Hiệu quả từ mô hình sản xuất cà phê cảnh quan và giảm phát thải carbon ở Lâm Đồng

Từ khi tiếp cận với chương trình “Tiếp cận cảnh quan trong sản xuất cà phê hướng tới sự bền vững và giảm phát thải khí carbon” do Công ty JDE, Tổ chức IDH và Công ty Cổ phần Intimex Mỹ Phước tài trợ, người dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã thay đổi nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện các mô hình cà phê cảnh quan, giúp giảm phát thải đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững.

Thay đổi nhận thức của người trồng cà phê

Cà phê cảnh quan lấy cây cà phê làm chủ đạo, thiết kế trồng xen các cây che bóng, chắn gió, cây thảm phủ, cây làm đai cách ly, giúp vườn cà phê đẹp hơn, phát triển tốt hơn trong các điều kiện biến đổi thời tiết.

Những năm gần đây, khái niệm về cà phê cảnh quan đã dần đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh huyện Di Linh nói riêng và toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung. Từ khi tiếp cận với chương trình “Tiếp cận cảnh quan trong sản xuất cà phê hướng tới sự bền vững và giảm phát thải khí carbon” do Công ty JDE, Tổ chức IDH và Công ty Cổ phần Intimex Mỹ Phước tài trợ, người dân huyện Di Linh đã thay đổi nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện các mô hình cà phê cảnh quan này.

Chương trình “Tiếp cận cảnh quan trong sản xuất cà phê hướng tới sự bền vững và giảm phát thải khí carbon”, giúp giảm phát thải đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững.
Chương trình “Tiếp cận cảnh quan trong sản xuất cà phê hướng tới sự bền vững và giảm phát thải khí carbon”, giúp giảm phát thải đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững.

 

Cụ thể, từ khi thực hiện mô hình cà phê cảnh quan, người dân nơi đây đã không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây. Thay vào đó, họ sử dụng phân vi sinh, phân chuồng và vỏ cà phê chế biến sản phẩm phân bón cho cây trồng, áp dụng các phương pháp nhân nuôi vi sinh vật bản địa để phun, tưới cho vườn cây. Canh tác cảnh quan cà phê chính là quá trình hoàn thiện, cải tiến và thúc đẩy sự bền vững dựa trên các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.

Để nhân rộng và lan toả những tác động từ mô cà phê cảnh quan, vừa qua, Công ty TMTConsulting đã phối hợp với Công ty Cổ phần Intimex Mỹ Phước – đơn vị triển khai chương trình “Tiếp cận cảnh quan trong sản xuất cà phê hướng tới sự bền vững và giảm phát thải khí carbon” tổ chức cho lãnh đạo và người dân các xã trên địa bàn huyện Di Linh đi tham quan mô hình sản xuất cà phê cảnh quan tại nhà ông Trịnh Tấn Vinh, xã Đinh Lạc và ông Đinh Văn Đông, xã Hoà Bắc (huyện Di Linh). Mục tiêu của chương trình này là giúp người dân hiểu được phương thức sản xuất để nâng cao chất lượng, giảm sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, đa dạng hoá cây trồng xen, nâng cao tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, tăng thảm phủ theo hướng bền vững bảo vệ tài nguyên đất và nước, giảm phát thải đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững.

Qua chuyến đi thực tế, các thành viên tham gia chương trình đã hiểu rõ, đầy đủ về mô hình cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng. Trong đó, tầng cây cao gồm cây xen canh (cây ăn trái, cây rừng) dùng để che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn; tầng trung trồng cà phê và tầng thấp là thảm thực vật cỏ giúp chống xói mòn, giữ ẩm và bổ sung hữu cơ cho đất, phát triển các vi sinh vật có lợi mang lại lợi ích cho cây trồng chính.

Năng suất cao, thu nhập ổn định

Tham gia trong chuyến đi này, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TMTConsulting chia sẻ: Việc giúp người sản xuất cà phê thay đổi tư duy canh tác, tích luỹ kinh nghiệm áp dụng sản xuất thực tế vào vườn hộ là một quá trình. Vì vậy, chúng tôi sẽ từng bước thực hiện qua kết hợp giữa các buổi tập huấn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), và lồng ghép truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân trong khuôn khổ chương trình tài trợ để đạt được các mục tiêu mà dự án đưa ra.

Mô hình trồng cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng của ông Đinh Văn Đông, xã Hoà Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Mô hình trồng cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng của ông Đinh Văn Đông, xã Hoà Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Ông Đinh Văn Đông chủ mô hình ở xã Hoà Bắc cho biết: Vườn cà phê 1,6 ha cà phê của gia đình tôi được trồng theo mô hình cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng. Trong đó, tầng cây cao gồm chuối, vú sữa, cây hồ tiêu dùng để che bóng, chắn gió để điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung trồng cà phê và tầng thấp nhất là trồng ớt, giữ lại thảm cỏ.

Thảm thực vật giúp chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Việc áp dụng thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Còn đối với tầng cao, cây ăn trái và hồ tiêu giúp tăng thêm thu nhập ngoài cà phê. Ngoài sản lượng cà phê thu được hằng năm hơn 4 tấn/ha, gia đình tôi còn thu nhập hơn 500 triệu đồng từ chuối, hồ tiêu và các loại cây trồng khác.

Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ của ông Trịnh Tấn Vinh, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng
Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ của ông Trịnh Tấn Vinh, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng

Theo ông Trịnh Tấn Vinh, chủ mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ ở xã Đinh Lạc, gia đình ông đã chuyển sang canh tác cà phê hữu cơ từ năm 2006, giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn, như năng suất giảm 50-60%, vườn cây sâu bệnh nhiều do sức đề kháng yếu. Tuy nhiên, với sự cố gắng và quyết tâm thay đổi sản xuất cà phê 3 không, như không bón phân vô cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không làm cỏ, gia đình ông chỉ bón phân hữu cơ tự sản xuất từ vỏ cà phê, phân vi sinh, trên vườn cây ông trồng lạc dại làm thảm phủ, trồng cây mắc ca, sầu riêng, bơ… làm cây trồng xen trên vườn cà phê. Với phương thức sản xuất này, gia đình ông đã giảm hơn 50% chi phí sản xuất nhưng năng suất vườn cà phê vẫn đạt 3-3,5 tấn/ha. Thu nhập từ 1 ha của ông hàng năm trên 500 triệu đồng.

Thay mặt đoàn tham quan, ông Phạm Ngọc Thiệu, Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc cho rằng: Tôi và thành viên trong đoàn đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình cà phê cảnh quan. Mô hình này giúp người dân thấy được thực tế việc chăm sóc cà phê, giảm lượng phân bón hóa học, tăng lượng phân vi sinh hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, thấy được lợi ích của việc bố trí vườn cà phê đa tầng từ cao đến thấp, và được bố trí phù hợp thông thoáng, ánh sáng trải đều nên các loại cây xanh tốt quanh năm, năng suất cao hơn trước và thu nhập ổn định. Từ những thành công của 2 mô hình trên, tôi sẽ về địa phương chỉ đạo và tuyên truyền nhân rộng phương thức canh tác cà phê cảnh quan ra toàn xã./.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80