Trên quốc lộ từ Gia Lai sang Đắk Lắk, nhan nhản các đại lý bán giống chanh dây trôi nổi gắn mác giống nhập khẩu từ Đài Loan.
Loạn giống chanh dây gắn mác nhập khẩu
Trong lúc nhiều vùng nông thôn ở Gia Lai và Đắk Lắk đang trong “cơn sốt” chanh dây, nhiều người sẵn sàng vác lên mình cái danh “đại lý” để rao bán nhiều loại giống không rõ nguồn gốc.
Trong vai người mua giống chanh dây, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đến đại lý H.L xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông (Gia Lai). Chủ đại lý ban đầu chỉ nói về các giống chanh dây nội địa, quen thuộc với đa số nông hộ canh tác loại cây ăn quả này. Được hỏi về giống chanh dây Đài Loan, bà L khuyên: “Nếu mới trồng thì anh nên trồng xen kẽ nhiều loại. Giống ngoại nhập thường tốt hơn”. Giá được chào bán là 3,2 triệu đồng/thùng.
Bà L. nói hiện nay, các loại giống chanh leo đều trong tình trạng “cháy hàng”, người đợi thì đông, giống thì ít. Hỏi thêm về giống nhập nội như cây đầu dòng, xưởng sản xuất… vốn là các điều kiện tối thiểu để sản xuất cây giống, bà L. nói “chỉ biết trồng và bán” chứ không rõ phía đối tác nhập hàng từ đâu, làm thế nào. Hỏi xem mẫu cây giống, bà L. từ chối, nói “không còn hàng”.
Để thuyết phục thêm người mua, bà L. đưa chúng tôi ra sân, nơi đang có sẵn nhiều cây giống chanh dây. “Ở đây có 2 loại giống chanh dây, năm nào nhà em cũng làm. Giống ngoại được cái là vỏ quả dày, dễ bảo quản vận chuyển nên thường có giá cao hơn, giống trong nước thì có giống Tai non One nhưng số lượng còn hạn chế”.
Cách đó không xa, đại lý T.G cũng rao bán tương tự, và cũng không cho xem trước cây giống. “Hàng nhập về chưa kịp đưa vào kho đã có khách lấy rồi, còn đâu giống mà xem. Vừa hôm trước có người đặt 3,4 triệu đồng/thùng mà không có hàng đó”, bà chủ nói.
Do hàng về khó khăn, nên bà chủ T.G nói không có giá cụ thể, mà tùy thời điểm hàng về. Giá thấp nhất không thể dưới 3 triệu đồng/thùng.
Bà chủ Tâm Giang mô tả cây giống Tai One và Tai Shiang của Đài Loan được ghép sẵn “từ bển”, về phải ra bầu khoảng 15 ngày mới trồng ra vườn được . “Có năm giống Tai One được mùa, có năm Tai Shiang được mùa. Cũng tùy”, bà chủ nói.
Theo kinh nghiệm của bà chủ T.G, mỗi ha chanh dây nên trồng 10 thùng, tức khoảng 1.000 cây giống. Tính sơ sơ khoảng 30 triệu đồng tiền giống cho mỗi ha.
Bị phạt vẫn bán
Hồi đầu năm nay, cổng thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đã xử phạt 80 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Chanh leo Bazan (Công ty Bazan) vì hành vi giả mạo nguồn gốc, xuất xứ cây giống chanh leo. Theo đó, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Gia Lai) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế – Công an huyện Chư Prông đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Chanh leo Bazan, địa chỉ tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai do ông T.V.Ng làm giám đốc.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện có 2 công nhân đang đóng gói cây giống chanh dây vào các thùng giấy carton có ghi chữ TAI SHIANG – MADE TAIWAN (trong đó có 700 cây giống đã được đóng vào thùng và 250 cây chưa đóng vào thùng).
Qua làm việc, ông Ng trình bày, ông mua cây giống chanh dây của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp SeSan Gia Lai (đây là loại cây giống chanh dây của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Quốc tế Chiameei, địa chỉ tại thôn Lạc Trường, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cấp quyết định công nhận lưu hành), sau đó tập kết về tại địa điểm của Công ty Chanh leo Bazan. Tiếp đó, thuê công nhân đóng vào thùng giấy carton có in sẵn chữ TAI SHIANG – MADE TAIWAN trên vỏ thùng để bán theo yêu cầu của khách hàng.
