Làn sóng tăng “nóng” diện tích trồng sầu riêng ở Tây Nguyên khiến ngành nông nghiệp các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk… “nóng mặt” theo, nên vội vã đưa ra các khuyến cáo.
Đầu voi, đuôi chuột
Cả nước hiện có trên 110.000 ha sầu riêng, vượt 35.000 ha so với định hướng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chỉ tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích loại cây này đã chạm ngưỡng 22.500 ha, vượt quy hoạch gần 7.500 ha, được trồng chủ yếu ở các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Hồ, Ea H’leo. Sản lượng sầu riêng niên vụ vừa qua đạt khoảng 170.000 tấn, doanh thu trên 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là “mong manh”.
Ông Nguyễn Xuân Quang ở xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có hơn 8 sào rẫy trồng cà phê xen sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh.
Ông Quang chia sẻ, với 80 cây sầu riêng, 700 cây cà phê, mỗi năm thu được hơn 700 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chủ yếu từ sầu riêng.
Vụ vừa rồi, ông Quang thu hơn 12 tấn sầu riêng, giá bán trên 42.000 đồng/kg tại vườn, thu được trên 500 triệu đồng. Ông đã dồn vốn và vay thêm ngân hàng mua 1,2 ha đất để trồng 200 cây sầu riêng xen với 800 cây cà phê, hy vọng sẽ có lợi nhuận cao.
“Giờ chủ yếu chỉ có cây cà phê và cây sầu riêng, mà cà phê thì giá không bao nhiêu, phân bón lại tăng gấp đôi, nên thu nhập không đáng kể. Trước mắt, sầu riêng có giá thì cứ trồng đã”, ông Quang nói.
Còn gia đình bà Trần Thị Thanh Nga ở thôn Toàn Thắng 1, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk có 1,2 ha cà phê. Bà cho biết, mỗi năm thu 2 – 2,5 tấn cà phê nhân, trừ chi phí đầu tư gia đình lãi vài ba chục triệu đồng. Thấy cây sầu riêng cho lợi nhuận lớn, gia đình đã mua 180 cây sầu riêng giống dona về trồng xen trong vườn cà phê.
“Vừa rồi đây 1,2 ha cà phê, mà chỉ thu được 2 tấn sản phẩm, không đủ bù đắp tiền mua phân bón. Nhà đã chuyển đổi trồng thêm sầu riêng, giờ tính ra được gần 200 cây. Một số trồng trước, còn đợt vừa rồi trồng mới 100 cây”, bà Nga chia sẻ.
Những năm gần đây, nhận thấy cây sầu riêng luôn cho hiệu quả tốt, nhiều nông dân ở Đắk Lắk liên tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, theo TS. Đặng Bá Đàn, Trưởng Văn phòng Trung tâm Khuyến nông Nam Trung bộ và Tây Nguyên (thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), việc mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, tài nguyên nước, sâu bệnh hại…
Ngoài ra, đặc tính của quả sầu riêng là chín tập trung, chính vụ chỉ kéo dài 2 – 3 tháng. Vì vậy, nếu không tiêu thụ kịp sẽ gây ùn ứ, dư thừa nguồn cung, dễ bị ép giá, nhất là trong bối cảnh hạ tầng logistics, chế biến sâu ở nước ta chưa phát triển mạnh. Hiện các quốc gia lân cận như Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng trồng và mở rộng diện tích cây sầu riêng, nên sẽ cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng của Việt Nam.
Không chỉ tại Đắk Lắc, mà tại Lâm Đồng, làn sóng trồng sầu riêng tự phát diễn ra khá phổ biến. Tiếng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhưng người nông dân thường xuyên đối mặt với giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Theo kết quả thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, năm 2022, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 17.163 ha, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021.
Sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác trồng thuần, trồng xen trên vườn cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tăng thu nhập cho người sản xuất.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng… có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
Lời giải nào cho “bài toán” phát triển bền vững?
Để phát triển bền vững cây sầu riêng ở Tây Nguyên, theo TS. Đặng Bá Đàn, chúng ta nên theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng, phát triển theo hướng hữu cơ vi sinh, sản xuất có chứng nhận tiêu chuẩn mã vùng. Đồng thời, phải có kho chứa, chế biến sâu, làm sao để sản phẩm không bị dư thừa. Đặc biệt, khâu tổ chức phải liên kết sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như doanh nghiệp chế biến và người sản xuất.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, để hạn chế tình trạng ồ ạt, tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, cơ quan này đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân, chủ doanh nghiệp phát triển ngành hàng sầu riêng một cách bài bản, bền vững.
