Nhập khẩu ngô, một nghịch lý

Ðất nước chúng ta vẫn thường tự hào là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp. Gạo, cà-phê, cao-su… xuất khẩu đem lại nguồn ngoại tệ khá lớn, hàng tỷ USD mỗi năm.

ngo-bap
Nhập khẩu ngô: Chở củi về rừng

Thế nhưng có một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay là, hằng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn ngô. Người ta không mấy ngạc nhiên khi giá thức ăn chăn nuôi phải liên tục điều chỉnh rất nhiều lần trong năm. Nguyên nhân chính là do ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo số liệu của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ước tính năm 2010, nước ta phải nhập khoảng 1,6 triệu tấn ngô, tăng 350 nghìn tấn so với năm 2009.

Vì sao lại phải “chở củi về rừng” như vậy? Có mấy nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, năng suất ngô ở ta quá thấp. Mặc dù trong những năm qua nhiều diện tích trồng ngô đã được đưa giống ngô lai vào, nhưng năng suất bình quân trên cả nước mới đạt khoảng 4,5 tấn/ha. Trong khi đó năng suất ngô của các nước như Mỹ, Phi-li-pin đã lên tới hơn 10 tấn/ha. Thứ hai, do năng suất thấp cho nên giá thành ngô cao hơn rất nhiều so với giá của các nước trong khu vực. Giá rẻ đã thu hút các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, họ không muốn mua ngô trong nước mà đổ xô nhập khẩu.

Không thể để nghịch lý này kéo dài. Phải hạn chế tiến tới chấm dứt nhập khẩu ngô, trong đó giải pháp hàng đầu là nâng cao năng suất ngô. Và để nâng cao năng suất, yếu tố quyết định là nghiên cứu, trồng các loại ngô biến đổi gen. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình này từ đầu năm 2010. Ðến nay, trên các diện tích trồng thử giống ngô biến đổi gen ở Văn Giang (Hưng Yên) và một vài nơi khác ở Ðông Nam Bộ, giống ngô mới đã cho năng suất khá cao, từ 9 đến 10 tấn/ha (gấp đôi so với năng suất ngô lai).

Một số giống ngô biến đổi gen là: NK66BT11, NK66Stack, TC1507… Các nhà khoa học ở Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, các giống ngô này có sức kháng sâu bệnh rất cao. Ngô biến đổi gen còn chống chịu được thuốc trừ cỏ. Khi phun thuốc trừ cỏ với liều cao cây vẫn phát triển bình thường (các loài ngô giống cũ cây chết sau bảy ngày phun thuốc trừ cỏ). Qua kết quả khảo nghiệm này, từ năm 2011 các giống ngô biến đổi gen sẽ được đưa vào trồng đại trà. Ðây là niềm vui lớn không chỉ đối với nông dân nước ta mà còn đối với cả các nhà sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi. Khi sản xuất ngô giống mới năng suất cao thành công, sản lượng ngô cả nước dự kiến sẽ đạt khoảng 7 đến 8 triệu tấn một năm, gấp 1,5 lần so với hiện nay. Ðương nhiên giá thành ngô khi ấy sẽ rẻ hơn hiện nay rất nhiều. Và khi ấy, chúng ta sẽ không còn phải nhập khẩu ngô.

Bài học ở đây vẫn là: muốn khai thác được tiềm năng, thế mạnh, loại bỏ những nghịch lý, phải bắt đầu từ những cơ chế, chính sách hợp lý.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cao Trần

    Chuyện quá thường ở VN ta,

    Nước ta với đường bờ biển dài 3.260 km mà vẫn nhập khẩu muối thì nhập khẩu ngô là có gì lạ :D

    Nghe đâu người ta còn sắp sửa nhập khẩu cà phê đó bà con

  2. Ngao văn Ngán

    Điều Cao Trần nói thì cũng bình thường. Khi mở cửa thị trường thì các nước có quyền nhập hàng vào, kể cả cà phê. Thậm chí có những hàng hóa chưa kịp nhập thì ta đã đi mua về như trái cây, bánh kẹo, thịt bò, gà, heo, áo quần, giày dép…cho đến xà phòng, nước rửa chén, kim chỉ… mà trong nước có thiếu đâu. Nếu ta có lòng tự tôn sử dụng hàng Việt thì ai nhập để làm gì !
    Việc nhập cũng có mặt tích cực như buộc ta phải tìm cách nâng cao năng suất, cải tiến kỹ thuật, sản xuất hàng có chất lượng cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh…
    Hình như chỗ này Cao Trần hơi bảo thủ.
    Nếu nhập vì :”có làm thì mới có ăn” lại là chuyện khác.

  3. trung dung

    gia nhâp “Vê kép tê ô” thì phải tự do hoá thương mại, hàng hoá nơi nào rẻ thì mua (dĩ nhiên sẽ phải tương ứng với chất lượng)
    Vấn đề là mình phải tìm cách làm ra hàng hoá giá rẻ (tương ứng với chất lượng). Như nhà nước phải đầu tư khoa học kỹ thuật, dẹp bỏ phân bón giả…
    Quan trọng nhất là do đầu óc của cán bộ nhà nước.

Tin đã đăng