Cà phê vẫn đang là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk cho người nông dân thu nhập ổn định, bất chấp việc sầu riêng, mắc ca được giá trong những năm qua.
Ngày 25.8, tại tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức hội thảo tham vấn “Kết quả nghiên cứu và đánh giá chương trình phục hồi cảnh quan giai đoạn 2019 – 2023”.
Trong sự kiện, có hoạt động tham vấn kết quả nghiên cứu về “Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội mô hình cà phê trồng thuần và mô hình cà phê nông lâm kết hợp tại một số điểm thuộc tỉnh Đắk Lắk”.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu năm 2023, diện tích đất trồng cà phê toàn tỉnh là hơn 212.912ha (chiếm đến 32,37% đất sản xuất nông nghiệp). Trong đó, tính riêng sản lượng cà phê lên đến hơn 550.000 tấn (tức chiếm 1/3 tổng sản lượng cả nước).
Trong thời gian qua, Tropenbos Việt Nam đã thí điểm triển khai mô hình nông lâm kết hợp và trồng cà phê thông minh tại một số địa bàn của tỉnh Đắk Lắk.
Kết quả thu được cho thấy, tại các khu vực áp dụng mô hình nói trên đã hạn chế được nguy cơ suy thoái rừng, tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường hơn rất nhiều so với cách thức canh tác truyền thống.
Ông Trần Hữu Nghị – Giám đốc Tropenbos Việt Nam – nhận định: “Cà phê vẫn là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, chiếm phần lớn thu nhập của người nông dân trên địa bàn.
Trước tình hình biến động của thị trường, người dân không nên vội vàng chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là đối với cà phê vì đây là loại nông sản truyền thống của địa phương, cho thu nhập ổn định.
Nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn đang chịu nhiều sức ép vì giá cà phê đều đang phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Nhiều loại phân bón khó xác định được nguồn gốc ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây trồng và giá vật tư tăng cao trong những năm qua.
Bà con nông dân chưa tiếp cận được các chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra tình trạng người dân trồng cà phê trên đất lâm nghiệp hay phá rừng để làm rẫy”.
Từ đó, các chuyên gia của Tropenbos Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai mô hình nông lâm kết hợp để cải thiện chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế nguy cơ suy thoái rừng.
Ngành nông nghiệp cung cấp danh sách các loài cây có thể trồng xen vào cây cà phê phù hợp với đất đai và khí hậu của địa phương. Tạo điều kiện cho bà con đi tham quan học hỏi các mô hình cà phê nông lâm kết hợp ở các địa phương khác; cung cấp địa chỉ uy tín để mua phân bón và hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển nông nghiệp
>> Tròn 100 năm cây cà phê đến với Đắk Lắk, trở thành cây trồng chủ lực