Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía nam của Hội Làm vườn Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm thực tế từ phía nhà vườn và cả doanh nghiệp, hiện đang vào cao điểm thu hoạch ở Khánh Hòa và Đắk Lắk nhưng giá sầu riêng vẫn rất cao, lên tới 80.000 – 90.000 đồng/kg, loại xuất khẩu.
Giá cao khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng với đối tác, thậm chí là không mua được hàng để xuất khẩu.
[ Giá sầu riêng ở mức cao, doanh nghiệp khó thu mua ]
“Giá sầu riêng mà thị trường Trung Quốc mua vẫn đang tốt, đủ để các khâu trong chuỗi giá trị có lãi khá. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều người là sầu riêng Việt Nam hiện tại đang vào vụ nghịch nên “một mình một chợ” và ai cũng muốn đẩy giá lên. Trong khi thương mại quốc tế thì có hợp đồng cụ thể và thị trường cũng có ngưỡng chịu đựng. Nếu đẩy lên quá cao thì họ sẽ hạn chế tiêu thụ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Hiện giá sầu riêng đầu ra ở thị trường Trung Quốc theo tôi biết là 130.000 – 150.000 đồng/kg. Nếu mình cứ đẩy vượt quá giá thì có thể đối diện với nguy cơ ngưng trệ“, ông Mười cảnh báo.
TS Phan Việt Hà, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên, lo lắng: Với tốc độ phát triển sầu riêng hiện nay, dự kiến trong vòng 5 năm nữa sản lượng sầu riêng có thể đạt tới 2 triệu tấn/năm.
Những bài học từ cây hồ tiêu, cà phê hay thanh long vẫn còn còn nguyên giá trị. Nhưng sầu riêng thì còn rủi ro hơn vì chín rất nhanh, sản lượng lớn cần phải thu hoạch chỉ trong 2 tháng. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống logistics, kho bãi phát triển hơn nữa. Các thị trường tiêu thụ cũng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc cũng như quy chuẩn về ngoại hình, kích cỡ.
Nông dân hiện nay lại chưa chuẩn bị kỹ về kiến thức, quy trình canh tác, thậm chí mở rộng ở những nơi không phù hợp thổ nhưỡng. Do đó ở góc độ quản lý, cơ quan quản lý chỉ có thể khuyến cáo người dân cần phải cẩn thận, không nên độc canh một loại sầu riêng và mở rộng diện tích trên những vùng không phù hợp.
Theo các chuyên gia, hiện tại số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn còn ít, chính vì vậy các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh làm việc với phía Trung Quốc để tăng diện tích được cấp mã số. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát từ cấp địa phương đến cửa khẩu để tránh tình trạng “mạo danh” như đã từng xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái.
Ngành nông nghiệp cần thông qua các tổ chức hiệp hội, cần sớm hình thành những cơ chế hợp tác, gắn kết kế hoạch sản xuất chuyên canh của người nông dân với cơ cấu đơn hàng phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Xem thêm tin tức “sầu riêng“: