Hồ tiêu một thời được mệnh danh là “vàng đen” do giá trị kinh tế mang lại cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá tiêu duy trì ở mức thấp, khí hậu biến đổi thất thường cùng nhiều yếu tố tác động khiến người trồng tiêu chán nản, bỏ bê vườn hoặc phá bỏ. Do đó, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh đang ngày một giảm.
Mùa vụ năm nay, hồ tiêu mất mùa, giá lại giảm sâu khiến cuộc sống của nông dân trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Đặc biệt, khoản nợ vay để đầu tư vào vườn tiêu đang “treo lơ lửng” không biết đến khi nào mới trả được.
MẤT MÙA, GIÁ GIẢM SÂU
Mùa vụ năm 2022, vườn tiêu 10 năm tuổi, rộng 1,5 ha của gia đình anh Vũ Đức An ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp thu được hơn 3 tấn. Năm vừa qua, gia đình anh đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng đầu tư chăm sóc nhưng năm nay vườn tiêu chỉ thu được khoảng 1,2 tấn, giá bán cũng thấp hơn. Đầu vụ năm 2022, giá hạt tiêu khoảng 90 ngàn đồng/kg thì năm nay chỉ còn 70 ngàn đồng/kg.
Anh An cho hay: Giá tiêu thấp đã kéo dài 4-5 năm nay, phá bỏ vườn thì tiếc mà giữ lại thì không có lời. Mùa vụ năm nay, giá tiêu giảm sâu, mất mùa nên nông dân lỗ nặng, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.
Vườn tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh cũng trong cảnh tương tự. Theo chị Thúy, vườn tiêu rộng 4 ha của gia đình trong vài năm trở lại đây dù năng suất không cao nhưng vẫn cho thu hoạch đều, từ 5-6 tấn tiêu khô. Năm nay, do nhiều yếu tố tác động dẫn đến vườn tiêu thất thu nặng, sản lượng chỉ đạt 2,5 tấn. Và đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các vườn tiêu trên địa bàn xã Lộc Hiệp.
“Đầu vụ, tôi cố gắng chăm sóc với hy vọng đến khi thu hoạch sẽ được mùa và giá cao hơn, nhưng không ngờ lại mất mùa, giá tiếp tục giảm mạnh. Mong các cấp chính quyền, ngành chức năng có phương án hỗ trợ để nông dân có thể sống được với cây tiêu” – chị Thúy nói.
Người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư vào vườn tiêu, bây giờ gặp nhiều khó khăn do mất mùa, mất giá. Vì vậy, chúng tôi mong các cấp, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Đó là giải pháp khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, khôi phục vườn, giữ vững cây tiêu.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh LÊ KHẮC PHÚ
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết: Mùa tiêu năm nay trên địa bàn huyện Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung đều bị mất mùa, năng suất giảm. Hằng năm, năng suất tiêu trung bình đạt hơn 2 tấn/ha, nhưng năm nay chỉ khoảng 1,2 tấn/ha. Thêm vào đó, giá bán tiếp tục giảm sâu, đây là điều hết sức khó khăn đối với người trồng tiêu.
NÔNG DÂN KHÔNG CÒN MẶN MÀ
Khí hậu biến đổi thất thường, giá duy trì ở mức thấp và kéo dài khiến các chủ vườn tiêu không còn đủ khả năng tái đầu tư. Từ đó, người trồng tiêu chán nản, bỏ bê dẫn đến vườn tiêu ngày càng suy kiệt, giảm năng suất và chết dần, chết mòn. Gia đình ông Nguyễn Văn Vui ở ấp Việt Quang, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. Năm 2015, gia đình ông Vui đầu tư trồng 8 sào tiêu với khoảng 400 nọc. Thế nhưng từ năm 2016 đến nay, giá tiêu liên tục giảm; trong khi giá vật tư nông nghiệp leo thang… vì vậy, ông chán nản, bỏ bê vườn.
