Sau hơn chục năm phát triển, rất nhiều nông dân sầu riêng ở Tây Nguyên vẫn yếu về kỹ thuật chăm sóc; các nghiên cứu về quy trình trồng còn nhiều thiếu sót và tổ chức ngành hàng còn rất thiếu đồng bộ.
Phát triển cây sầu riêng đang được hầu hết nhà nông ở các tỉnh Tây Nguyên quan tâm vì doanh thu tiền tỷ từ loại cây này, cao gấp nhiều lần các loại cây công nghiệp truyền thống. 40.000 ha sầu riêng mọc lên đã lấn át cà phê ở những vùng sản xuất quan trọng nhất. Đồng thời rất nhiều sầu riêng nữa vẫn tiếp tục được trồng xuống, với niềm tin cánh cửa xuất khẩu chính ngạch vừa được mở ra, sẽ tiêu thụ được tất cả.
Nhưng thực tế cho thấy, sau hơn chục năm phát triển, rất nhiều nông dân sầu riêng vẫn yếu về kỹ thuật chăm sóc; các nghiên cứu về quy trình trồng còn nhiều thiếu sót và tổ chức ngành hàng còn rất thiếu đồng bộ. Những bất cập này nếu không sớm được khắc phục, sẽ gây lực cản và tạo nhiều rủi ro trong thời gian tới. Đây cũng là nội dung kỳ 2 của loạt bài “Bùng nổ sầu riêng ở Tây Nguyên-rủi ro và vận hội”.
Ở năm thứ 9, hơn 30 cây sầu riêng trồng xen trong cà phê của anh Dương Việt, thôn Tân Thành xã Đliê Ya huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, cây nào cây ấy đều đã to gần bằng thân người. Những cành gần gốc đã to như bắp đùi.
Anh Việt chăm sầu riêng giống như cà phê: cùng bón một loại phân, cùng một chế độ nước tưới. Thế nhưng chỉ cà phê cho năng suất ổn định còn sầu riêng hầu như không cho thu hoạch. Anh đi hỏi hàng xóm thì mỗi người chỉ một cách nên đến nay việc điều khiển sầu riêng ra trái vẫn không đạt hiệu quả. Năm nhiều nhất anh chỉ thu được 1,5 tạ, chưa bằng năng suất của 1 cây sầu riêng ở những vườn tiêu chuẩn. Nhận thấy chăm sóc sầu riêng quá khó, anh Việt đành đăng tin cho thuê vườn cây của mình.
Theo anh Việt: “Đây đều là những cây sầu riêng rất to. Nếu như những người biết chăm thì mỗi cây phải cho được hàng tạ. Nhưng gia đình không biết chăm nên có năm không thu được gì có năm thì được một hai tạ. Chứ gia đình tôi không biết chăm, không biết làm trái”.
Tại xã Ea Yông, huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk- vựa sầu riêng lớn nhất Tây Nguyên, nơi hội tụ của nhiều giống sầu riêng, kỹ thuật trồng và các nhà thu mua, bà Phạm Thị Hương ở thôn 19 Tháng 5 cũng gặp khó với kỹ thuật chăm sóc.
Dù có thâm niên hơn 20 năm kinh nghiệm, vườn sầu riêng Dona rộng hơn 1 ha của gia đình, đa số chỉ cho loại sầu riêng “da bò, gai nu”, giá bán kém 10% so với loại “da xanh-gai nhím” mà thị trường ưa chuộng. Năng suất của vườn cũng liên tục trồi sụt. Có năm đạt đến 25 tấn, nhưng năm khác chỉ được hơn 10 tấn.
Bà Hương cho biết, ở huyện cũng có nhiều cá nhân làm dịch vụ kỹ thuật sầu riêng nhưng gia đình không thuê vì cho rằng giá dịch vụ quá đắt, không thỏa đáng.
Theo Tiến sĩ Đặng Bá Đàn, Trưởng Văn phòng Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Tây Nguyên có lợi thế lớn để phát triển sầu riêng. Đặc biệt, mô hình xen canh cà phê-sầu riêng sẽ giúp khu vực này có thể trồng hàng chục nghìn hecta mà vẫn đảm bảo tính bền vững.
