Đằng sau cơn sốt sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc

Qua các hiệp định thương mại, sầu riêng Việt Nam đã có những bước đi nổi bật vào thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo của HSBC, thị trường Trung Quốc chiếm 91% nhu cầu về sầu riêng của thế giới trong hai năm qua. Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017.

Phần lớn sầu riêng bán ở thị trường Trung Quốc được nhập khẩu từ Đông Nam Á. Đây được đánh giá như một sức bật cho mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN đang bùng nổ.

Với tổng dân số hơn 2 tỉ người, Trung Quốc và các nước ASEAN có tiềm năng tạo nên một thị trường khổng lồ khi nền kinh tế khu vực tiếp tục mở rộng và hội nhập.

Dòng hàng hóa tại thị trường khu vực này tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách miễn thuế và mở rộng tiếp cận thị trường trong khuôn khổ Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

sau rieng viet nam
Gian hàng sầu riêng Việt Nam trong Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ XX tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Nam Ninh (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 18.9.2023). Ảnh: Xinhua

“Một thập kỷ trước, các loại trái cây ASEAN như sầu riêng, măng cụt và dừa vàng rất hiếm ở Trung Quốc, nhưng giờ đây, chúng có thể được nhìn thấy ở các quầy bán trái cây ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc với giá cả ngày càng phải chăng” – ông Wang Zhengbo, chủ tịch một công ty trái cây ở Quảng Tây, nhìn nhận.

Sầu riêng ở Trung Quốc trước đây chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia. Loại trái cây này rất đắt đỏ do nguồn cung hạn chế. Năm ngoái, sầu riêng Việt Nam, nổi tiếng với mùa thu hoạch dài hơn và giá thấp hơn, đã tiếp cận thị trường tỉ dân theo khuôn khổ RCEP. Tiếp đến, sầu riêng từ Philippines cũng xuất hiện từ tháng 1 năm nay.

Trong làn sóng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, công ty của ông Wang năm ngoái đã ký hợp đồng với các trang trại sầu riêng ở Việt nam với tổng diện tích gần 3.000 ha.

“Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam trong năm nay để phục vụ nhu cầu của thị trường Trung Quốc” – vị lãnh đạo công ty nói.

Việt Nam đã thu được hơn 500 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng trong 5 tháng đầu năm, tăng 18 lần so với một năm trước. Sản lượng sầu riêng xuất khẩu là hơn 65.000 tấn trong giai đoạn này, trong đó Trung Quốc mua 97% lô hàng.

Wong Kok Loong từ Malaysia đã theo sát cơn sốt sầu riêng của Trung Quốc. Doanh nhân này bắt đầu tham dự Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN vào năm 2015 để bán bánh ngọt và kẹo sầu riêng. Nhận thấy sự bùng nổ thương mại điện tử của Trung Quốc trong những năm gần đây, ông đã mở cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu nước này như JD.com và Tmall.

“Bây giờ sản phẩm sầu riêng của tôi đã mở rộng từ 4 chủng loại lên hơn 80 chủng loại, trong đó có sầu riêng cuộn sữa trứng và phô mai sầu riêng” – ông chia sẻ.

Vào tháng 8, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc ghi nhận mức tăng 4,6% sau ba tháng chậm lại, cho thấy tâm lý người tiêu dùng được cải thiện khi nền kinh tế nước này phục hồi.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN đã tăng từ hơn 100 tỉ USD năm 2004 lên 975,3 tỉ USD năm 2022. Hai bên là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong ba năm liên tiếp.

Zhang Jianping – Phó Giám đốc Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc – đánh giá: “Bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, trong khi hợp tác thương mại Trung Quốc-ASEAN vẫn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ là điều có ý nghĩa cả khu vực và toàn cầu”.

>> Trung Quốc kéo nhu cầu sầu riêng thế giới tăng 400%

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79