Hiện giá phân bón trong nước đã có dấu hiệu tăng nhẹ theo giá thế giới. Trong bối cánh giá ure trên thế giới liên tục tăng từ giữa tháng 6 đến nay.
Giá ure thế giới tăng từ giữa tháng 6 và tiếp tục tăng
Báo cáo mới nhất của Argus và Fertecon (các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế) cho thấy: giá ure thế giới đã tăng liên tục từ trung tuần tháng 6 đến nay với mức tăng 24-50% (tùy thị trường). Hiện giá ure thế giới đã tăng lên mức tương đương thời điểm tháng 1-2/2023.
Trong tuần từ 28/7-3/8, giá ure tiếp đà tăng 18-48 USD/tấn so với tuần trước; trong đó Trung Đông có giá tăng mạnh nhất.
Trong đó, tại Trung Á, nguồn cung ure tại các cảng Gruzia dường như hầu hết đã được cam kết trong các giao dịch và cũng có thông tin nguồn cung hạn chế do các vấn đề logistics xung quanh các chuyến hàng từ Trung Á qua Biển Caspian.
Tại Trung Đông, ghi nhận nhiều giao dịch giao hàng tháng 8, giá ure hạt đục đã tăng 37-48 USD/tấn so với trung tuần tháng 7. Giá ure giao ngay tăng mạnh trong tuần khi các thương nhân dự đoán giá ure tính theo giá CFR (giá phân bón và cước phí) sẽ tiếp tục tăng. Những người tham gia thị trường nhanh chóng chấp nhận chào giá của nhà sản xuất ở mức 400 USD/tấn Fob (giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu), tăng 43 USD/tấn so với giá giao dịch cao nhất của tuần giữa tháng 7.
Tại Iran, Lordegan đã bán 35.000 tấn ure hạt đục ở mức 382 USD/tấn Fob, Kermanshah cũng bán 30.000 tấn ure hạt đục ở mức 380 USD/tấn Fob và cả hai lô hàng đều giao trong nửa đầu tháng 9.
Với khu vực Đông Nam Á, nhà máy Bintulu (Malaysia) ngừng máy từ ngày 12/7 để bảo dưỡng khiến nguồn cung hàng giao ngay từ Indonesia và Brunei hạn chế. Tại Thái Lan, nhu cầu ure có xu hướng tăng do lượng mưa tăng khiến giá ure cũng tăng theo. Tại Myanmar, Awba và CDSG đã mua khoảng 30.000 tấn ure hạt đục để giao vào cuối tháng 9.
Đối với thị trường Campuchia, nhu cầu ure trong nước hiện đang suy yếu do trong giai đoạn trái vụ. Thời điểm mua hàng cho vụ mùa tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 11, do đó các nhà nhập khẩu sẽ bắt đầu mua hàng vào cuối tháng 10.
Tại Biển Đen, chào giá ure dao động quanh mức 400 USD/tấn Fob cho các lô hàng giao cuối tháng 8 hoặc tháng 9, tăng 60 USD/tấn so với tuần trước.
Hay như ở Trung Quốc, giá ure xuất xưởng của Trung Quốc đầu tháng 8 tăng 7-12% so với tuần cuối tháng 7 lên mức 2453-2625 nhân dân tệ/tấn. Đối với hàng xuất khẩu, giá ure hạt đục và hạt trong đều tăng 35-55 USD/tấn so với tuần giữa tháng 7. Giá tăng trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu tăng và có những lo ngại về những hạn chế xuất khẩu của chính phủ để đảm bảo nguồn cung cho vụ mùa thu sắp tới (dự kiến vào tháng 9).
Với việc giá ure tăng mạnh, giá các loại phân bón chủ chốt khác như Kali, DAP, MOP, NPK trên thị trường thế giới đều tăng.
Giá phân bón tại Việt Nam tăng theo giá thế giới
Từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đều có thông báo điều chỉnh giá lệnh tăng theo xu hướng giá thế giới, tiếp đà tăng liên tục từ khoảng giữa tháng 7 đến nay.
Cụ thể, nhà máy Đạm Cà Mau đã thông báo giá lệnh mới ra hàng ure tại nhà máy lên mức 10.000 đồng/kg, kho trung chuyển Tây Nam Bộ lên 10.100 đồng/kg, kho trung chuyển miền Trung và miền Bắc lên 10.150 đồng/kg, áp dụng từ 2/8 đến 15/8 (giá này không áp dụng chính sách bán bộ sản phẩm).
