Đổ xô trồng chanh dây, giá rớt thê thảm

Diện tích trồng chanh dây tại Gia Lai ngày càng tăng, trong khi giá chanh dây lại tăng giảm thất thường do phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài.

“Bài ca rớt giá”

Sau nhiều tháng chanh dây rớt giá thảm hại, những ngày gần đây, giá chanh dây đã tăng lên chút ít khiến nhiều nông dân ở Gia Lai khấp khởi vui mừng. Hiện, giá chanh múc đã tăng lên 5.500 – 6.000 đồng/kg, chanh xô có giá 6.500 – 7.000 đồng/kg, chanh lựa xuất châu Âu giá 25.000 đồng/kg…

Đổ xô trồng chanh dây, giá rớt thê thảm
Nhiều nông dân phá bỏ vườn chanh dây khi giá lao dốc. Ảnh: TRẦN HIẾU

Trong những tháng đầu năm 2023, chanh dây rớt giá không phanh. Giá chanh múc (chanh chiết dịch) từ 10.000 đồng/kg rớt xuống 2.500 – 3.000 đồng/kg. Chanh quả chỉ còn 5.000 đồng/kg. Thực tế này khiến nhiều nông dân hoang mang.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính khiến chanh dây rớt giá là do thời điểm này trùng với mùa vụ chính thu hoạch chanh dây của Trung Quốc. Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc bị bão lũ và sau dịch Covid-19 nhiều người dân có thu nhập thấp, ít việc làm, dẫn đến sức mua giảm cũng là nguyên nhân khiến chanh dây Việt Nam rớt giá.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (H.Chư Păh), thời gian qua, giá chanh dây xuống thấp khiến nhiều người dân không mặn mà chăm sóc vườn cây dẫn đến chất lượng kém. Khi thấy thời điểm giá chanh dây tăng cao, người dân chạy theo lợi nhuận, bất chấp mở rộng diện tích ồ ạt mà không lường trước sự việc.

“Kế hoạch phát triển vùng chanh dây của các nhà máy thu mua và người dân chưa thực sự phù hợp. Chẳng hạn, nhà máy có công suất 500.000 tấn thì cần bao nhiêu người trồng, diện tích bao nhiêu là đủ, khi đó giá mới ổn định được. Nhằm ổn định thị trường chanh dây cần có sự giúp sức từ phía chính quyền để có những hoạch định chiến lược cụ thể, nếu không người dân ồ ạt trồng rồi lại phá bỏ”, ông Minh nói.

Năng suất chanh dây cũng tăng lên nhờ nông dân đã đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thay vì nhiều năm trước năng suất chỉ tầm 30 – 40 tấn/ha thì nay đã lên đến 40 – 50 tấn/ha. Gia Lai hiện là một trong những địa phương có năng suất chanh dây cao so với cả nước.

[ Chanh dây rớt giá, cơ hội để Gia Lai cơ cấu lại ngành hàng ]

Làm gì để chanh dây phát triển bền vững?

Thời điểm năm 2022, giá chanh dây dao động trong khoảng 16.000 – 20.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi ha trồng chanh dây, sau khi trừ chi phí, người dân có lãi từ 300 – 600 triệu đồng. Vì thế, nông dân khu vực Tây Nguyên đã đổ xô trồng chanh dây.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, hiện diện tích chanh dây của địa phương đã lên đến hơn 5.000 ha với khoảng 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số.

lam giau nho trong chanh day
Nhờ trồng chanh dây, nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu
TRẦN HIẾU

Theo quy hoạch phát triển cây trồng của Gia Lai, đến năm 2025, diện tích chanh dây của tỉnh này sẽ mở rộng lên đến 25.000 ha và đến năm 2030 là 30.000 ha. Định hướng và tham vọng này sẽ đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chanh dây của Việt Nam.

Ông Lê Văn Tuyến, Tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Thông Đỏ, cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư hàng triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất giống chanh dây chất lượng cung cấp cho nông dân tại H.Chư Pưh. Năng lực của công ty có thể sản xuất đến 20 triệu cây giống/năm, đủ trồng cho khoảng 20.000 ha. Với chu kỳ trồng, khai thác khoảng 18 tháng hoặc 2 năm là phải trồng mới, công ty chúng tôi đủ sức cung cấp giống cho nông dân ở nhiều tỉnh, thành và cả thị trường ngoài nước”.

Theo ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, để chanh dây phát triển bền vững cần đẩy mạnh tuyên truyền liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp cần tập trung tham mưu, đổi mới, nâng cao năng lực hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là các HTX. Trong đó, phát triển chanh dây cần phải theo nhu cầu thị trường và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ mã số vùng trồng, diện tích, địa điểm và các hàng rào kỹ thuật theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tại Gia Lai hiện có hai công ty lớn đầu tư chế biến chanh dây với mức tiêu thụ cao, gồm: Nhà máy chế biến trái cây tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP.Pleiku) thuộc Công ty TNHH Quicornac với công suất khoảng 300 tấn/ngày và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai có nhà máy tại H.Mang Yang.

Năm 2022, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai đã thu mua 35.000 tấn quả chanh dây. Sản lượng, doanh thu từ xuất khẩu chanh dây của công ty trong năm 2022 tăng 125% so với năm 2021, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 137%.

>> Lãi ngon một mùa, chanh dây lại khiến người trồng đứng ngồi không yên

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng