Giá cà phê Arabica rớt mạnh sau Conab điều chỉnh dự báo sản lượng của Brasil tăng thêm…
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 3 USD, xuống 2.461 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 giảm thêm 9 USD, còn 2.369 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 3,70 cent, xuống 151,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 giảm thêm 3,80 cent, còn 152,25 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 66.400 – 66.800 đồng/kg.
Kết quả khảo sát vụ mùa lần 3 của công ty Cung ứng và Dự báo Nông sản (Conab) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Brasil đã nâng dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brasil lên 38,2 triệu bao, cao hơn 0,3 triệu bao so với dự báo trước. Trong khi đó, thu hoạch vụ mùa năm nay đã hoàn tất, sức ép bán hàng vụ mới ngày càng tăng, còn có thêm sự hỗ trợ bán cà phê xuất khẩu do tỷ giá đồng Reais ngày càng yếu, DXY không dừng đà tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed – Mỹ ) duy trì giọng điệu cứng rắn cho dù vẫn giữ nguyên lãi suất kỳ này.
Giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm sau dự báo thời tiết Brasil sẽ có mưa tốt hỗ trợ cây cà phê làm bông vụ mới thuận lợi, giúp giảm bớt lo ngại khi dự báo hiện tượng thời tiết El Nino cũng sắp hình thành.
Giá cà phê suy yếu là điều đã được dự báo do các thị trường kỳ hạn đang vào chu kỳ giảm trong thời gian chuyển tiếp giữa các niên vụ với áp lực sắp bước vào thu hoạch vụ mới của nhiều nước sản xuất chính trên thế giới.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 9 đã đạt 24.362 tấn, đưa xuất khẩu 8,5 tháng đầu năm lên đạt 1.225.823 tấn (khoảng 20,43 triệu bao, bao 60 kg) giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam hiện đang ở mức 70 – 72 ngàn đồng/kg nhưng rất khó mua vì nguồn cung đã cạn kiệt, chỉ còn một số lượng rất đáng kể nằm trong tay các doanh nghiệp FDI với mức giá chênh lệch cao ngất ngưởng.
Anh Văn (giacaphe.com)