Trước đây, các vùng trồng chanh dây tại các tỉnh Tây Nguyên đa số là giống chanh dây Đài nông 1 được nhập từ Đài Loan về để sản xuất (người dân quen gọi là giống Đài Loan hoặc Tai Shisang, Tai One theo tên nhà sản xuất). Đây là giống đủ chuẩn, cho năng suất cao và đã được kiểm soát về mặt chất lượng, tuy nhiên do việc làm giả tràn lan nên nhiều năm người dân thất bại nặng nề, có năm “giống Tai Shiang” gần như không cho quả.
Khi tiếp xúc với Công ty Bazan và đặt vấn đề mua giống chanh dây Đài Loan, một người phụ nữ xưng là đại diện Công ty cho biết: “Chúng em vẫn có sẵn các giống Tai One và Tai Shiang, Zun hao đồng giá 3,5 triệu đồng/thùng. Công ty sẽ cho người ship đến nếu số lượng lớn. Nếu vườn ở trong hẻm thì bên anh chịu khó ra chở vào giùm”.
Người này quảng cáo rằng giống Đài Nông 1 không cho nhiều quả từ vụ thứ hai trở đi, trong khi nếu là các giống chanh dây nhập khẩu từ Đài Loan thì sẽ cho quả chất lượng đều đặn.
Về vấn đề bị phạt 80 triệu đồng, người phụ nữ này thừa nhận câu chuyện, song nói rằng “bên em vẫn nhập chui?”. Sau khi hàng về, Công ty Bazan sẽ tháo ra, dán mác của Công ty vào, vì “nếu không tụi nó tóm hết trơn”.
Một người đàn ông khác, cũng xưng là đại diện của Công ty Bazan nói: “Tất cả các giống chanh dây ngoại ở thị trường đều là theo đường tiểu ngạch. Có thể từ Đài Loan sang Thái Lan, qua Lào rồi về đây. Bên Quản lý thị trường phạt là phạt cái mác Made in Taiwan thôi”.
Hai người này cũng tuyên bố sẽ có nhân viên kỹ thuật hỗ trợ quá trình chăm sóc, nếu lỗi do Công ty sẽ được áp dụng chính sách 1 đổi 1. Hỏi về hợp đồng để có ràng buộc pháp lý, cả hai người nêu trên đều nói “phải hỏi sếp”. “Đợt trước bên Kon Tum có một người lấy tới 60 thùng về trồng, cũng không cần hợp đồng gì cả. Bên em là hàng công ty mà”.
Không có giống nhập khẩu
“UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành văn bản hướng dẫn quản lý vật tư nông nghiệp, không chỉ Sở NN-PTNT mà UBND huyện, xã cũng có trách nhiệm cùng phối hợp quản lý. Vừa qua, Sở đã ra quân rà soát, đối với những loại giống không có nguồn gốc, không có chứng nhận về cây đầu dòng thì chúng tôi đều tiêu hủy”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai trả lời về vấn đề quản lý cây giống.
Đối với giống nhập khẩu, ông Có khẳng định phải được sự cấp phép từ Bộ NN-PTNT. “Trước kia đúng là Tây Nguyên phải nhập khẩu cây giống chanh dây. Tuy nhiên do giá cao, nên sau khi nhập về, một số đơn vị đã tìm cách tạo giống, từ đó nhân lên để sản xuất”, ông Có cho biết.
Đối với thông tin về các đại lý “chanh dây Đài Loan”, ông Có cho biết sẽ tiếp nhận và giao các đơn vị liên quan xử lý. Ông cũng đề nghị chính quyền địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát theo tinh thần phân cấp đã được UBND tỉnh giao.
“Ngành nông nghiệp đã nhắc hết sức kỹ, địa phương không thể buông lỏng khâu quản lý vật tư nông nghiệp. Tôi khẳng định hiện nay không có giống nào là nhập khẩu tiểu ngạch cả, tất cả đều phải qua chính ngạch. Chính quyền cấp huyện, xã cần quản lý chặt chẽ hơn nữa, phối hợp với Sở để đảm bảo nguồn cung giống đạt chuẩn cho nông dân”, ông Có cho biết.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân muốn nhập khẩu cây giống chanh dây về nước phải có Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng” do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp và “Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu” do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp. Tuy nhiên từ tháng 9 năm 2020 đến nay, chưa có cá nhân, tổ chức nào được cơ quan chức năng chấp thuận bằng văn bản cho phép nhập khẩu giống chanh dây có xuất xứ từ Đài Loan.
Xem thêm: Ồ ạt phá cà phê trồng chanh dây
Ngành chức năng nên tăng cường kiểm tra những tổ chức cá nhân bán giống chanh và xử lý thật nặng. Cần cấp phép, thông tin rộng rãi những cơ sở hoặc cá nhân bán giống chanh chất lượng để người dân không mua nhằm giống giả, giống kém chất lượng.