Những con số tăng trưởng diện tích, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu hết sức ấn tượng vẫn không làm vơi đi những lo ngại về tương lai phát triển của cây cà phê VN.
Đó là ghi nhận tại hội nghị đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp phát triển cây cà phê các tỉnh phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vừa qua (12-11) tại Daklak.
Còn nhiều vấn đề
Việt Nam được xem là cường quốc cà phê với sản lượng cà phê chỉ đứng thứ hai, sau Brazil, và đứng đầu về xuất khẩu cà phê vối. Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đến năm 2008, cả nước có 520.000 héc ta cà phê, trong đó các tỉnh phía Nam, chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, đạt 501.100 héc ta, chiếm tỷ lệ 96,3%.
Cây cà phê ngày càng chứng tỏ thế mạnh của mình trong sản xuất nông nghiệp. Niên vụ 2007-2008, cả nước xuất khẩu được hơn một triệu tấn cà phê nhân, thu về hơn 2 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững của cây cà phê trong bối cảnh thị trường cà phê thế giới luôn biến động thất thường.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, đánh giá từ khâu sản xuất, quản lý chất lượng đến kinh doanh tiêu thụ cà phê đều có những bất cập. Khâu thu hoạch và chế biến ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng sản phẩm cà phê.
Theo thống kê, chỉ có khoảng 11% số hộ hái chọn cà phê quả chín, trên 88% số hộ hái tuốt cả quả cà phê xanh; hơn 90% sản lượng cà phê được chế biến bằng phương pháp khô và bán ướt.
Ông Hòa cho rằng, việc phân loại và đánh giá chất lượng cà phê Việt Nam còn chưa chặt chẽ, hiện chỉ có khoảng 10% số doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193:2005 cho cà phê xuất khẩu. Cà phê bị loại thải còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số cà phê bị loại thải của thế giới, làm giảm uy tín và sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam.
Một vấn đề đáng quan tâm là hiện có hơn 110.000 héc ta cà phê (chiếm 22%) trên 20 năm tuổi, già cỗi thoái hóa cần phải phá bỏ trồng lại hoặc trồng cây khác. Tại sao cây cà phê thế giới có tuổi thọ từ 30-40 năm, còn ở Việt Nam chỉ có khoảng 20 năm?
Tiến sĩ Trương Hồng, Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng do sản xuất cà phê của Việt Nam theo kiểu khai thác tối đa để cho năng suất cao nên cây chóng kiệt sức, vườn cây trồng chủ yếu theo phương thức độc canh, diện tích cà phê có cây che bóng chỉ đạt 4,9%. Sản xuất cà phê như vậy có nguy cơ thiếu tính bền vững rất cao, vườn cà phê dễ bị các loại bệnh hại tấn công, chu kỳ khai thác ngắn lại.
Tái canh là bài toán
Nhiều tỉnh, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ tỏ ra quan tâm đến việc tái canh bởi nhiều vườn cà phê ở các địa phương này đã bước vào thời kỳ suy thoái. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Dak Lak, cho biết toàn tỉnh hiện có đến 30.000 héc ta cà phê trên 20 năm tuổi, nhưng việc tái canh đang là bài toán chưa giải được về mặt kỹ thuật. Những tưởng cà phê già cỗi thì chỉ cần phá bỏ, trồng lại là có thể khôi phục diện tích dễ dàng.
Thực tế mà ông Nguyễn Văn Trương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam, trình bày tại hội nghị cho thấy vấn đề nan giải hơn nhiều. Có gần 1.500 héc ta cà phê già cỗi của tổng công ty này phải thanh lý để trồng lại, nhưng sau ba năm chăm sóc nhiều vườn cây bị chết dần, có vườn chết trên 90% cây mà không rõ nguyên nhân.
Ông Trương cho rằng, phải có giải pháp kỹ thuật cấp bách cho vấn đề tái canh vì sau năm 2012, có đến 45% diện tích cà phê cả nước trên 20 tuổi phải thanh lý. Nếu không trồng lại được thì việc giữ vững mục tiêu ổn định 500.000 héc ta cà phê với 1 triệu tấn sản phẩm cà phê nhân khó trở thành hiện thực.
Những ý kiến mang tính cảnh báo trên đã được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần ghi nhận. Ông thừa nhận, sản xuất cà phê hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm về quy hoạch phát triển, tác động môi trường, quản lý chất lượng, giống, kỹ thuật tái canh…
Ông Tần chỉ đạo, Cục Trồng trọt sẽ chủ trì việc xây dựng quy hoạch phát triển cây cà phê cả nước để bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009. Các tỉnh có trồng cà phê cũng phải rà soát, đánh giá việc phát triển cà phê, bảo đảm diện tích cà phê theo quy hoạch, chủ động xây dựng các vườn giống cà phê chất lượng tốt phục vụ cho tái canh, trồng mới.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng giao Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì đề tài nghiên cứu về kỹ thuật tái canh trong vòng ba năm, xác định chính xác nguyên nhân cây cà phê trồng lại không phát triển để có giải pháp hiệu quả cho diện tích cà phê già cỗi đang lớn dần.
Ngoài ra, ông Tần cũng gợi ý các tỉnh có trồng cà phê nên tham quan, học tập kinh nghiệm tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước ở các doanh nghiệp trồng mía lớn như La Ngà (Đồng Nai), Lam Sơn (Thanh Hóa), bởi cách tưới cà phê hiện nay “quá lãng phí”, vượt quy trình từ 600-700 mét khối nước/héc ta/năm.
__________________________
Theo Trần Võ
TBKTSG