Sau khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, lợi nhuận hấp dẫn khiến nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đốn cây trồng khác để trồng sầu riêng.
Tuy nhiên, khi trái sầu riêng chỉ có thị trường chính là xuất tươi sang Trung Quốc, nếu cung vượt cầu – tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Ồ ạt trồng sầu riêng
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang ngày 28.3, đến cuối năm 2022, tổng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh là 17.653 ha, trong đó diện tích trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy. Tính đến ngày 28.3, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 66 mã số vùng trồng sầu riêng, tương đương với diện tích 2.401 ha.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 633 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì đến năm 2030, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được quy hoạch chỉ khoảng 12.000 ha, với sản lượng khoảng 276.000 tấn. Như vậy, đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã vượt hơn 5.000 ha so với quy hoạch đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang – cho biết, trước tình hình một số loại cây trồng gia tăng diện tích đột biến, nhất là cây sầu riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã ban hành văn bản gửi các địa phương chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc phát triển cây sầu riêng trên địa bàn.
Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Tiền Giang năm 2023 (Quyết định số 582/QĐ-UBND ngày 17.3.2023). Trong đó, hàng năm, ngành nông nghiệp đều tổ chức thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, góp phần hạn chế tình trạng cây trồng chuyển đổi tự phát, nhất là cây sầu riêng.
Nguy cơ cung vượt cầu
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp – Nhà nghiên cứu kinh tế ĐBSCL – cho biết, sau hơn 1 năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, đến nay, chưa có tỉnh, thành nào ở ĐBSCL đã được phê duyệt hay công bố quy hoạch của tỉnh dựa trên quy hoạch vùng.
Do đó, khi lợi nhuận từ cây sầu riêng cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, người nông dân ồ ạt chặt đốn cây trồng khác để trồng cây sầu riêng theo phong trào, không theo định hướng. Khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn: Tình trạng này sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa. Nếu chạy theo giá cả ở một thời điểm nào đó mà không đầu tư theo chiều sâu – nông dân giống như đang “chơi một canh bạc”.
“Việc phát triển cây sầu riêng không phải là sai, nhưng phải được tính toán trong một bài toán về cung cầu làm sao đảm bảo sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ. Nó đòi hỏi bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay chỉ nhìn ở lợi thế vùng trồng chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp phải tiêu thụ được và người nông dân có lời” – tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhận định.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, để phát triển nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển Quy hoạch vùng ĐBSCL thì các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ và khẩn trương cụ thể hóa quy hoạch của mình dựa trên quy hoạch vùng ĐBSCL và gắn kết với lợi thế từng của 3 vùng bao gồm: Vùng sinh thái ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, vùng sinh thái mặn – lợ ở ven biển và vùng chuyển tiếp ngọt – lợ ở giữa đồng bằng. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư chế biến để đa dạng sản phẩm, việc phát triển các vùng trồng phải đảm bảo cân đối, gắn liền với hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics vào những cụm chế biến.
Tại Cần Thơ, ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, số liệu hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ, diện tích trồng sầu riêng có khoảng 3.000 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Phong Điền.
Theo ông Nghiêm, hiện nay ngành nông nghiệp chưa có đầy đủ về số liệu cung cầu của trái sầu riêng. Sau khi Nghị định thư với Trung Quốc được ký kết xuất khẩu chính ngạch sầu riêng thì giá cả loài nông sản này đã tăng cao lên. Do đó, sức hút từ giá trị mà cây sầu riêng mang lại đã khiến nhiều nông dân chặt, đốn cây trồng khác để trồng sầu riêng làm diện tích tăng lên.
Ông Trần Thái Nghiêm nhận định, thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng là xuất tươi sang Trung Quốc nhưng đây là thị trường có yếu tố rủi ro rất lớn. Điều này đã từng xảy ra với các loại nông sản khác ở miền Tây.
Xem thêm: Ảo tưởng giá sầu riêng