Mang cây đặc sản phía Bắc vào làm giàu trên đất Tây Nguyên

Nhiều bà con dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn… đã mang cây bò khai đặc sản quê mình vào trồng ở cao nguyên Đắk Lắk.

Hiện loại cây trồng này đang được sản xuất theo tiêu chí VietGap và đã xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ với giá tương đối cao.

Anh Hoàng Văn Hiệu là người đầu tiên mang cây bò khai ở phía Bắc vào trồng ở Tây Nguyên. Ảnh: Phan Tuấn

Di thực cây đặc sản phía Bắc lên Tây Nguyên

Rau bò khai là loài cây thường mọc ở khu vực núi đá tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Loài rau này dạng thân leo, người dân thường hái ngọn, lá non để luộc, xào, nấu canh… Hiện nay, rau bò khai được xem là đặc sản và giá có giá bán khá cao trên thị trường.

Năm 2015, nhiều vườn cà phê của bà con dân tộc Tày, Nùng ở thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk đã trở nên già cỗi, có năng suất thấp nên muốn chuyển đổi cây trồng.

Lúc này, nhận thấy rau bò khai mang lại thu nhập ổn định, anh Hoàng Văn Hiệu, giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã đem cây bò khai từ tỉnh Cao Bằng vào trồng thử nghiệm trên đất Tây Nguyên.

Theo anh Hiệu, sau một năm kiến thiết, vườn bò khai của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, gia đình anh đã phát triển được 1,3ha bò khai xen canh trong vườn sầu riêng và cho thu nhập ổn định.

Nhận thấy loài cây trồng này có nguồn thu nhập ổn định nên vào năm 2017, có 6 người dân ở thôn Cao Bằng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau bò khai.

Đến năm 2020, tổ hợp tác kết nạp thêm 7 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 13 và thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng. Hiện nay, HTX có 21 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 40ha.

Xuất khẩu rau bò khai sang Hoa Kỳ

Theo anh Hiệu, sản lượng rau bò khai sản xuất tùy theo mùa, vào mùa lạnh thì sản lượng sẽ giảm nhưng bù lại giá cả tăng. Hiện nay, mỗi tháng HTX thu hoạch khoảng 2 tấn sản phẩm với giá trung bình 60.000 đồng/kg.

Hiện nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Knuếc đã có nguồn thu nhập ổn định từ cây bò khai. Ảnh: Phan Tuấn

“Rau bò khai của HTX được tiêu thụ trên toàn quốc. Đặc biệt, hơn 2 năm nay, HTX đã ký được với đối tác xuất khẩu chính ngạch rau bò khai sang Mỹ với sản lượng mỗi tuần được vài tạ tùy theo đặt hàng” – anh Hiệu vui mừng cho biết.

Ông Hà Văn Dự, thành viên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng cho biết, rau bò khai đã mang lại thu nhập cao cho gia đình.

“Hiện nay, mỗi tháng gia đình thu nhập gần 20 triệu đồng từ mô hình xen canh bò khai với sầu riêng. Gia đình có 3 thành viên với nguồn thu nhập này thì cuộc sống ổn định, chưa kể sắp tới sầu riêng cho thu hoạch sẽ có nguồn thu tăng thêm” – ông Dự chia sẻ.

Sau khi trừ tất cả chi phí, đối với những hộ gia đình trồng xen canh thì thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Còn các thành viên trồng chuyên canh thì thu nhập cao hơn mỗi tháng có thể lên tới 70-80 triệu đồng.

Năm 2020, sản phẩm rau bò khai của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã được cấp Chứng nhận VietGAP. Hiện HTX cũng xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng phục vụ cho việc xuất khẩu.

Về định hướng sắp tới, giám đốc HTX Hoàng Văn Hiệu cho biết, đơn vị muốn mở rộng diện tích. Tuy nhiên, các thành viên HTX đang gặp khó khăn do cây sầu riêng ngày càng lớn nên diện tích cây bò khai lại giảm dần.

Mặc dù muốn nhân rộng mô hình nhưng HTX đang gặp khó khăn do quỹ đất hạn chế, vốn đầu tư và đầu ra cũng chưa ổn định trong mùa lạnh và mùa khô… Những vấn đề này đang được các thành viên trong HTX họp bàn, cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Theo lãnh đạo UBND xã Ea Knuếc, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã đem đến nhiều kỳ vọng cho người dân địa phương, bởi đây cây trồng mới, được trồng, chăm sóc theo hướng hiện đại và chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Toàn bộ sản phẩm của cây bò khai đều được sử dụng theo hướng gia tăng giá trị là bán rau sạch trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn, nhà phân phối… nên bà con được lợi nhiều.

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Trung Dũng

    Cây này ở Tây Nguyên còn mọc nhiều hơn ở phía Bắc. Dùng từ di thực từ phía Bắc vào Tây Nguyên tôi thấy không ổn.

Tin đã đăng