“Không ồ ạt tự phát chuyển đổi các loại cây trồng sang trồng sầu riêng, đặc biệt ở các vùng có điều kiện thuận lợi. Quá trình phát triển phải đảm bảo giống, khuyến khích sử dụng các loại giống và quy trình có thể rải vụ, hoặc là trái vụ làm gia tăng hiệu quả. Đặc biệt, phải có sự hợp tác, liên kết để tạo ra các vùng trồng tập trung, đồng nhất về chất lượng, tuân thủ các quy định về mã vùng trồng, rồi truy xuất được nguồn gốc, hướng đến xây dựng thương hiệu đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu”, vị này nói.
Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Cơ quan này cho rằng, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh ổn định; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất hữu cơ; quản lý dịch hại tổng hợp đối trên cây sầu riêng, đặc biệt là đối với 6 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc theo Nghị định thư về Xuất khẩu sầu riêng (ruồi đục quả – Bactrocera correcta và 5 loài rệp: Dysmicoccus neobrevipes, Planococcus minor, Planococus lilacinus, Pseudococcus jackbeardsleyi, Exallomochlus hispidus).
Chính quyền các địa phương cũng cần hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã… đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản chế biến, đặc biệt là chế biến sâu để đảm bảo việc tiêu thụ sầu riêng từ các diện tích trồng xen, không phụ thuộc vào xuất khẩu sầu riêng trái tươi đi thị trường Trung Quốc; khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ với người dân và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm sầu riêng chế biến; thông tin về an toàn thực phẩm; đặc biệt là các quy định về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và các thị trường khác cho các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống sầu riêng, đảm bảo cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân sản xuất; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích…
Dân trồng thì quan chức “khuyến cáo” (?), nhưng không nói được bao nhiêu là nhiều, không có qui hoạch cụ thể nào, nông dân tự bơi một mình khi thấy có cái phao nào đó. Lúc bơi thì quan bảo coi chừng, lỡ chìm thì quan nói “thấy chưa, tui đã khuyến cáo rồi”. Nhưng không tự bơi theo cảm tính (làm đại, chẳng lẽ ngồi chờ chết) thì có ai dẫn dắt đâu. Khó trăm bề không ai hiểu, chỉ chờ cơ hội để buông những lờ kiểu như “làm theo bầy đàn, làm theo cảm tính thiếu bền vững…” Hỏi, làm bền vững vững là làm sao vậy, tự nông dân dự báo được thị trường TQ 5 năm tới trước khi quyết định trồng sầu riêng hả? Thật buồn
Theo tôi nghĩ nhà nước các phường xã phải quản lý chặt chẻ về doanh nghiệp thu mua tại các địa phương trồng sầu riêng trọng điểm. Vì họ tự làm giá móc nối với nhau để ép nông dân thôi.
Nông dân thì chạy theo không kịp thì gia đình vất vả làm thì sau về muộn rồi tình trạng xảy ra được mùa thì giá thấp giá. Cán bộ xã phường thì chỉ biết ngồi trong phòng nhận lương còn nông dân thích làm gì trồng gì, thì chỉ biết cây nào có lợi nhuận cho gia đình thì họ làm. Cây gì còn gì không mang lại kinh tế thì bỏ thôi.
Tôi là người con của Buôn Hồ Đắk Lắk thủa trước 1ha, quy định 120 cây và trồng xen trong cà phê. Nhưng giờ lợi nhuận gia đình nào ít 1ha cũng hơn 200 cây sầu riêng và rồi cây cà phê họ sẽ chặt bỏ dần. Vì sầu riêng là cây làm giàu. Còn cà phê bấp bênh giá cả công lao động nhiều nên nông dân họ chuyển đổi bất chấp thôi.nhà nước ban ngành thì thi co định hướng tìm đầu ra cho sản phẩm mà chỉ lo giữ ghế giữ lương tổ chức mọi hoạt động chỉ để ăn uống. Còn hoạt động về nông nghiệp thì họ lơ đi vì dân chẳng cho lương cho họ. Cấp trên làm đúng nhưng về cấp xã phường gần với dân thì chẳng tìm được gì giúp dân tìm đầu ra nuôi con gì trồng cây lên ngồi phòng hết giờ là về cuối tháng lĩnh lương. Nên họ không sợ đói chỉ dân làm gì cũng khổ tội đâu.,dân nghèo cũng phải chịu nói chung là cán bộ sướng dân vẫn là người gánh hết. Mong lãnh đạo nhà nước im lặng đi kiểm tra cấp dưới giống như quan đi vi hành đi không ai biết về không ai hay vậy, mới trị được sâu mọt giúp dân thì dân tin tưởng Đảng và nhà nước trên là ý kiến riêng cá nhân tôi