Vay vốn – trả lãi, người nông dân thường không hài lòng với việc trả bằng cà phê nhân vì chủ nợ thu lãi khá cao
Đa dạng hình thức vay vốn
Việc cam kết vay vốn của người nông dân với các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê (gọi tắt là chủ nợ) thường chỉ bằng nói miệng, hoặc viết giấy tay mà không được xác nhận bằng pháp lý. Hình thức vay này thường được chủ nợ tính lãi theo mức lãi suất của ngân hàng NN-PTNT và đến mùa thu hoạch buộc người vay phải bán cà phê cho chủ nợ.
Tuy nhiên, cũng đã có không ít rắc rối xảy ra cho phía chủ nợ, bởi nhiều hộ gia đình khi vay tiền để sản xuất, đến kỳ thu hái thì lại bán cà phê cho đại lý khác, trong khi số nợ và lãi cũ vẫn chưa chịu trả. Anh Trần Anh Dũng, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân thương mại Dũng Ngân ở phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ cho biết: những năm gần đây, có rất nhiều các đại lý, doanh nghiệp và điểm thu mua cà phê nhỏ lẻ “mọc lên”, người dân có quyền bán sản phẩm cho ai tùy thích.
Song mỗi khi khó khăn, các khách hàng quen lại tìm đến doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động trên địa bàn để vay tiền, nhiều hộ vay, rồi đến mùa thu hoạch xong vẫn không thấy đưa cà phê đến bán như đã thỏa thuận trước. Việc giao kèo chỉ qua giấy viết tay và dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau là chính nên về mặt pháp lý không có giá trị.
Anh Dũng than thở: hiện tổng số vốn của doanh nghiệp cho người dân vay còn tồn đọng từ những niên vụ trước khoảng trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc nhiều hộ vay – trả rất sòng phẳng và trở thành khách hàng thân quen của doanh nghiệp.
Từ những hạn chế đó, đến nay lại xuất hiện thêm hình thức vay vốn mới, đó là việc chốt giá cà phê: người vay không phải trả lãi suất như trước, các mối giao kèo được cụ thể hóa hơn thông qua Giấy vay mượn tài sản mà phía chủ nợ in sẵn, chỉ cần điền số tiền vay và chữ ký của đôi bên.
Thông qua Internet, báo chí, đài truyền hình… bà con có thể cập nhật giá cả cà phê hằng ngày, vì vậy ngay cả tại thời điểm cà phê mới ra hoa, đậu quả non đến trước khi thu hoạch, người trồng cà phê nếu có nhu cầu vay vốn đều được các đại lý, doanh nghiệp cho vay tiền với hình thức quy đổi ra cà phê nhân và chốt giá tại thời điểm vay vốn.
Ví dụ: muốn vay 20 triệu đồng, mà giá cà phê nhân tại thời điểm vay là 40.000 đồng/kg nhân, thì chủ nợ sẽ quy đổi ra giá cà phê (tương đương 5tạ) và trừ đi phần khấu hao của chênh lệch trượt giá, sau khi thu hoạch, người dân sẽ phải trả nợ khoảng 7tạ cà phê nhân, dù giá cà phê ở thời điểm thu hoạch cao hay thấp hơn lúc vay.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Hà, chủ đại lý thu mua cà phê tại thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng chia sẻ: mùa thu hoạch cà phê đang bắt đầu, các chủ nợ phải đến từng hộ dân để dục họ trả nợ và bán cà phê cho đại lý như trong thỏa thuận, song không như những năm trước, giá cà phê đầu năm hiện đang giảm mạnh (trên dưới 37.000 đồng/kg), khiến bà con mang tâm lý muốn găm hàng chưa vội bán, việc thu nợ cũng không dễ dàng gì.
[ Đại lý vỡ nợ và chuyện ký gửi cà phê của nông dân ]
Người dân vẫn thiệt đủ đường
Dù với hình thức vay vốn như thế nào chăng nữa, các chủ nợ vẫn tìm đủ mọi phương cách tính toán để có lợi cho mình, còn đối với người nông dân đi vay thì vẫn chịu thiệt thòi. Vay vốn – trả lãi, người nông dân thường không hài lòng với việc trả bằng cà phê nhân vì chủ nợ thu lãi khá cao, có khi bằng gần gấp đôi số tiền đã vay. Còn kiểu vay mới là chốt giá thì chủ nợ dựa trên giá cà phê tại thời điểm vay để tự làm giá, đưa ra giá thấp hơn giá sàn của thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Anh Trần Công Tam, ở xã Ea H’ding, huyện Cư M’gar bộc bạch: “Gia đình tôi vay 10 triệu đồng của một đại lý thu mua cà phê quen biết trong xã từ hồi tháng 5-2012 (lúc cây cà phê ra quả non), với giá chốt 35.000 đồng/kg trong khi giá thị trường thu mua lúc đó là 42.000 đồng/kg. Biết là thiệt thòi lớn nhưng vẫn phải “cắn răng” để vay vì thiếu vốn sản xuất”.
Chưa hết, đến nay, khi cà phê bước vào mùa thu hoạch, việc trả nợ và bán cà phê cho chủ nợ cũng có khá nhiều chuyện để bàn. Theo phản ánh của nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Krông Buk, lúc vay tiền đã bị chủ nợ gây khó dễ, không nghĩ rằng đến khi trả nợ cũng bị o ép, các chủ nợ đến thu cà phê thường trừ tạp chất (cành, lá cây lẫn trong nhân) và trừ vào độ ẩm trong cà phê nhân khá cao có khi là 3-6kg/tạ, lại còn trừ cả tiền xăng, nhân công đến thu nợ…
Nếu giá cà phê nhân tại thời điểm lấy nợ thấp hơn lúc chốt giá thì việc khấu trừ các khoản nêu trên lại càng cao hơn nữa, vì thế, suy đi tính lại thì chủ nợ không bao giờ thiệt thòi…
Đã đến lúc các địa phương cần có những biện pháp, chế tài hiệu quả nhằm thắt chặt quản lý khâu thu mua cà phê trên địa bàn; các nhà đầu tư cần kết hợp với người trồng cà phê thực hiện các mô hình cà phê sạch bền vững với đầu ra ổn định; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế vay nợ tự do mà không có xác nhận của chính quyền địa phương nhằm tránh những trường hợp bất trắc gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an ninh trên địa bàn và tổn hại đến kinh tế gia đình.
Xem thêm: Bán được hạt cà phê đâu chỉ đơn thuần là “chuyện tiền trao cháo múc”