Nhà máy Đạm Phú Mỹ chiều 1/8 đã thông báo giá lệnh mới ra hàng ure, trong đó giá ure Phú Mỹ tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ và miền Trung tăng 700 đồng/kg lên mức 9.900 đồng/kg; tại kho trung chuyển miền Bắc tăng lên mức 9.800 đồng/kg (mua riêng ure) và 9.700 đồng/kg (mua cùng bộ sản phẩm gồm Kali và NPK).
Nhà máy Đạm Ninh Bình đã thông báo lệnh mới ra hàng ure với giá tăng 300 đồng/kg lên thành 9.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 1/8.
Nhà máy Đạm Hà Bắc từ chiều 27/7 đã thông báo điều chỉnh tăng giá lệnh tại nhà máy 200 đồng/kg lên mức 9.000 đ/kg áp dụng từ ngày 28/7 và hiện vẫn giữ giá lệnh cũng như không có chương trình chiết khấu theo lượng.
Theo CTCP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, thị trường ure trong nước dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi xuất khẩu dù nhu cầu tiêu thụ trong tháng 8 dự báo vẫn ở mức thấp. Trong bối cảnh giá thế giới tăng, các nhà sản xuất trong nước cũng đã tăng chào hàng ure xuất khẩu.
Trong đó, Đạm Phú Mỹ đã ký các lô hàng xuất khẩu lượng nhỏ với mức giá khoảng 420 USD/tấn Fob. Đạm Ninh Bình cũng có kế hoạch xuất khẩu 20-25 nghìn tấn. Trong ngắn hạn, dự báo thị trường trong nước tạm thời vẫn giữ xu hướng tăng giá theo giá lệnh mới và kỳ vọng xuất khẩu vẫn ở mức cao. Tuy nhiên hoạt động giao dịch sẽ không sôi động do nhu cầu tiêu thụ trong tháng 8 không mạnh bởi nhiều khu vực trái vụ.
Nhận định về thị trường phân bón trong thời gian tới, ông Lê Trọng Phúc, Tổng Giám đốc CTCP Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) nhận định, giá phân bón trong nước cũng đã và đang có chiều hướng tăng theo giá thế giới. Ông Phúc cũng cho biết, theo thông lệ, trong 3 tháng 7,8,9 dương lịch hàng năm là thời kỳ thấp điểm của phân bón bởi vụ Hè Thu đã qua, vụ Đông Xuân chưa tới. Chính vì thế nên thường thị trường phân bón trong nước thời điểm này mọi năm sẽ trầm lắng. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, hiện Nga và Ucraina đang xúc tiến xuất khẩu ngũ cốc. Nếu đạt được thỏa thuận này, giá ngũ cốc có thể tăng lên. Bên cạnh đó, giá gạo trên thị trường thế giới cũng tăng sau lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ. Tất cả các yếu tố này sẽ tác động khiến giá phân bón sẽ tăng lên trên toàn cầu và cả Việt Nam.
Ông Phúc cũng nhận định, khi vào cao điểm mùa vụ tháng 9 và tháng 10 (phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân – là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm), nhu cầu phân bón mới tăng cao. Tuy nhiên mức tăng này cũng chỉ là tăng nhẹ, không thể tạo nên “cơn sốt” như hai năm 2021 và 2022 vừa qua.
Về nguồn cung phân bón trong nước hiện nay, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Phân ure đã dư thừa và xuất khẩu từ nhiều năm nay. Chính vì thế, giá phân ure có thể tăng nhưng việc tăng chỉ là tăng nhẹ và nguồn cung phân bón hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bên cạnh nguồn ure, một số loại phân bón trong nước khác như DAP, NPK chúng ta đã đáp ứng đủ và ổn định, thậm chí NPK và ure đã dư thừa và xuất khẩu.
Một số loại phân bón khác đang phải nhập khẩu như như SA và Kali gần đây cũng có xu hướng tăng giá nhưng việc tăng giá này vẫn ổn định. Với riêng Kali, chúng ta có nguồn cung cấp rất dồi dào và ổn định từ Lào nên cũng không quá lo lắng về việc thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất phân bón trong nước – ông Phúc cho biết.
> Xem giá phân bón mới nhất