Trở trêu là Nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng đã ký với đối tác Trung Quốc lại yêu cầu các vùng trồng chỉ được trồng một loại cây ăn trái duy nhất là sầu riêng. Điều đó càng khiến xu thế phá hết cà phê diễn ra nhanh chóng. Tiến sĩ Đặng Bá Đàn cũng thừa nhận, dù trồng xen sầu riêng được cho là ưu việt toàn diện, nhưng Tây Nguyên có rất ít kết quả nghiên cứu về vấn đề này, để thuyết phục đối tác chấp nhận mã số cho những vùng trồng xen sầu riêng-cà phê.
Tiến sĩ Đặng Bá Đàn chia sẻ: “Thực chất thì mỗi nước lại có những loại cây trồng khác nhau. Và ở các nước này họ băn khoăn là trồng xen thì có kiểm soát được dịch hại từ cây trồng xen sang cây sầu riêng hay không. Nhưng vấn đề này thì ở nước mình chưa nghiên cứu theo hướng đó. Trước đây nghiên cứu giá trị kinh tế là chủ yếu, chưa tính đến vấn đề là mình phải làm mã số vùng trồng như hiện nay”.
Đến thời điểm này, Tây Nguyên được công nhận tổng cộng 131 mã số vùng trồng sầu riêng, gấp 5 lần so với năm ngoái, cho thấy tiến triển vượt bậc trong công tác chuẩn bị hành trang để sầu riêng Tây Nguyên xuất ngoại. Dù vậy, so với tổng diện tích sầu riêng ở khu vực, phần được cấp mã là rất khiêm tốn, trong khi nội tình cấp-quản lý-khai thác mã vùng trồng phát sinh không ít trục trặc.
Do thiếu niềm tin, thiếu minh bạch, có trường hợp vùng trồng đã được cấp mã, nhưng người sản xuất khiếu nại đòi lại quyền sở hữu mã. Có trường hợp đủ điều kiện cấp mã nhưng người sản xuất từ chối vì không tin doanh nghiệp.
Ông Trần Quốc Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Đăk Lăk, chia sẻ thông tin về tâm tình đầy hoài nghi của nông dân: “Họ nói là không ký với ai, vì vẫn chưa tin tưởng. Khi hỏi tại sao, thì họ thông báo, bây giờ ký, mai mốt có tình trạng độc tài, ép chúng tôi thì làm thế nào. Vậy nên những chỗ đó là phải có điều khoản thỏa thuận và quy định rõ ai là người làm trọng tài để xử lý các tranh chấp đó. Luật kinh tế, luật dân sự đã có, nhưng giải quyết những cái tranh chấp của dân vẫn khó lắm”.
Gần đây, trong giới khởi nghiệp nông nghiệp ở Tây Nguyên chia sẻ rộng rãi khẩu hiệu “Muốn nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cùng nhau”. Sầu riêng Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hướng tới những thị trường xa, tương lai xa, việc cùng nhau càng trở nên cần thiết. Nhưng với thực tế thiếu niềm tin, thiếu tầm nhìn, thiếu tổ chức, việc đi xa của sầu riêng Tây Nguyên vẫn còn là vấn đề cần phải bàn, phải sửa.
Sầu riêng Tây Nguyên đã có 20 năm thành công về kinh tế, nhưng đội ngũ nông dân sầu riêng chưa đạt đến một mặt bằng kiến thức-kinh nghiệm cần thiết. Nghiên cứu về hệ sinh thái nông nghiệp sầu riêng còn nghèo nàn; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước… còn thiếu tin tưởng.
Trong khi đó, cạnh tranh trong sản xuất- xuất khẩu sầu riêng đang diễn ra gay gắt giữa nhiều quốc gia, đòi hỏi sầu riêng Việt Nam phải cố gắng hết mình. Bài học “biết người biết ta” cần được thể hiện thực chất trong tất cả các khâu, các bộ phận của ngành hàng. Và đây cũng sẽ là nội dung bài 3 của loạt bài “Bùng phát sầu riêng ở Tây Nguyên-Rủi ro và vận hội”.
Xem thêm: