫn ở quanh mức 70.000 đồng/ kg. Mức giá này tăng khoảng 17% khi so sánh với đầu năm.
VPA cho biết tồn kho hạt tiêu trong dân thực tế không còn dồi dào mà đa phần chỉ ở đại lý và một số nhà đầu cơ. Mặt khác, một số doanh nghiệp chế biến cũng đã có đủ hàng để chế biến vào cuối năm, do đó vẫn chưa thực sự cần phải mua vào lúc này.
Về mặt dài hạn, dự báo nguồn cung tiêu của Việt Nam sẽ thiếu hụt vì cạnh tranh gay gắt với những cây trồng như chanh leo, sầu riêng.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA nhận định, có thể nguồn cung sẽ thiếu hụt trong 3 năm tới nếu tình trạng chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả kéo dài.
Bà Liên nói: “Với tình trạng cạnh tranh khốc liệt từ các cây sầu riêng, chanh leo nếu tư duy ngắn hạn cứ thấy cây ăn quả tăng giá là đem chặt tiêu thì có thể 3 năm tới thiếu hụt nguồn cung”.
Bà Liên cho rằng nông dân có thể “lỡ sóng” giá tiêu nếu sản lượng của nước ta sụt giảm mạnh trong 3 năm tới vì làn sóng dịch chuyển cây trồng diễn ra mạnh mẽ.
Sau khi mất 3 năm chặt đi để tái đầu tư, đến năm thứ 4 thì người dân mới thu hoạch được chút. Họ có thể mất thời gian dài mới có thể thu hoạch và hưởng lợi từ những vườn cây mới nếu giá tăng do nguồn cung khan hiếm. Lúc đó, Việt Nam lại đi sau.
Bà Liên nhận định: “3 năm trồng và 3 năm tăng giá thì mất tổng cộng 6 năm. Lúc đó giá đã cũng đã ở mức đỉnh. Trong khi đó, với cây sầu riêng mặc dù đang cho lợi nhuận tốt hơn rất nhiều cây tiêu, 1 ha có thể thu về 1 tỷ nhưng cũng mất thời gian để cây sinh trưởng”.