Ông Vui cho biết: Những năm giá hồ tiêu cao, nông hộ nào cũng chăm sóc còn hơn chăm con. Giờ nhắc đến hồ tiêu, ai cũng cảm thấy chán nản. Mấy năm nay, người trồng tiêu toàn lỗ. Hầu hết các nông hộ ở khu vực này nếu không chuyển sang cây trồng khác thì đều bỏ hoang vườn rồi đi làm thuê kiếm sống.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ Hiệp Tiến, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh Phan Chính Thuần cho biết: 3-4 năm nay, giá hồ tiêu duy trì ở mức thấp nên người trồng tiêu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư và duy trì diện tích. Do đó, vườn tiêu ngày càng bị suy kiệt dẫn đến năng suất giảm 40-50%. Trước tình hình này, 50% diện tích hồ tiêu đã được các thành viên hợp tác xã chuyển sang trồng cao su, điều và một số loại cây khác.
CẦN GIẢI PHÁP LÂU DÀI
Năm 2012, gia đình ông Văn Tiến Xuân ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước bỏ ra hơn 1,2 tỷ đồng và vay thêm ngân hàng 800 triệu đồng để đầu tư trồng 2 ha tiêu với hy vọng cuộc sống sau này sẽ đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, vườn tiêu của gia đình ông thu không đủ bù chi cho tái đầu tư. Trước tình cảnh khó khăn này, buộc ông phải phá bỏ vườn tiêu chuyển sang trồng cây khác.
Ông Xuân nói: Vườn tiêu là tất cả vốn liếng của gia đình cộng với tiền vay ngân hàng để đầu tư. Hiện gia đình vẫn chưa trả được nợ ngân hàng, hằng tháng vẫn phải trả lãi nên cuộc sống rất khó khăn. Với giá tiêu thấp kéo dài nhiều năm nên gia đình tôi buộc phải phá vườn để chuyển sang trồng cây khác.
Năm 2015, thời điểm giá tiêu đang ở đỉnh cao, vợ chồng anh Sầm Văn Sơn ở ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng để đầu tư trồng 4 sào tiêu. Khi vườn tiêu đang trong giai đoạn chăm sóc, giá đã giảm xuống dưới 100 ngàn đồng/kg. Vì vậy, vốn dùng để đầu tư chăm sóc cây trồng cũng giảm dần, dẫn đến vườn tiêu mất năng suất và chết dần. Đến nay, khả năng trả lãi ngân hàng đối với vợ chồng anh Sơn rất khó khăn.
Anh Sơn ngậm ngùi nói: Giá tiêu quá thấp không đủ tiền để mua phân bón, chăm sóc nên phải bỏ vườn thôi. Tôi mong các cấp chính quyền và ngân hàng xem xét tạo điều kiện cho gia hạn và giảm lãi suất để khôi phục sản xuất…
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong năm 2022, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn khoảng 13.858 ha, giảm 1.862 ha so với năm 2021 và đang tiếp tục trên đà giảm. Hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trồng tiêu hoạt động cầm chừng và diện tích vườn tiêu tiếp tục giảm mạnh do các thành viên chuyển đổi sang cây trồng khác.
Hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, để có vườn tiêu đạt năng suất và chất lượng, hầu hết người trồng tiêu phải vay vốn để đầu tư. Thời điểm giá tiêu ở đỉnh cao, việc nợ ngân hàng vài trăm đến hàng tỷ đồng là chuyện bình thường đối với người trồng tiêu. Nhưng từ năm 2016 đến nay, giá tiêu liên tục lao dốc, trong khi giá vật tư nông nghiệp leo thang khiến nông dân không còn khả năng tái đầu tư, rất nhiều hộ đã bỏ cây tiêu. Hầu hết người trồng tiêu vẫn đang “gánh trên vai” khoản nợ ngân hàng không biết bao giờ mới trả được.
Để duy trì, giữ vững hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cần có giải pháp chiến lược lâu dài. Trước mắt, cần hỗ trợ người trồng tiêu giải quyết khó khăn, yên tâm sản xuất và có điều kiện duy trì những vườn tiêu còn sinh trưởng tốt.